Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

12-05-2014 10:39 | Quốc tế

SKĐS - Hình ảnh là cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ, băng rôn yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam nhuộm đỏ các bài về tình hình Việt Nam trên các trang báo mạng quốc tế.

Hình ảnh là cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ, băng rôn yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam nhuộm đỏ các bài về tình hình Việt Nam trên các trang báo mạng quốc tế.

Trong 2 ngày vừa qua đã diễn ra các cuộc tuần hành, phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải Việt Nam diễn ra trên khắp 3 miền Việt Nam. Động thái này đã được phản ánh trên các tờ báo lớn của nước ngoài. Hình ảnh là cờ đỏ sao vàng và các biểu ngữ, băng rôn yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam nhuộm đỏ các bài về tình hình Việt Nam trên các trang báo mạng quốc tế.

Người dân TP.Hồ Chí Minh tuần hành phản đối giàn khoan Trung Quốc.   Ảnh AFP

Người dân TP.Hồ Chí Minh tuần hành phản đối giàn khoan Trung Quốc. Ảnh AFP

Các cuộc tuần hành trong hòa bình trên khắp các địa phương của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với hơn 1100 bài báo tiếng Anh (tìm kiếm trên Google). Ngay trên tờ South China Morning Post của Trung Quốc cũng đăng video về đoàn người biểu tình trong hòa bình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam và cả đoạn clip cho thấy sự hung hăng của tàu bảo vệ Trung Quốc đối với tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Thậm chí tờ này còn dẫn lời một cựu chiến binh Việt Nam, ông Đặng Quang Thắng, 74 tuổi nói: “Sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi ở đây để thể hiện ý chí của người dân Việt Nam quyết bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước.”.

Trên một tờ báo của Thượng Hải (Shanghaiist) còn viết: Vào năm 2011, mặc dù Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận giải quyết một cách hòa bình các vấn đề trên biển Đông, nhưng Trung Quốc đã phá vỡ thỏa thuận đó với động thái mới nhất của mình (là hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, thậm chí còn đưa cả tàu quân sự, dân sự, máy bay hộ tống vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982).

Phản đối ôn hòa giàn khoan HD981 của Trung Quốc.   Ảnh : Shanghaiist

Phản đối ôn hòa giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh : Shanghaiist

Phóng viên AP bình luận, việc triển khai giàn khoan có kích thước lớn đang kích hoạt một sự căng thẳng mới trên đại dương và gây lo ngại về sự đối đầu của các nước láng giềng. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển trên Biển Đông đã đưa Bắc Kinh đối đầu với nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam.

Trên tờ Wall Street Jorrnal mô tả, hàng nghìn người tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tuần hành qua các con đường, đến lãnh sự quán Trung Quốc với các khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng lãnh hải của Việt Nam. Tại thành phố Đà Nẵng, khoảng 3.000 người đã tụ tập thể hiện nguyện vọng của người dân Việt Nam đối với việc làm ngang ngược của Trung Quốc.

Tờ Prague Post cũng đăng tải thông tin về việc hàng trăm người Việt ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha để phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Thậm chí nhiều người Việt ở các tỉnh khác cũng kéo về đây để thể hiện lòng yêu nước. Tờ báo viết: “những người biểu tình mang theo biểu ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Séc viết: Trung Quốc hãy dừng lại, Hãy cút ra khỏi Việt Nam, Dừng ngay cuộc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Việt Nam… Những người biểu tình đầy các đường phố Praha, đông nhất ở khu vực đại sứ quán Trung Quốc.”.Trích lời của một người con xa xứ, ông Lê Duy Kỳ nói: “ Mặc dù chúng tôi đang ở xa Việt Nam, chúng tôi có một tình yêu đối với quê hương mình. Có lẽ ở đây có rất nhiều người có quốc tịch Séc, nhưng chưa bao giờ chúng tôi quên nguồn gốc Việt Nam của mình, chúng tôi có nhiệm vụ chiến đấu cho đất nước của chúng tôi.”. Giờ đây muôn triệu trái tim người Việt đã cùng chung nhịp đập, bất kể ở nơi đâu trên thế giới, cùng hướng về nơi hải đảo biên cương, quyết bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhà báo Thomas L.Friedman, phóng viên tờ New York Times, người từng đoạt giải thưởng báo chí Pulizer, hiện có mặt tại Hà Nội đã có bài viết trên New Strait Times. Ông viết, một Trung Quốc đang lên đang tìm kiếm dầu ở cả những nơi rõ ràng là sai lầm, như trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Ông cho rằng nếu vận dụng nguyên lý bó đũa của Việt Nam, tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế thì sẽ buộc Trung Quốc phải thực thi luật pháp quốc tế.

Các cuộc tuần hành diễn ra trong trật tự.            Ảnh: Shanghaiist

Các cuộc tuần hành diễn ra trong trật tự. Ảnh: Shanghaiist

Báo Scotland Sunday đưa tin từ Hội nghị ASEAN Tại Myanmar cho biết, Việt Nam và Philippines đang thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn để đối đầu với hành vi hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Hàng loạt các dòng tít như “Người Việt Nam biểu tình phản đối giàn khoan dầu của Trung Quốc”, “ Sự phẫn nộ của người Việt Nam đối với giàn khoan Trung Quốc”, “Người Việt phản đối chính sách của hải quân Trung Quốc”. “Giàn khoan dầu Trung Quốc làm sục sôi phẫn nộ”… xuất hiện trên các trang tin điện tử khắp thế giới.

Phóng viên New Yorrk Times nhận định: Những lời tuyên bố của Trung Quốc hầu như không mấy thuyết phục bởi hành động cố ý leo thang căng thẳng của Trung Quốc sẽ không xảy ra nếu Trung Quốc không cố ý đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam.

Hải Yến

 

 


Ý kiến của bạn