Theo Trung tâm Cảnh báo Bão liên hợp của Ấn Độ, bão nhiệt đới Biparjoy có sức gió mạnh (100 km/giờ) di chuyển vào đất liền có thể gây ra lũ lụt, ảnh hưởng tới hàng triệu người.
Cảnh báo lượng mưa lớn duy trì ở Tây Bắc Ấn Độ cho đến thứ bảy (ngày 17/6). Lượng mưa từ 150-250mm, có nơi có thể lên tới 500mm.
Tại nước láng giềng Pakistan, cơ quan khí tượng đã cảnh báo về những cơn bão bụi, giông bão lan rộng ở tỉnh Sindh phía nam, với mưa rất to, gió giật 80-100 km/giờ.
Video và hình ảnh được phát trên truyền hình địa phương của Ấn Độ cho thấy những con đường biến thành sông, cây cối uốn cong trong gió, người dân lội nước ngập đến thắt lưng.
Tính đến sáng nay, may mắn là không có trường hợp nào thiệt mạng do cơn bão ở Ấn Độ hay Pakistan. Quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đang sẵn sàng cho các hoạt động cứu hộ và cứu trợ.
Trước cơn bão, cả Ấn Độ và Pakistan đều thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước lũ để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Khoảng 180.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ cao ở cả hai quốc gia.
Gia súc vật nuôi đã được di dời lên vùng đất cao hơn, một số trường học đóng cửa và dừng mọi hoạt động đánh bắt cá ở bang Gujarat. Hai cảng lớn nhất của Ấn Độ cũng đã ngừng hoạt động.
Trong khi đó ở Pakistan, các trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh dọc theo bờ biển Karachi - thành phố lớn nhất của nước này đã bị đóng cửa. Hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bao gồm an ninh 24/24h để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn do bão.
Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Pakistan cho biết ngư dân đã được khuyến cáo tránh xa biển và các bệnh viện đã bố trí sẵn nhân viên cấp cứu túc trực.
Bão Biparjoy đã di chuyển qua Biển Ả Rập hướng tới miền nam Pakistan và miền tây Ấn Độ kể từ cuối tuần trước, với sức gió 160 km/h và gió giật lên tới 195 km/h. Bão suy yếu khi tiếp cận đất liền, nhưng khu vực này đã trải qua mưa lớn, gió mạnh và triều cường ven biển trong những ngày trước khi bão đổ bộ.
Chưa đầy một năm trước, mưa gió mùa kỷ lục và băng tan đã tàn phá nhiều vùng ở Pakistan, cướp đi sinh mạng của gần 1.600 người.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cơn bão này là dấu hiệu của "cuộc khủng hoảng" khí hậu đang gia tăng.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học trái đất Frontiers in Earth Science cho thấy, các cơn bão nhiệt đới ở châu Á có thể tăng gấp đôi sức tàn phá vào cuối thế kỷ này. Theo các nhà khoa học, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã khiến các cơn bão ngày càng mạnh thêm.
Mời độc giả xem thêm video:
Dự Báo Nửa Cuối Tháng 6: Miền Bắc Tiếp Tục Đón Thêm Đợt Nắng Nóng Kéo Dài