Báo chí - Khoảnh khắc của vẻ đẹp vĩnh cửu

21-06-2016 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Cách đây cũng lâu rồi, có dễ chừng hai mươi năm, khi bàn về một nhà văn lớn rất nổi tiếng, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như cuốn sách nào của ông ra cũng gây được tiếng vang...

Cách đây cũng lâu rồi, có dễ chừng hai mươi năm, khi bàn về một nhà văn lớn rất nổi tiếng, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như cuốn sách nào của ông ra cũng gây được tiếng vang, vì luôn đề cập những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại. Khảo sát thêm trong lần đi thực tế với ông, tôi thấy ông khai thác tư liệu như một nhà báo. Nhân vật và cốt truyện đều người thật, việc thật. Tên tác phẩm của ông cũng na ná như tên các bài Phóng sự, hay Xã luận báo Nhân Dân: Tháng Ba ở Tây Nguyên, Họ sống và chiến đấu, Gặp gỡ cuối năm, Chủ tịch huyện, Mùa lạc… Và Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa… Tôi gọi ông là “nhà văn thông tấn”. Đó là cách khu biệt ông với nhiều nhà văn cũng nổi tiếng khác. Ông có vẻ giận. Nói thế, khác gì biến nhà văn thành nhà báo. Mà nhận định như vậy cũng là hạ thấp giá trị văn chương của ông.

Phóng viên luôn là những người xông xáo trên mọi lĩnh vực. Ảnh: Ánh Nguyệt

Thực chất đâu phải vậy. Trong kho tàng văn chương nhân loại từng có những ông khổng lồ mà giới lý luận cũng gọi họ là “nhà văn thông tấn” đó thôi, ví như: Ernest Hemingway và Gabriel Garcia Marquez. Hai ông vĩ đại này đều được trao Giải Nobel về Văn chương. Tôi không nghĩ nhà báo thua nhà văn hay Văn chương vĩnh cửu hơn Báo chí. Sức sống của tác phẩm không nằm trong thể loại, mà hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo ra nó. Một bài báo hay có giá trị hơn một truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết mà lại viết xoàng.

Khi bàn chuyện báo chí, ta thường nghĩ đến các sự kiện hay những vấn đề thời sự có khi chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Sự kiện qua đi, không ai tìm đến những bài viết đề cập đến những chuyện đã cũ ấy nữa. Nhưng đó thường là bài báo xoàng của một nhà báo xoàng. Còn đối với tài năng báo chí, nhất là với những tài năng lớn thì họ có thể biến khoảnh khắc mong manh ấy thành vĩnh cửu. Và rồi với sức sống mãnh liệt của những con chữ linh diệu có sức ám ảnh người đọc, bài báo có thể làm sống dậy cả một giai đoạn lịch sử hay một thời đại mà nó đã đề cập.

Thời đại chúng ta đang sống hôm nay là thời đại của báo chí. Người dân có quyền được thông tin, quyền nắm bắt sự thật. Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, người ta xếp báo chí thuộc Quyền lực thứ tư.

Ở nước ta, báo chí quả có sức mạnh đặc biệt. Phần lớn các vụ án, các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Khi kết luận không ít những vụ việc lình xình, Thủ tướng Chính phủ của chúng ta cũng đã từng cảm ơn báo chí, nhờ có báo chí, ông mới biết rõ hơn một số tình tiết của vụ việc.

Tôi vừa nói báo chí thuộc Quyền lực thứ tư, thậm chí còn là Siêu quyền lực. Bởi sự ảnh hưởng và sức công phá của nó đều rất lớn. Nó có thể dựng lên một hiện tượng và tàn phá tan hoang cả một thành trì. Không ít doanh nghiệp khốn đốn vì một bài báo. Nhiều nông dân trắng tay vì một bài báo vu vơ rằng ăn vải có thể bị viêm màng não. Thế là hàng ngàn tấn vải không ai mua. Cũng tương tự như thế, thanh long, dưa hấu cũng từng bị đổ đỏ đường vì một cái tin vịt. Vì thế, trách nhiệm của người cầm bút rất lớn. Lời nói đọi máu. Sau mỗi lời, mỗi chữ là số phận của bao nhiêu con người. Chúng ta đã có Luật Báo chí. Bộ luật ấy sẽ giúp cho báo chí hoàn thiện hơn, trong sạch hơn.

Các nhà báo phỏng vấn một bệnh nhân vừa được xuất viện. Ảnh: Trần Minh

Hiện chúng ta có hơn sáu trăm tờ báo. Nếu tính cả báo điện tử thì phải lên đến con số hàng ngàn, hàng vạn. Ấy là chưa kể những trang mạng xã hội, hay những trang điện tử cá nhân blog hay facebook. Đó là lưới giời lồng lộng trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã xả thân vì miếng cơm, manh áo của dân. Và không phải chỉ có các nhà báo dũng cảm, trong sự phát triển như bão lốc của công nghệ thông tin hiện nay, chỉ một điện thoại di động, một cây bút có chức năng ghi hình, bất cứ người dân nào cũng có thể thành nhà báo, thành hiệp sĩ chống tiêu cực, có thể “tóm gọn” kẻ gian với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Chẳng khuất tất nào có thể thoát nổi con mắt của dân qua ống kính của các nhà báo. Chỉ có điều, chúng ta có muốn xử lý nghiêm túc hay không mà thôi.

Cùng với việc chống cái xấu, cái ác, báo chí cũng phát hiện nhiều vẻ đẹp như phép lạ của đời sống thường ngày. Trong khi có quan chức “ăn” cả đất của dân thì lại có người dân, sống lay lắt bằng đồng tiền bán vé số, hay mấy trăm ngàn lương hưu, nhưng đã hiến ngót ngàn mét đất hương hỏa, có giá trị hàng trăm cây vàng để xây trường cho trẻ em nghèo. Một thầy giáo về hưu bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Một cháu bé mới có 3 tuổi mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bầy ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Những câu chuyện như thế, làm sao mà cũ được.

Chính “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” - theo quan niệm của nhà báo lão thành Hữu Thọ - đã cho các ký giả chúng ta có phép màu nhiệm, biến những khoảnh khắc mong manh thành vẻ đẹp vĩnh cửu. Vẻ đẹp của muôn đời...


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn
Tags: