Báo chí là một trong hai nhóm ngành “hot” nhất năm nay

18-05-2021 18:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) vừa công bố số liệu thống kê nguyện vọng của 15 trên tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm 2021. Đây là những nhóm ngành có số liệu đáng chú ý.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học, năm 2021, toàn hệ thống có trên 3, 8 triệu nguyện vọng đăng ký, gần 550.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số 3,8 triệu nguyện vọng (NV) này đã thống kê tất cả các nguyện vọng (từ NV1, NV2, NV3...).

Số liệu thống kê nguyện vọng của 15 ngành học năm nay.

Nếu tính tổng NV trên chỉ tiêu thì NV có số lượng gấp hơn 7 lần chỉ tiêu, nhưng nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển NV1 thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu của cả hệ thống. 

Để đánh giá tình hình, Vụ Giáo dục đại học cho biết, xu hướng đăng ký ngành năm nay cần phải căn cứ số liệu đăng ký NV1 vì NV1 thể hiện ưu tiên số 1, ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của các em. Chỉ khi không đỗ NV1, các em mới bắt đầu lựa chọn các ngành nghề khác bằng các NV2, NV3. 

Số liệu cho thấy, những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là:

An ninh Quốc phòng (566,82%);

Báo chí và thông tin (311,65%);

Nghệ thuật (210,7%);

Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân (201%)…

Mặc dù nhóm ngành Kinh doanh Quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (32,77%), nhưng khi xét ở số lượng đăng ký nguyện vọng 1, nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong số những nhóm ngành hút thí sinh nhất.

Ngược lại, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (dựa trên số lượng đăng ký vào nguyện vọng 1) là Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.). Đây đều là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao.

Theo Vụ Giáo dục đại học, việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành không nên hiểu là lệch, mà nên hiểu theo hướng: Thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (là ngành hot, thu nhập đang cao), thể hiện NV của thí sinh và thể hiện nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, nền kinh tế.

Vụ Giáo dục đại học lưu ý thí sinh ở những nhóm ngành “hot” này, mức độ cạnh tranh sẽ cao, khả năng trúng tuyển sẽ khó hơn các nhóm ngành khác. Đây là rủi ro, thách thức mà thí sinh đăng ký vào các nhóm ngành này cần lưu ý.

 


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn