Tại Tọa đàm "Các giải pháp của Đức và quan hệ Đức-Việt trong việc nâng cao chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam" được tổ chức ngày 17/1 tại TPHCM, Báo cáo Sức khỏe – Thị trường Việt Nam 2024 đã được công bố, trong đó khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống y tế công tại Vied Nam cũng như kỳ vọng của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn hiện nay.
Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhận thức về sức khỏe của người dân Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, với ngày càng nhiều người sẵn sàng đầu tư và chi trả cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Xu hướng này được dự báo sẽ làm thay đổi góc nhìn và đánh giá của người dân đối với hệ thống y tế công lập tại Việt Nam. Báo cáo Sức khỏe – Thị trường Việt Nam 2024 do STADA Pymepharco thực hiện đánh giá, phân tích mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống y tế công tại Việt Nam, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác Đức-Việt trong việc nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe. Khảo sát được thực hiện nhằm đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống y tế công tại thời điểm hiện tại từ đó xác định những điểm mạnh và những khía cạnh cần được cải thiện.
Khảo sát tập trung thu thập mẫu tại 6 vùng kinh tế - xã hội trọng điểm ở Việt Nam bao gồm: Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Khảo sát ghi nhận câu trả lời của 550 người dân trong độ tuổi từ 20 đến 75, có sử dụng các dịch vụ y tế trong 6 tháng qua và là người quyết định chính trong việc lựa chọn cơ sở y tế cho bản thân hoặc cho các thành viên trong gia đình.
Kết quả cho thấy, 84% người được hỏi bày tỏ sự hài lòng với hệ thống y tế công hiện tại. Sự hài lòng này xuất phát từ chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, các sản phẩm thuốc có giá cả phải chăng và niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống y tế. Bên cạnh đó, báo cáo cũng thể hiện người dân Việt Nam đã quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Có gần 93% người được hỏi cho biết họ đã thực hiện các biện pháp cụ thể để duy trì hoặc nâng cao sức khỏe, với các phương pháp phổ biến bao gồm: theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì thói quen tập thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ và sử dụng thực phẩm chức năng. 92% người tham gia khảo sát bày tỏ họ sẵn sàng chi trả để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; trong đó 42% cho biết họ sẽ đóng góp nhiều hơn qua thuế và các khoản đóng góp.
Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy người dân kỳ vọng về việc mở rộng vai trò của dược sĩ trong việc tư vấn sức khoẻ nhằm chia sẻ trách nhiệm với bác sĩ. Đối với các công ty dược phẩm, việc giải quyết vấn đề giá thuốc cao là điều được người dân đánh giá là cấp thiết. Trong đó, việc gia tăng sản lượng sản xuất trong nước là biện pháp được nhiều người tiêu dùng đề cập. Tuy nhiên, qua khảo sát vẫn có 16% người được hỏi chưa thực sự hài lòng với hệ thống y tế công lập ở thời điểm hiện tại. Nguyên nhân được người trả lời đưa ra với nhiều yếu tố khác nhau; trong đó phổ biến nhất là việc không nhận được chất lượng dịch vụ như mong muốn (54%), gặp vấn đề liên quan đến việc tiếp cận các loại thuốc (41%), và các hạn chế liên quan đến việc thiếu hụt giường bệnh (34%).
Ông Philippe Gautron, Tổng Giám đốc STADA Pymepharco cho biết, kết quả khảo sát không mang tính đại diện cho toàn bộ dân số Việt Nam tuy nhiên dữ liệu khảo sát ghi nhận những thông tin có giá trị về hoạt động của hệ thống y tế ở thời điểm hiện tại. Ông nhấn mạnh: "Việc thực hiện Báo cáo Sức khỏe – Thị trường Việt Nam 2024 thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc đưa "tiêu chuẩn Đức" vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn trở thành cầu nối cho sự đổi mới toàn cầu, đảm bảo người dân Việt Nam được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao".
Bà Hoàng Thị Khánh Phương, Phó GĐ Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe chủ động là một trong những ưu tiên của Bộ Y tế nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Báo cáo Sức khỏe – Thị trường Việt Nam 2024 của STADA Pymepharco đưa ra những góc nhìn mới về lĩnh vực này, cung cấp cho Bộ Y tế những thông tin có giá trị, để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe của người dân.
PV