Bão bụi - Cơn cuồng nộ toàn cầu

16-09-2012 18:07 | Thông tin dược học
google news

Những hạt bụi có kích thước nhỏ li ti nhưng trong cơn cuồng nộ của tự nhiên chúng trở thành cỗ máy hủy diệt khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu.

(SKDS) - Những hạt bụi có kích thước nhỏ li ti nhưng trong cơn cuồng nộ của tự nhiên chúng trở thành cỗ máy hủy diệt khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu.

Tàn phá không giới hạn

Nhiều thập kỷ nay, giới khoa học đã không còn lạ lẫm gì với cỗ máy hủy diệt kỳ quái này. Bão bụi thường xuất hiện bất ngờ dưới dạng bức tường bụi dài nhiều kilômét và có bề dày trên dưới cả ngàn mét. Gió trong bão bụi còn có thể kết hợp với dông và gió giật làm gia tăng mức độ tàn phá. Người ta thường dựa trên tầm nhìn ngang để phân biệt độ mạnh yếu của các cơn bão bụi.

Vào năm 1998, giữa ban ngày bầu trời Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) bỗng tối sầm, một đám mây bụi khổng lồ của sa mạc Gobi gần Mông Cổ tấn công vào thành phố. Ít nhất 12 người mất tích trong bão. Hệ thống điện bị cắt hoàn toàn, giao thông tê liệt, nhiều sân bay đã phải đóng cửa. Chính quyền khuyến cáo những người bị bệnh đường hô hấp, trẻ em và người già được khuyên nên ở trong nhà. Tổng cộng hơn 100 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn cuồng nộ của thiên nhiên này.

Tháng 9/2012, thành phố Sydney, Úc đã chuyển thành một màu đỏ sau khi hứng chịu một trận bão bụi lớn nhất từ trước đến nay. Hình thành từ vùng hạn hán xa xôi, cơn bão bụi này đã di chuyển hơn 1.500km để đến Sydney tạo nên mức độ ô nhiễm bụi cao và trên diện rộng nhất được ghi nhận trong lịch sử nước này. Những công trình nổi tiếng như Nhà hát opera Sydney gần như hoàn toàn không nhìn thấy do bão bụi đỏ che khuất.

Cơn bão bụi này bao phủ diện tích hơn một nửa bang New South Wales. Nó đẩy mức độ ô nhiễm không khí lên cao gấp 1.500 lần suốt dọc 600km bờ biển bang này, thậm chí lan sang bang Queensland. Ước tính, trận bão bụi này đã đổ khoảng 75.000 tấn bụi xuống biển Tasman mỗi giờ.

Sức tàn phá của bão bụi luôn ở mức độ khó lường. Cỗ máy hủy diệt này có thể cuốn bay nhà cửa, vùi dập mùa màng, gia súc... Nghiêm trọng hơn, bão bụi còn làm mất đi lớp đất bề mặt cần thiết cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến mất mùa và nạn đói. Bão bụi cũng phá hủy nhiều bãi san hô ngầm ngoài khơi biển Caribe, đẩy nhanh quá trình tan băng ở Greenland và nhiều vùng băng giá bao phủ khác...

Một cơn bão bụi cực lớn dựng đứng thành bức tường bụi khổng lồ cao như núi quét qua bang Texas, Mỹ khiến người dân địa phương hoảng loạn. Đám bụi khổng lồ này có chiều rộng nhất lên tới 88km và cao gần 1km. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cũng bị bất ngờ bởi mức độ “khủng” của trận bão bụi này. Kẻ hủy diệt đã đưa khu vực Lubbock về thời kỳ sao hỏa. Ánh sáng hoàn toàn mất dạng trong khối bụi khổng lồ tối tăm. Cây cối, cột điện, nhà cửa bị giật đổ. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại thành phố Phoenix, bang Arizona. Cảnh sát phải phong tỏa nhiều đường phố và hàng chục chuyến bay bị hoãn hoặc hủy.

Mức độ tàn phá của bão bụi không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn mang theo các nguồn hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, độc tố trong hóa chất diệt cỏ, vi khuẩn gây bệnh gieo rắc khắp những khu vực mà nó đi qua. Nhiều trận bão bụi cuốn theo một lượng muối lớn của những hồ muối khô cạn hoặc biển, vượt qua các đường biên giới quốc tế, gây ô nhiễm và nhiễm mặn những khu đất canh tác màu mỡ.

 Cơn bão bụi như “ngày tận thế” ở Arizona, Mỹ.   Ảnh: AAP

Nhân tố làm thay đổi khí hậu toàn cầu

 

Các cơn bão bụi ngày càng ảnh hưởng tới sự thay đổi khí hậu mặc dù các chuyên gia vẫn chưa rõ mức độ tác động này ra sao nhưng chắc chắn bụi trong không khí sẽ phản xạ ánh mặt trời đồng thời cũng bao bọc nhiệt của trái đất.

Gần đây nhất, những bức ảnh vệ tinh cho thấy, một cơn bão bụi xuất phát từ sa mạc Taklimakan ở Tây Bắc Trung Quốc và di chuyển vòng quanh trái đất suốt 13 ngày. Cát, bụi bị những cơn gió mạnh cuốn lên cao, tạo thành một đám mây khổng lồ với đường kính có thể lên tới hàng trăm kilômét, mang theo hàng trăm tấn bụi. Sau hai vòng cuốn quanh trái đất, cơn bão bụi này di chuyển tới biển Thái Bình Dương và suy giảm, rồi đổ khối bụi khổng lồ xuống biển. Bão bụi ở Trung Quốc gây ảnh hưởng cho các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... khu vực Bắc Mỹ cũng bị ảnh hưởng.

Nguồn bụi lớn nhất của thế giới là vùng Bodele ở Chad, nằm giữa sa mạc Sahara và hồ Chad, thuộc châu Phi. Theo một nghiên cứu, vùng này giải phóng 1,2 tỷ tấn bụi mỗi năm, gấp 10 lần so với số đo vào năm 1947. Từ Sahara tới Sahel ở phía Nam, lượng bụi đã tăng gấp 4 lần kể từ những năm 1960. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất là Nigeria, Chad, Niger, Burkina Faso và Mauritana. Hằng năm, có tới ba tỷ tấn bụi bị thổi khắp thế giới. Từ năm 1950 đến nay, số các cơn bão bụi xuất phát từ sa mạc Sahara đã tăng gấp 10 lần, góp phần làm thay đổi khí hậu.

Vết sẹo thiên nhiên

Bề mặt của trái đất đang “lĩnh sẹo” từ nhiều hoạt động của con người. Những cánh rừng bị chặt phá hằng ngày. Những hồ nước và đồng cỏ bị thu hẹp bởi việc chăn thả quá nhiều động vật ăn cỏ. Bề mặt sa mạc cũng bị cày xới do các phương tiện giao thông và các hoạt động sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó là tình trạng nóng lên của trái đất gây hiện tượng thời tiết bất thường, hạn hán gia tăng và các sa mạc ngày càng mở rộng.

Nguyên nhân của bão bụi bao gồm hạn hán và các tập quán trồng trọt và chăn thả gia súc không hiệu quả. Vào năm 2011, giáo sư địa lý Đại học Oxford là Andrew Goudie đã tuyên bố rằng, việc lái xe trên sa mạc Sahara có thể là một nguyên nhân hình thành bão bụi.

Để ngăn chặn “thảm họa” bão bụi, một số nước như Mỹ, Australia, Trung Quốc đã bắt đầu các dự án phát triển bền vững như điều chỉnh chính sách nông nghiệp, cải tạo nguồn nước và trồng rừng phủ xanh đất trống. Trung Quốc vừa triển khai một dự án nhằm ngăn chặn các cơn bão bụi tấn công Bắc Kinh bằng cách trồng một vành đai cây xanh xung quanh Thủ đô.           
Thương Thi (Theo AAP)

Ý kiến của bạn