Hà Nội

Báo cáo kết quả nghiên cứu thuốc kháng virus tác dụng kéo dài trong điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam

06-06-2023 10:48 | Dược

SKĐS - Ngày 06/06/2023, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với CDC Hoa Kỳ và Tổ chức Hợp tác Phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả của nghiên cứu 'Tính khả thi và chấp nhận thuốc kháng virus tác dụng kéo dài trong điều trị và dự phòng HIV tại Việt Nam''…

Nghiên cứu nhằm mục đích cung cấp các thông tin khoa học đáng tin cậy về tính chấp nhận, những lợi ích tiềm năng cũng như những thách thức đối với việc sử dụng các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài trong dự phòng và điều trị HIV tại Việt Nam.

Các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài là những sáng kiến mới nhất trong điều trị và dự phòng HIV. Trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), hai loại thuốc mới đã có trên thế giới bao gồm thuốc cabotegravir dạng tiêm tác dụng kéo dài (CAB-LA) và vòng đặt âm đạo có chứa dapivirine (DPV-VR).

Với điều trị HIV, thuốc tiêm tác dụng kéo dài có chứa cabotegravir kết hợp rilpivirine (CAB/RPV) đã có mặt ở một số quốc gia như một phương pháp điều trị thay thế cho thuốc uống (ARV).

photo-1686022192516

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thông qua Hội thảo, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan, đến việc giải thích và áp dụng hợp lý các phát hiện từ nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị về vai trò của thuốc kháng virus tác dụng kéo dài ở Việt Nam.

Rất nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả của những loại thuốc này. CAB-LA và DPV-VR được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng cho PrEP với chiến lược lấy con người làm trung tâm. Các thuốc kháng virus tác dụng kéo dài có tác dụng quan trọng giúp người dùng vượt qua những khó khăn khi phải uống thuốc hàng ngày và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu được thực hiện tại 4 tỉnh/thành phố vào năm 2022 bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Kết quả cho thấy: 96% người có HIV chắc chắn hoặc có thể sẽ sử dụng thuốc ARV tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 85% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc ARV uống nếu được lựa chọn; 92% nhóm MSM và người chuyển giới nữ chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng thuốc PrEP tiêm tác dụng kéo dài nếu thuốc sẵn có và 81% ưu tiên thuốc tiêm hơn thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn…

Với vòng âm đạo PrEP, 53% phụ nữ bán dâm chắc chắn hoặc có thể sẽ dùng vòng âm đạo PrEP tác dụng kéo dài nếu vòng sẵn có và 37% ưu tiên dùng vòng âm đạo so với thuốc PrEP uống nếu được lựa chọn.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số rào cản đối với việc sử dụng thuốc kháng virus tác dụng kéo dài ở Việt Nam, nhưng phần lớn nhân viên y tế cho rằng, thuốc mới có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Những loại thuốc ARV mới này mở ra thêm các lựa chọn mới trong dự phòng và điều trị HIV cho người có H và các nhóm nguy cơ gặp khó khăn khi sử dụng thuốc uống. Qua đó cũng giúp thúc đẩy sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vu y tế của các nhóm đối tượng đích.

photo-1686022193573

Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam

Ông Minesh Shah, Cố vấn trưởng về y tế, Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa CDC Hoa Kỳ với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác thực hiện, đại diện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cơ sở y tế và các tổ chức cộng đồng… trong việc cung cấp các chương trình điều trị và dự phòng HIV chất lượng cao. Ông cũng tin rằng các kết quả của nghiên cứu sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thiết kế các chính sách và các lựa chọn cung cấp dịch vụ thuốc ARV tác dụng kéo dài hiệu quả như một cách tiếp cận bổ sung giúp kiểm soát dịch HIV.

photo-1686022193965

Quang cảnh hội thảo.

Mời độc giả xem thêm video:

Bạn Hỏi - Chuyên Gia Trả Lời: Tất Tần Tật Về HIV/AIDS I SKĐS


Thu Hương
Ý kiến của bạn