Hà Nội

Báo chí văn nghệ thời “tang thương ngẫu lục”

01-08-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Tang thương ngẫu lục” là nói vui, mượn tên một tác phẩm của Phạm Ðình Hổ và Nguyễn Án, chứ báo chí văn nghệ thời này quả là có tang thương nhưng cũng chưa đến nỗi tình cờ...

“Tang thương ngẫu lục” là nói vui, mượn tên một tác phẩm của Phạm Ðình Hổ và Nguyễn Án, chứ báo chí văn nghệ thời này quả là có tang thương nhưng cũng chưa đến nỗi tình cờ, cũng chưa đến mức bể dâu, có chăng nó... thê thảm hơn những gì người đọc thấy và nghĩ về nó.

Năm một lần, Bộ Thông tin-Truyền thông lại phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức một hội nghị riêng về báo chí văn nghệ với sự tham dự của tất cả các tờ báo chuyên về văn nghệ như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, các tờ báo, tạp chí Văn nghệ các tỉnh thành, các tờ báo chính trị xã hội, báo ngành có trang văn nghệ, các Đài truyền hình trong toàn quốc, một số báo tỉnh đảng bộ...

Hiện nay, báo in đang đứng trước những thử thách ghê gớm của thời đại, của công nghệ, của văn hóa đọc...

Năm nay cuộc hội nghị ấy tổ chức tại Vũng Tàu đã thu hút khá đông các báo và các nhà báo, chứng tỏ sự quan tâm đến báo chí Văn nghệ của giới truyền thông, và cũng không chỉ của giới truyền thông...

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông thì hiện nay cả nước có hơn tám mươi cơ quan báo chí văn nghệ thuộc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh thành và báo chí của một số hội chuyên ngành như Hội Điện ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu vân vân. Về số lượng phát hành của hệ thống báo chí Văn nghệ, nhiều người cho rằng nó thuộc diện... bí mật quốc gia, rất ít người biết con số thật, hoàn toàn không phải là do... cạnh tranh thông tin, mà bởi đấy là những con số... đau lòng.

Về mặt nào đấy, báo chí văn nghệ vẫn là một thứ sang trọng trong mắt một số người viết và bạn đọc. Bên cạnh nhà tôi có 2 ông hàng xóm, bỏ tiền túi đặt báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội và tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Ngày báo về, các ông trịnh trọng tắm, rồi pha một bình trà, châm một điếu thuốc, rồi mới nghiêm trang giở tờ báo đọc. Có hôm cao hứng, ông lôi bia ra mời tôi sang uống. Còn người viết, nhất là người mới viết, thì vẫn coi những tờ báo văn nghệ ấy là thánh đường. Chả cần nói đâu cao sang, chỉ là cái tòa soạn tạp chí văn nghệ mà tôi đang làm ở đấy, khối người kể trước khi vào phải hít hơi mấy lần, đi qua đi lại mấy lần rồi mới... hùng dũng tiến vào. Là sau này khi quen rồi thì họ hồn nhiên kể thế thì biết thế chứ tôi cũng... chả tin lắm. Lại có một ông khi nào vào cơ quan tôi thì cũng, hoặc là có bó hoa, hoặc là chai rượu, bảo như thế nó mới... văn nghệ. Còn 2 cái địa chỉ ở Hà Nội là 17 Trần Quốc  Toản và 04 Lý Nam Đế thì nó đúng là thánh đường của giới cầm bút. Tôi đã từng bao lần tần ngần lại qua trước khi lấy hết can đảm bước vào...

Giờ, cũng giống như các loại báo chí khác, báo chí văn nghệ đang đứng trước những thử thách ghê gớm, của thời đại, của công nghệ, của văn hóa đọc... của rất nhiều yếu tố chống lại báo in, chống lại sự đọc dài, đọc phải suy nghĩ, phải đau đáu tư duy, phải ngẫm ngợi... Báo chí các loại thê thảm một thì báo chí văn nghệ thê thảm gấp nhiều lần. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tất cả các tờ báo Văn nghệ trên toàn quốc đều tụt số lượng phát hành. Còn tụt bao nhiêu thì như phía trên đã nói, là lĩnh vực... bí mật. Cũng may là tiara (số lượng phát hành) tụt nhưng nhuận bút thì... giữ nguyên. Có năm nào đó tôi chọc anh Nguyễn Trí Huân, khi đó là Tổng biên tập báo Văn nghệ, rằng anh Huân là người chống lạm phát giỏi nhất Việt Nam. Trong hoàn cảnh cái gì cũng tăng thì anh vẫn kiên định giữ nguyên mức nhuận bút. Nhà Văn Khuất Quang Thụy khi về làm Tổng biên tập thay anh Huân đã làm một việc rất đình đám khi ấy, là quyết nhuận bút một bài thơ từ 70 ngàn “lên hẳn” 100. Nhà thơ Phạm Đương có hai câu thơ vui: Báo Văn nghệ đứng ngoài cơn bão giá, mấy năm rồi thơ vẫn chỉ một trăm. Tôi chuyển cho nhà văn Khuất Quang Thụy đọc 2 câu này, ông Thụy ứng khẩu ngay: Báo Văn nghệ sẽ chui vào bão giá, cuối năm này nhuận bút (thơ) sẽ hai trăm. Tôi bảo, thôi bác cố gắng lên trăm hai là tốt rồi, cho nó hòa nhập với cái gì cũng tăng hiện nay, khỏi phải có cái ngoặc đơn trừ nhuận bút báo Văn nghệ. Lại nhớ mới năm kia, một tờ tạp chí Văn nghệ của một tỉnh miền Trung in hai bài thơ của tôi, nhân một cuộc đi họp, Tổng biên tập chuyển cho tôi nhuận bút bỏ trong phong bì, ngoài ghi: Nhuận bút 2 bài thơ, 30.000X 2 = 60.000. Tôi lấy bút khuyên thêm một số không rồi giơ cho một số nhà thơ xem, ai cũng lè lưỡi, sao nhuận bút thơ mà cao thế?..

