Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, khi một người thấy chốt kiểm tra nồng độ cồn rồi điện thoại, nhắn tin báo cho người thân, bạn bè hay người đi đường khác là không vi phạm pháp luật và không thể bị xử phạm vi phạm hành chính.
Theo đó, Điểm d Khoản 1 Điều 3 Luật xử phạt vi phạm hành chính đã quy định: "Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định".
"Hành vi nào bị cho là vi phạm hành chính và có thể bị phạt thì hành vi đó phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng.
Chính vì vậy, hành vi báo cho bạn bè hoặc bất cứ ai biết được thông tin có chốt kiểm tra nồng độ cồn không phải là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, cũng không xâm phạm trật tự quản lý nhà nước ở bất cứ lĩnh vực nào, do đó không thể bị xử phạt", luật sư Lực cho biết.
Tuy nhiên, với hành vi báo chốt kiểm tra nồng độ cồn công khai lên mạng xã hội, người dân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm e, Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật" với mức tiền phạt là từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, việc lập nhóm, fanpage trên Facebook để báo chốt kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khi không được đồng ý hoặc sai mục đích (quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP).
"Việc thông báo hoạt động của lực lượng CSGT giúp người vi phạm né tránh các chốt của lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí,… biết để né tránh lực lượng làm nhiệm vụ.
Khi phát hiện hành vi báo chốt kiểm tra nồng độ cồn trên mạng xã hội, công an sẽ kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", luật sư Lực nhấn mạnh.