"Báo chí đôi khi quá đà khi đưa tin tiêu cực ngành y"

10-01-2014 11:57 | Tin nóng y tế
google news

Báo chí phản ánh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, những yếu kém trong ngành y, tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, báo chí đôi khi thông tin còn thiếu chiều sâu; thông tin về tiêu cực trong ngành y đôi khi quá đà, gây bức xúc trong xã hội...

Báo chí phản ánh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, những yếu kém trong ngành y, tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, báo chí đôi khi thông tin còn thiếu chiều sâu; thông tin về tiêu cực trong ngành y đôi khi quá đà, gây bức xúc trong xã hội...

 

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra nhận định như vậy tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: trách nhiệm, thách thức và sẻ chia” do Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định báo chí luôn đồng hành cùng ngành y tế trong việc thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với ngành y tế, về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, chính sách bảo hiểm y tế; thông tin về dịch bệnh và hoạt động khám chữa bệnh cũng như các thành tựu y học.

Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện, giúp phóng viên có cái nhìn khách quan trong quá trình tác nghiệp, ông Hà Minh Huệ cho rằng cần có sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ từ hai phía.

"Các nhà báo cần trau dồi kiến thức, tìm hiểu sâu hơn và thận trọng hơn về lĩnh vực nhạy cảm này. Ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin, đặc biệt, ngoài định hướng chiến lược truyền thông lâu dài, cần có phương án xử lý thông tin bài bản và nhất quán hơn khi xảy ra những sự việc đột xuất ngoài ý muốn," ông Hà Minh Huệ nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, sự kết hợp của các địa phương, với những nỗ lực cố gắng vươn lên của đội ngũ các thầy thuốc, các nhà khoa học, nhà quản lý trong ngành y tế, công tác khám chữa bệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận.

Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 1.180 bệnh viện (không kể các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý). Tổng số giường bệnh của toàn hệ thống là 199.011 giường bệnh, tương ứng với tỷ lệ 22,3 giường bệnh trên 1 vạn dân.

Mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương đang dần được củng cố và hoàn thiện, duy trì mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu đến tận tuyến xã. Việc phát triển tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh đã tạo bước đột phá. Giảm tải bệnh viện đang từng bước được cải thiện với các đề án quan trọng được triển khai như đề án giảm tải bệnh viện; đề án bệnh viện vệ tinh; đề án chuyển giao gói dịch vụ y tế...

Tuy nhiên, thực trạng công tác khám chữa bệnh hiện nay vẫn tồn tại những thách thức cần giải quyết như quá tải bệnh viện; vấn đề đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh; đầu tư cho y tế còn khiêm tốn; chất lượng nhân lực y tế không đồng đều; vấn đề tài chính cho khám chữa bệnh còn nhiều bất cập...

Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trước hết là tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh; đồng thời, thực hiện quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện theo các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ nâng cao chất lượng dịch vụ bệnh viện của các tuyến; sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, đặc biệt bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị; hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao gây tốn kém không cần thiết cho người bệnh.

Bộ tăng cường giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vị thế và hình ảnh người thầy thuốc; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh; khuyến khích xã hội hóa công tác khám chữa bệnh.

Nguồn: Nhân dân, TTXVN

 


Ý kiến của bạn