Hà Nội

Báo chí đóng vai trò quan trọng xây dựng, củng cố niềm tin xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19

19-06-2021 15:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 hoành hành. Đồng hành cùng những y, bác sĩ, nhân viên y tế và các chiến sĩ tại tuyến đầu chống dịch, các phóng viên không quản ngại nguy hiểm, mệt mỏi lao vào các “điểm nóng”, tâm “ổ dịch”,

làm việc xuyên đêm để có được những bản tin cập nhật về dịch bệnh nhanh chóng, chân thực và chính xác nhất, giúp người dân hiểu rõ tình hình dịch bệnh và chủ trương, đường lối phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước. Những hy sinh thầm lặng đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố niềm tin xã hội, giúp nhân dân đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết chiến thắng đại dịch COVID-19.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ về đóng góp của báo chí Việt Nam trong công cuộc toàn dân, toàn quân phòng chống đại dịch COVID-19.

PV: Trên cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, một người có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác báo chí, ông có cảm thấy tự hào với hội viên - đồng nghiệp của mình trên mặt trận chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam?

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Cảm xúc bao trùm lên tôi là tự hào và cảm phục khi nhìn thấy các đồng nghiệp của chúng ta tác nghiệp trên mặt trận chống COVID-19. Cảm phục vì tinh thần dấn thân, không quản ngại khó khăn, thậm chí là nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ thông tin báo chí trên một mặt trận có thể nói là rất căng thẳng, quyết liệt chống đại dịch COVID-19.

Tôi nhớ trong một lần họp rút kinh nghiệm về công tác tuyên truyền báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói một câu mà tôi rất thấm thía, đó là: Báo chí là lực lượng tiên phong trên mặt trận chống dịch, cùng với lực lượng y tế, quân đội và công an. Quả thực, đó là sự ghi nhận rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự cống hiến, cũng như nói lên vai trò hết sức quan trọng của báo chí đối với công tác tuyên truyền, góp phần hết sức quan trọng vào thành công chung của đất nước trên mặt trận chống COVID-19.

Trong thành công chung của đất nước trong cuộc chiến này, người ta có thể chỉ ra rất nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi nói rằng, có một nguyên nhân hết sức quan trọng là chúng ta làm rất tốt công tác tuyên truyền mà báo chí là lực lượng chủ công với nguồn thông tin quan trọng, tin cậy nhất. Chính vì vậy, trong kết quả thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu Thị trường Latana (Đức) thực hiện, Việt Nam được xếp là một trong những nước đứng đầu thế giới mà người dân đặt niềm tin cao vào Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Và tôi nghĩ là, tại sao người dân Việt Nam lại có niềm tin gần như tuyệt đối vào Chính phủ, là bởi vì chúng ta đã làm công tác tuyên truyền rất tốt. Báo chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tạo niềm tin cho xã hội vào những chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ông đã đưa ra khái quát rất toàn diện cho bức tranh báo chí trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Hiện chúng ta đang bước vào đợt dịch thứ 4, trong bức tranh toàn cảnh đó, ông có cảm giác sau các đợt dịch thứ 1, 2 và 3, sự nhiệt huyết của báo chí suy giảm hay không?

Tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của báo chí không hề giảm đi nhưng cách thức đưa thông tin có sự đổi mới, cải tiến để phù hợp với tình hình thực tế.

Ví dụ, trước đây, chúng ta thường xuyên thông tin về diễn biến của dịch bệnh và cho rằng đó mới là nguồn thông tin chủ đạo nhất. Tuy nhiên, với đợt dịch thứ 4 này, nếu chỉ cung cấp cho bạn đọc về những diễn biến của dịch bệnh, nhất là về những “điểm nóng”, “ổ dịch” và những nguy cơ lan truyền ổ dịch ra cộng đồng là chưa đủ đầy. Mà quan trọng hơn, báo chí còn thông tin cho người dân tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 này như thế nào, khác với các đợt dịch trước đó ra sao. Tôi thấy những thông tin này thực sự có tác dụng.

Chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ tư một cách điềm tĩnh hơn, dù đợt dịch này có nguy cơ lây nhiễm căng thẳng, quyết liệt hơn. Bởi giờ đây, không chỉ có chống dịch, mà quan trọng hơn nữa, chúng ta còn nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. “Mục tiêu kép” vốn đã được đề ra vào năm ngoái, nhưng được đặt ở mức độ cao hơn vào năm nay. Chúng ta quyết tâm khôi phục phát triển kinh tế cùng với kiểm soát dịch bệnh, không vì quá chú trọng vào kiểm soát bệnh mà coi nhẹ nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế.

Ngay cả ở những “ổ dịch” hết sức nguy hiểm như ở Bắc Giang hiện nay, nơi có hàng nghìn người đang phải cách ly, điều trị, sản xuất vẫn được tiếp tục. Tôi thấy đó là điều thể hiện sự điềm tĩnh, lạc quan của toàn dân, toàn Đảng trước đại dịch. Hãy nhìn cách chúng ta đối mặt với đại dịch COVID-19 tại những tâm dịch để thấy được ý chí của Việt Nam, tinh thần vượt khó, lạc quan của Việt Nam. Người trên mặt trận chống dịch thì làm nhiệm vụ chống dịch, người ở mặt trận sản xuất, kinh doanh thì làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Như vậy, “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội được đảm bảo.

Ông đã nhắc tới một chi tiết hết sức đặc biệt, quan trọng liên quan tới công tác báo chí - đó là niềm tin của nhân dân. Trong đại dịch này, niềm tin của nhân dân được gửi gắm rất nhiều qua báo chí và họ tin tưởng vào báo chí hơn. Tôi đã đọc thông số của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, con số lên đến gần 90% niềm tin của nhân dân dành cho báo chí nước nhà trong công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng chống COVID-19. Đối với ông - một người làm công tác báo chí lâu năm, đồng thời giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào đối với con số này?

Đó là một con số, đối với tôi, là chính xác, thể hiện một sự thật sống động ở đất nước chúng ta. Là người dân có niềm tin vào Đảng, Nhà nước, có niềm tin vào những biện pháp mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành hiện nay, có niềm tin vào chế độ của chúng ta. Tôi nghĩ đây là một niềm tin sâu sắc và qua những thử thách như thế này thì mới thấy rõ được niềm tin đó được củng cố và tăng cường như thế nào.

Và kênh để tạo được niềm tin đó, chính là báo chí. Báo chí đã góp phần rất tích cực và hiệu quả trong công tác tăng niềm tin xã hội. Trong điều kiện bình thường, niềm tin đôi khi chúng ta cảm thấy không cần phải coi trọng nhất, nhưng trong những điều kiện không bình thường, đặc biệt trong những thử thách gian nguy thì niềm tin gần như là yếu tố quyết định để đảm bảo cho thắng lợi. Ở điều kiện đất nước ta hiện nay, niềm tin là một yếu tố cực kỳ cơ bản và chủ cốt yếu để đảm bảo cho thắng lợi trong việc thực hiện các chủ trương, mục tiêu chống dịch, đảm bảo phát triển xã hội mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Thế giới đang biến đổi hàng ngày và phải đối mặt với các thách thức, trong khi có những điều không lường hết được, niềm tin trở thành tiêu chí của việc xây dựng một xã hội bền vững. Một quốc gia không có niềm tin sẽ không thể nào phát triển. Niềm tin là một điều vô cùng quý giá trong thời đại ngày nay. Có niềm tin, mọi thử thách, khó khăn đến mấy cũng đều có thể vượt qua. Ngược lại, mất niềm tin là mất hết.

Xin hỏi ông, trải qua hơn 2 năm chống dịch COVID-19, có giây phút nào khi đọc báo, xem truyền hình, nghe phát thanh..., ông lo lắng cho chính đồng nghiệp của mình khi tác nghiệp tại các tâm dịch?

