Hà Nội

Báo chí đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên internet, mạng xã hội

13-06-2020 17:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 40.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.

Hội nghị gặp mặt tuyên dương Người Làm Báo tiêu biểu (14/06/2020).

Ngày 13/6, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu. Đây là dịp để Đảng, Nhà nước, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí tiếp tục khẳng định, ghi nhận, tôn vinh những đóng góp quan trọng, nổi bật, những thành tích to lớn của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tới dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí Thư; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các nhà báo lão thành và 187 nhà báo tiêu biểu đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước đang ngày đêm nỗ lực, cống hiến hết mình để thực hiện tốt sứ mệnh người làm báo, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

"Trong Hội nghị gặp gỡ biểu dương này, chúng ta xúc động và tự hào được gặp lại các nhà báo lão thành - những người đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho sự nghiệp báo chí nước nhà; được gặp 187 nhà báo tiêu biểu được bình chọn từ cơ sở, đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước đã và đang ngày đêm hăng say lao động, góp phần vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những đóng góp quan trọng của các đồng chí và qua các đồng chí, gửi lời biểu dương và chúc mừng giới báo chí cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” - đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu.

Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường, những tác động chưa từng có do đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, chứa đựng những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến đất nước ta. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...

"Tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, rất nhiều những nhà báo hôm nay đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu để góp sức mình vào sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, đơn vị nơi đang công tác nói riêng, cũng như sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung, đáp ứng những nhiệm vụ, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn mới.
Điển hình như Nhà báo Trần Thị Ngân Triều, phóng viên, biên tập viên Phòng Thời sự, Đài PT-TH Đồng Nai, người 7 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 2 năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; là điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2018; đạt 2 Giải A - Giải Báo chí Quốc gia trong hai năm liên tiếp, một Giải B - Giải Báo chí Quốc gia; 3 giải Vàng tại Liên hoan PT-TH toàn quốc, cùng nhiều giải báo chí khác; Nhà báo Trần Yến Châu, Phó Tổng Biên tập Báo Sức khỏe&Đời sống với nhiều cách làm sáng tạo, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại, triển khai bản tin về đại dịch COVID-19 theo hình thức timeline, giúp người đọc nắm bắt thông tin về dịch bệnh một cách chính xác, khoa học; Nhà báo Bùi Tấn Sỹ, phóng viên Phòng Dân tộc và Miền núi, Đài PT-TH Quảng Nam, lăn lộn với đồng bào dân tộc ít người, với rất nhiều giải thưởng tại các Liên hoan PT-TH toàn quốc; Nhà báo trẻ Phan Ý Linh, Biên tập viên Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục của Đài Truyền hình Việt Nam đã đạt rất nhiều giải thưởng có uy tín về báo chí, điện ảnh trong nước và đạt giải quốc tế; Nhà báo Lê Thị Phương Thảo, Phó Trưởng Ban Thời sự Báo Dân trí, hơn 15 năm theo dõi trực tiếp, phản ánh những vấn đề thời sự chính trị quan trọng của đất nước, vinh dự nhận hai giải Báo chí Quốc gia, một giải Búa liềm vàng..."- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Làm tốt hơn nữa sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân

Bối cảnh trên đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí, đặc biệt là mỗi nhà báo, cần quan tâm thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác Hồ - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén" và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Thông tin trung thực nhưng phải phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Nhà báo Trần Yến Châu - Phó Tổng Biên tập Báo SK&ĐS cùng các cá nhân được tuyên dương Người Làm Báo tiêu biểu.

Thứ hai, với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 40.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.

Báo chí cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam...

Thứ ba, các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội.

Thứ tư, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội, cơ sở đào tạo báo chí cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo; cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo báo chí theo hướng hiện đại, gắn đào tạo với thực hành.

Có cơ chế phù hợp để các cơ sở đào tạo mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí, cơ quan đào tạo khác ở trong và ngoài nước. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Nhà báo Việt Nam trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

Thứ năm, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.

Phát huy truyền thống vẻ vang 95 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Quốc Vượng bày tỏ tin tưởng rằng đội ngũ nhà báo nước ta hôm nay, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, 187 đại biểu tiêu biểu lần này là những người làm báo tiêu biểu, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao; có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Các đại biểu đại diện cho các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; có đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cơ quan báo chí… đến từ 63 tỉnh, thành phố; các cơ quan Trung ương; cơ quan của đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp... Trong số đó, có 17 đại biểu là người dân tộc thiểu số như Mông, Mường, Jrai, Êđê, Khmer, Tày, Nùng... (chiếm gần 10%); có 85 đại biểu nữ (chiếm 45%); có 20 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi (chiếm hơn 10%); đại biểu trẻ nhất là Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, sinh năm 1993 công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp.
Tại hội nghị, các nhà báo lão thành, các nhà báo điển hình được tuyên dương đã tham gia tọa đàm, giao lưu, trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ, chuyên môn, những bài học hay, kinh nghiệm quý trong nghề để các nhà báo thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của người làm báo cách mạng, phụng sự đất nước, Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Dương Hải
Ý kiến của bạn