Báo chí đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia

20-06-2023 14:58 | Xã hội

SKĐS - Trong công cuộc chuyển đổi số của nước ta, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Hội Nhà báo Việt Nam, diễn ra trung tuần tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò của báo chí với mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra hiện nay. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những năm qua, báo chí cách mạng phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. 

Báo chí đóng vai trò trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm... 

Nhiều bài báo mang tính phát hiện, đúc kết thực tiễn sinh động, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các giải pháp thiết thực trên nhiều lĩnh vực...

Nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

“Hơn bao giờ hết, Báo chí Cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021- 2025”, Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Báo chí đóng vai trò trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.

Trong Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

 Như vậy để thấy trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mà báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số phải là “bộ lọc” thông tin, giải đáp hướng dẫn, phân tích, chỉ ra được bản chất của các hiện tượng, câu chuyện, vấn đề trong xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát triển theo hướng hiện đại. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung. 

Báo chí đóng vai trò trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.

Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và thông tin đa phương tiện. Sự chuyển dịch phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của độc giả.

 Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi. 

Báo chí đóng vai trò trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 4.

Chuyển đổi số trong báo chí nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Từ đó, báo chí chính thống huy động, tập hợp lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về chiến lược chuyển đổi số báo chí để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số; ban hành Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam với nhiều điểm mới, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho báo chí thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước. 

“Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Tạo lập môi trường để những người làm báo phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; chỉ đạo các ban, bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Hà Lê
Ý kiến của bạn