Không phải có một lúc, mà có nhiều lúc, tôi nhìn thấy hình ảnh anh em của chúng ta tác nghiệp tại khu cách ly, tại những nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, vào đến tận giường bệnh để quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn... Đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhưng các phóng viên báo chí vẫn thể hiện tinh thần dấn thân, quả cảm vì nghề, vì mục tiêu đưa ra những thông tin xác thực nhất, tin cậy nhất tới cho xã hội. Đấy là những lúc, các phóng viên chúng ta chấp nhận những thách thức, những hiểm nguy và tôi không khỏi lo lắng cho anh em.

Cũng có thể nói, trong tác nghiệp, cũng đã có phóng viên mắc COVID-19, nhưng sau đó, phải nói rằng công tác phòng chống dịch, chuẩn bị cho anh em đi tác nghiệp của các tòa soạn đã trở nên kỹ lưỡng hơn, chu đáo hơn, cho nên, đến giờ này, rất đáng mừng, anh em phóng viên đi tác nghiệp ở những nơi, kể cả các vùng biên giới xa xôi, cũng an toàn.

Sự hy sinh trong nghề báo phải chăng đã được nhìn thấy rất rõ qua những đợt dịch COVID-19?

Không riêng với cá nhân tôi mà đội ngũ quản lý đông đảo phóng viên báo chí hiện nay trên cả nước, hết sức cảm động và tự hào khi chứng kiến tinh thần tác nghiệp quả cảm của nhà báo. Sự hy sinh này không phải chỉ là lúc anh em báo chí “ra trận”, mà sau khi tác nghiệp xong, anh em còn không được trở về nhà, phải tự cách ly đến mấy tuần. Sự hy sinh đó rất thầm lặng, nhưng vô cùng cao quý. Phải đánh giá sự hy sinh đó của anh em báo giới một cách đầy đủ, để từ đó chúng ta chăm lo, đảm bảo sự an toàn cho anh em tốt hơn, để đảm bảo cho họ và gia đình của họ. Nhất là trong lúc đại dịch COVID-19 diễn ra như thế này, hoạt động của nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn, trong đó có những khó khăn cả về đảm bảo nguồn thu, về hoạt động bình thường cho toà soạn, đảm bảo cuộc sống của cán bộ viên chức...

Nhưng không phải vì khó khăn đó mà anh em báo chí từ chối nhận nhiệm vụ cao cả mà nghề báo yêu cầu. Tôi chưa nghe bất kỳ một trường hợp nào, ai đó, ở đâu trong ngành báo chí từ chối nhận nhiệm vụ đi phòng chống dịch. Qua đó để thấy rằng, không chỉ trong chiến tranh, lúc bom rơi đạn nổ thì nghề báo mới lại đối mặt với hiểm nguy. Mà ngay trong thời bình, trong hoàn cảnh dịch dã, thảm họa, thiên tai..., đội ngũ anh em làm báo vẫn là những người trên tuyến đầu và chấp nhận gian khổ, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ.

Qua đại dịch COVID-19, những người làm nghề báo, những cơ quan báo chí cảm thấy tự hào khi cảm nhận rõ được sự quan tâm rất lớn của người dân dành cho báo chí. Người dân đọc báo, xem truyền hình, nghe đài nhiều hơn, chú trọng tới các nguồn tin chính thống, cảm nhận của ông về điều này?

Trong đại dịch COVID-19 hiện nay, nhu cầu tin tức của người dân rất cao và đòi hỏi gần như được cập nhật từng giờ, từng phút. Người dân có nhu cầu để biết rõ tình hình hiện nay như thế nào và làm cách nào để có thể chống lại đại dịch một cách hiệu quả nhất, làm thế nào có thể khôi phục sản xuất trong điều kiện khó khăn như hiện nay... Nơi này nơi kia xuất hiện những cách làm có thể nói rất sáng tạo để vượt qua được đại dịch, để khôi phục được sản xuất. Tôi thấy người Việt Nam linh hoạt, thông minh và tích cực, báo chí cần đưa tin và lan truyền nhanh chóng tới xã hội, để những thông tin đó trở thành kinh nghiệm chung, trở thành bài học chung, điều đó vô cùng tốt.

Có những thời điểm, chúng ta tưởng có khoảng cách giữa người dân và báo chí, khi mà mạng xã hội thay thế báo chí để cung cấp thông tin. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội - vốn đang ở mức chưa kiểm soát được, khó kiểm soát nổi chiếm “trận địa” của báo chí, đẩy báo chí vào thế bị động. Thế nhưng, trong đại dịch COVID-19, rõ ràng báo chí vào trận và tỏ ra sức mạnh, hiệu quả của mình - đấy chính là niềm tin của xã hội dành cho báo chí.

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, nhiều tờ báo đã vận động dòng thông tin chảy liên tục. Đơn cử, báo Sức khỏe&Đời sống - Bộ Y tế cập nhật liên tục 24/24h về diễn biến dịch; những chỉ đạo, chủ trương phòng chống dịch sát sao của các cơ quan chức năng, của Đảng và Nhà nước. Đó là sự thể hiện sức sáng tạo, lao động bền bỉ của những người làm báo Sức khỏe&Đời sống - Bộ Y tế nói riêng và của các cơ quan báo chí trên toàn quốc nói chung. Chúng ta mở mạng ra bất cứ lúc nào cũng thấy thông tin mới, bất kể là nửa đêm hay gần sáng..., điều đó thực sự đáng cảm động.

Chúng ta có “chiến sĩ áo trắng” (các y, bác sĩ và các nhân viên y tế), “chiến sĩ áo xanh” (lực lượng vũ trang) và “chiến sĩ thông tin” (báo chí) đang cùng nhau đồng lòng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhân ngày 21/6 năm nay, ông có chia sẻ tới các đồng nghiệp, các thế hệ báo chí tiếp bước?

Cảm xúc lớn nhất, bao trùm nhất của tôi là cảm thấy mình luôn đồng hành cùng anh em đồng nghiệp. Mặc dù tôi không cùng nhịp bước với anh em ở trên biên giới, không cùng có mặt với anh em ở những khu cách ly, “điểm nóng”, nhưng tôi luôn cảm thấy mình đồng hành cùng anh em, đồng nghiệp. Tôi theo dõi những công việc của anh em đồng nghiệp và tự hào về sự đóng góp của anh em trong công tác truyền thông báo chí ở đại dịch COVID-19. Điều tôi mong muốn nhất là sự bình an cho anh em đồng nghiệp. Tôi mong những anh em “ra trận” trong đợt dịch này được làm việc trong điều kiện tốt nhất, an toàn nhất, được trang bị những thiết bị bảo hộ phù hợp nhất, tốt nhất để có thể tác nghiệp hiệu quả và an toàn, có được những tác phẩm báo chí xuất sắc nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho chính cá nhân, cho gia đình.

Tôi mong anh em đồng nghiệp “chân cứng, đá mềm” trong cuộc chiến không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai này, mong anh em đồng nghiệp có sức khỏe tốt, có năng lực sáng tạo để tiếp tục công việc hàng ngày một cách bền bỉ, thầm lặng nhưng đầy vinh quang, phục sự sự nghiệp báo chí luôn hướng tới lợi ích của cộng đồng, của xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!

Tôi xin nhắc lại, càng trong lúc đại dịch COVID-19, càng trong điều kiện khó khăn, thử thách, nhu cầu thông tin của xã hội lại càng lớn và báo chí phải có trách nhiệm đáp ứng được ngay lập tức. Một phần nữa, đại dịch COVID-19, khi người người ở nguyên, nhà nhà ở yên, người dân có thời gian để xem báo nhiều hơn, sự kết nối giữa báo chí với cộng đồng trở nên chặt chẽ hơn, là lúc người dân cảm thấy báo chí là điều gì đó rất thiết thân, không thể thiếu được. Người làm báo thực sự là người bạn của người dân. 

HÀ ANH (thực hiện)
Ý kiến của bạn