Nó có rất nhiều lý do. Trong đó có một lý do không thể chối cãi, là do chính những người làm báo. Ngay trong Đại hội Nhà văn vừa rồi, nhà thơ Bùi Hoàng Tám lên diễn đàn nói về báo Văn nghệ rằng là biên chế quá đông mà người thật sự biết làm báo  lại quá ít. Các tạp chí, báo văn nghệ của tỉnh lại còn bi hài hơn. Để làm các báo chí loại này đòi hỏi những người làm phải vừa là nhà văn vừa là nhà báo, ít nhất cũng biết đọc tác phẩm, phân biệt hay dở. Nhưng trong thực tế, rất nhiều người tay ngang được cử sang làm những công việc này. Nó cũng y như các hội Văn học Nghệ thuật địa phương hiện nay, rất nhiều người được cử sang làm lãnh đạo hội từ các cơ quan như tuyên giáo, báo, mặt trận, cán bộ huyện, giáo dục vân vân... Báo chí văn nghệ thời hiện tại quả là một thực thể vô cùng khó khăn đối với người làm báo, và cả người đọc. Như đã nói, các tạp chí văn nghệ, tiếng là báo văn nghệ chuyên nghiệp, nhưng cũng không phải tờ nào cũng là báo, cũng là chí. Nó phụ thuộc rất lớn vào người làm. Không phải ai đang làm các báo, tạp chí văn nghệ cũng là những nhà văn biết làm báo. Ngay các tờ báo Văn nghệ lớn cũng không thoát được nghịch lý này. Sự nhanh nhạy với đời sống xã hội, với nhu cầu bạn đọc, với chính sự phát triển nội tại của báo chí rất ít, dẫn đến các tờ báo để... ngắm nhiều hơn để đọc. Sự thụ động, cả bảo thủ trong cái vỏ sang trọng, văn chương thuần túy đã khiến báo chí văn nghệ trở thành những lâu đài nhưng... bỏ hoang. Và các tờ báo có trang văn nghệ nữa, trừ các tờ báo lớn có các ban văn nghệ riêng, các tờ báo Đảng địa phương và một số báo khác, in văn nghệ (tác phẩm và các vấn đề văn nghệ) rất... lơ tơ mơ. In cho đầy trang, cho có. Vì họ không có biên tập viên chuyên nghiệp, không có sự am hiểu thấu đáo... Ngay tôi, thi thoảng lại nhận được cú điện thoại: có bài thơ nào ngăn ngắn cho một bài. Tôi hiểu ngay khi dàn trang, tờ báo ấy thừa một miếng bằng bao diêm, và bài thơ ngăn ngắn kia là để đắp vào chỗ “bao diêm” ấy.

Vắng khách mua báo, nhiều sạp báo phải kinh doanh thêm các mặt hàng khác để tồn tại.

Ở đây không nói về các chương trình văn nghệ trên sóng các đài truyền hình, cả quốc gia và tỉnh. Nói về nó, phải có cả một “chuỗi” bài...

Cũng không nói về các trang báo mạng, coi văn nghệ tức là luôn theo dõi nhất cử nhất động của các “sao”, từ ngồi nằm thế nào, mặc gì, ăn gì, ngủ như thế nào, vòng một vòng hai vòng ba các loại, cho đến nói gì, ở đâu, hồi nhỏ cởi truồng hay mặc quần thủng đít...

Khi nghe tôi chia sẻ về sự “nguy nan” của báo chí văn nghệ hiện nay, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban Văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội nhắn tin cho tôi: “Văn nghệ Quân đội không nguy nan nhé, chỉ... sắp nguy nan thôi”. Còn nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn nghệ thì ví von: “Báo chí văn nghệ giờ nó như cái cúc áo ấy, không có cúc người ta vẫn... mặc áo, nhưng mặc như thế nó không ra người tử tế”.

Cái ví von của anh Thụy rất là hay và thấm. Nhưng hiện tại hình như đang có thời trang không cài cúc, thậm chí rất nhiều người cởi trần đi ngoài đường. Và, hình như họ vẫn là người tử tế. Hình như có năm nào đó, Bộ Công an từng có dự định ra quy định không được cởi trần ra ngoài đường, chính xác là ai cởi trần ra đường sẽ bị phạt 200 ngàn đồng. Dự định này đã chìm vào quên lãng, còn người cởi trần vẫn rất đông...

Cái thời báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội là thứ gối đầu giường, xé ra chia nhau đọc, cái thời được in một bài thơ, một truyện ngắn trên báo Văn nghệ tỉnh sướng âm ỉ cả tuần... có vẻ như đang trở thành cổ tích. Hôm nay, những người làm báo chí văn nghệ gặp nhau toàn kể chuyện tiếu lâm về nghề mình xen giữa những tiếng thở dài cố ép lại...

Nhưng vẫn có những người tự tin bảo: giao cho tôi làm, không dưới 5 vạn bản/kỳ tôi không phải là tôi. Và tờ Văn nghệ Công an của nhà thơ Phạm Khải và nhà văn Nguyễn Thế Hùng nghe nói tiara vẫn 3 vạn...

Văn Công Hùng

 

 


Ý kiến của bạn