Báo chí phải nỗ lực chuyển đổi số để tồn tại, cạnh tranh với các mạng xã hội

12-11-2024 10:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Doanh thu của các cơ quan báo chí sụt giảm nghiêm trọng do sự cạnh tranh của các mạng xã hội, vấn đề đạo đức của người làm báo và lộ trình xóa bỏ các vùng lõm chưa có sóng viễn thông... được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp.

Chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hộiChiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

SKĐS - Khoảng 15h15 chiều nay (12/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Doanh thu của ngành thông tin và truyền thông bằng 1/3 GDP đất nước

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 12/11 về các vấn đề gồm Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay;  Quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng;  Đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông là ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số. Đó là hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý nhà nước về báo chí phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành. Bởi vậy nhiều người gọi Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ hạ tầng số, Bộ chuyển đổi số.

Báo chí phải nỗ lực chuyển đổi số để tồn tại, cạnh tranh với các mạng xã hội- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 12/11.

Ông cho biết ngành Thông tin và Truyền thông hiện có doanh thu hàng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước; tăng trưởng luôn cao hơn hai lần tăng trưởng GDP. Thời gian qua, Bộ Thông tin truyền thông đã tăng cường phổ cập, nâng cao hạ tầng số tại các vùng sâu vùng xa.

"Chúng tôi coi những tồn tại, hạn chế là động lực phát triển ngành. Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, vừa thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay khoảng 80% quảng cáo trực tuyến thực hiện trên mạng xã hội. Năm 2023, Thủ tướng đã ra một chỉ thị về truyền thông chính sách, yêu cầu các cấp hàng năm đặt hàng báo chí để thông tin truyền thông về chính sách. Đây là một nguồn thu cho báo chí. Tuy nhiên ông cho rằng bản thân báo chí cũng phải thay đổi để cạnh tranh với mạng xã hội về chuyển đổi số.

Xiết chặt đạo đức nghề nghiệp nhà báo

Đại biểu Phạm Quang Hòa chất vấn về tình trạng tiêu cực của một số phóng viên trong thời gian qua xuất phát từ tình trạng báo chí bị chia sẻ nguồn thu với mạng xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống của phóng viên, biên tập viên. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Năm 2018 khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi đọc một nghiên cứu đánh giá uy tín nghề nghiệp. Khi đó phóng viên xếp thứ 9/10, thứ 10 là người bán bất động sản online. Tư cách đạo đức của phóng viên được quan tâm nhiều những năm gần đây. Năm 2022, cũng tại bảng xếp hạng này, phóng viên xếp thứ 3 sau giáo viên và bác sĩ".

Báo chí phải nỗ lực chuyển đổi số để tồn tại, cạnh tranh với các mạng xã hội- Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Quang Hòa (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 12/11.

Lý do của việc này, theo Bộ trưởng cũng có câu chuyện liên quan kinh tế báo chí. Ông nói trước đây 80% quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí thì giờ rơi vào tay mạng xã hội. Có nghĩa nguồn thu từ quảng cáo của cơ quan báo chí giảm một cách đáng kể.

Ông nhắc lại năm 2023 đã ra một Chỉ thị về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, phải có bộ máy, ngân sách, đặt hàng cho báo chí thì đây cũng là một nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí.

Bộ trưởng nhìn nhận, vấn đề tiêu cực của một số phóng viên xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp chứ không phải vì vấn đề thu nhập. Thực tế thu nhập của phóng viên trong một số cơ quan báo chí không phải là thấp so với cán bộ công chức. 

Với mức hoảng 15-20 triệu đồng, thu nhập của phóng viên cao hơn mức chung của cán bộ công chức nhưng thấp hơn doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung mạnh mẽ khắc phục vấn đề đạo đức nghề nghiệp của phóng viên.

Giải pháp sử dụng vệ tinh khắc phục vùng 'lõm sóng'

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Hồng Thái về phủ sóng vùng sâu, xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đến thời điểm COVID-19 mới phát hiện ra khá nhiều vùng lõm sóng. Bởi lúc đó, chỉ còn mỗi cách dạy - học trực tuyến. Gần đây khi chúng ta chuyển lên môi trường số nhiều hơn, mua bán thương mại điện tử, làm việc mới chú ý nhiều hơn vùng lõm sóng.

Ông nói trong giai đoạn COVID-19, dù chưa có nghị định mới nhưng bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, đã phủ sóng được 2.500 thôn, bản lõm sóng. Hiện có hơn 700 vùng lõm sóng mới do gần đây mới phát hiện và thời gian tới sẽ phát hiện thêm. Cũng theo ông Hùng, 751 trạm này thực hiện theo quy định mới, theo Luật Viễn thông, nghị định mới.

"Đến nay nghị định chưa được ban hành, chậm trễ có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nhận trách nhiệm về mình. Đáng lẽ phải được ban hành vào đúng ngày 1/7/2024. Bộ đang cố gắng hết sức để trong tháng 11 - 12 năm nay sẽ hoàn thiện được nghị định này", ông Hùng nêu rõ. Theo lộ trình đến tháng 5/2025 sẽ phủ sóng toàn bộ các khu vực đang lõm sóng hiện nay.

Nghị định này sẽ có cơ chế thông thoáng hơn rất nhiều để xây dựng các trạm ở vùng sâu, xa. Trước đây cơ chế cũ trong mười mấy năm không làm được. Khi nghị định ra đời, việc phủ sóng các vùng "lõm sóng" sẽ rất nhanh", ông Hùng cam kết.

Đối với những trạm chưa có điện, ông Hùng cho hay đã làm việc với Bộ Công Thương nhưng có thể cũng không làm nhanh được. Bộ có giải pháp mới là sử dụng vệ tinh. Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất, hoặc không hiệu quả, khó triển khai. Đây là giải pháp phủ sóng các cụm dân cư lõm sóng.

Bộ trưởng nhìn nhận, không có sóng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, vì toàn bộ đã hoạt động trên môi trường số. Nhìn nhận khách quan, dù còn các vùng lõm sóng song hiện có  99,8% dân số Việt Nam đã được phủ sóng 4G trong khi các nước phát triển trên thế giới, con số này là 99,4%, đây cũng là điều rất đáng tự hào.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn về tình trạng giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năngBộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn về tình trạng giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng

SKĐS - Chiều 11/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm lĩnh vực y tế, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng như việc cấm thuốc lá điện tử, nung nóng, tình trạng giả danh bác sĩ bán thực phẩm chức năng (TPCN)...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y tế bác bỏ thông tin sử dụng muối iod có nguy cơ mắc cường giáp và 1 số bệnh khác | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn