Lúc vui hân hoan bạn bè hay tụ tập lại đổ bánh xèo, vừa làm vừa xúm tụm chuyện trò rôm rả. Ngày Rằm hay mùng Một đầu tháng thì tiếng xèo xèo cũng làm rộn ràng gian bếp quê. Dịp giỗ quải, người xứ “Nẫu” Phú Yên cũng muốn dâng lên ông bà tổ tiên dĩa bánh xèo thơm nồng hạt gạo xứ “Nẫu” được mệnh danh là vựa lúa miền Trung.
Bánh xèo, không biết có từ khi nào, đã gắn bó với người dân miền quê bao lâu và vì sao lại có cái tên là “bánh xèo”? Nhiều giai thoại, nhiều giả thiết, nhưng liệu rằng tiếng “xèo xèo” khi đổ bột vào khuôn có phải là nguồn gốc xuất phát ra tên gọi của món bánh này hay không? Bánh xèo, món ăn dân dã có mặt hầu hết các tỉnh thành từ miền Trung trở vào đến tận mũi Cà Mau. Tuy cùng một loại bánh, thế nhưng ở mỗi vùng, mỗi miền lại có cách chế biến và kích cỡ khác nhau.
Khác với Sài Gòn bánh xèo chỉ ăn vào buổi chiều hoặc tối thì người xứ “Nẫu” có thể ăn cả vào buổi sáng. Nếu tình cờ bạn bè gặp nhau vào sáng sớm, hỏi nhau “ bạn ăn sáng chưa?” Người được hỏi trả lời “mình ăn rồi, ăn bánh xèo” là chuyện rất thường tình.
Bánh xèo xứ Nẫu
Là tỉnh ven biển nên món bánh xèo của quê tôi cũng rất phong phú. Với nhân cá cơm, mà cá cơm thì cũng rất nhiều loại cá cơm. Rồi nhân tôm. Mùa ruốc thì có nhân ruốc. Nhưng nhân bánh được nhiều người dân “Nẫu” yêu thích nhất vẫn là bánh xèo mực, chắc chắn là một hương vị lạ với các loại bánh xèo của những vùng miền khác. Nghĩ thôi đã thấy nhớ. Nghĩ thôi đã muốn vào bếp ngay.
Năm rồi, tôi dẫn các bạn cùng cơ quan về quê chơi, món ăn sáng tất nhiên phải là món đặc sản xứ “Nẫu” Phú Yên của tôi - bánh xèo mực bọt. Cả nhóm bao luôn hàng cô chủ đúc bánh, các chàng trai tỏ ra rất thích thú với những chiếc khuôn nhỏ bốc khói, mỗi người cầm một rổ mực của riêng mình. Và tất nhiên là mỗi người một khuôn “phải chú ý, phải thật chăm chú kẻo nhầm khuôn, lộn bánh thì chiến tranh ắt sẽ xảy ra” một bạn tuyên bố hùng hồn như thế. Bánh vớt ra, nóng hổi và giòn rụm, vừa cho vào miệng thì các túi mực tan ra, đen, ngọt ngay đầu lưỡi, cảm giác tuyệt vời làm sao. Có chàng vừa ăn vừa la lên “ đã quá đã quá, cảm giác thật yomost” rồi cả nhóm cười rần rần. Ngược lại với các chàng thì các nàng e ngại, không dám ăn cả con mực như thế, nên chỉ chọn bánh xèo nhân thịt, nhân tôm… Các loại rau ăn kèm với bánh cũng rất phong phú. Nào là rau cải, xà lách, diếp cá, tía tô, húng quế… chan vào nước mắm chua ngọt hoặc mắm đục, mắm cái, mắm mực được chế biến ngay chính từ vùng biển xứ “Nẫu” càng trở nên lạ lẫm với các bạn miền khác đến. Bánh xèo mực bọt cũng là kỉ niệm vui mà thỉnh thoảng các bạn hay nhắc đến khi có chủ đề nói về xứ “Nẫu” quê tôi.
Ngoài bánh xèo mực, bánh xèo tôm thịt, bánh trứng… thì ở quê tôi còn có bánh xèo vỏ, hay gọi nôm na là bánh giỏ. Bánh giỏ chỉ đơn giản là bột thôi, được đổ vào khuôn, đậy nắp khoảng chưa đầy một phút thì vớt ra. Khác với bánh có nhân thì bánh giỏ không cần giòn, ăn nóng cũng ngon mà để qua đêm sang sáng hôm sau chấm với nước mắm nguyên chất không pha thì tuyệt vời làm sao. Tôi mãi không bao giờ quên hương vị ấy.
Bánh xèo ăn ngon nhất khi vào tháng chín, tháng mười, mưa dầm dề, trời đổ lạnh, mưa càng to thì thưởng thức bánh xèo càng ngon. Thưởng thức bánh xèo không cần phải dọn lên mâm, lên bàn một cách đàng hoàng trang trọng vì khi ấy bánh sẽ nguội lạnh, độ giòn không còn nữa, ngon nhất vẫn là thưởng thức tại bếp, và theo thứ tự từng người một hoặc cùng tranh nhau mà ăn, bánh vừa vớt ra khỏi khuôn là cho luôn vào chén, vào dĩa, vừa thổi vừa ăn, nóng hôi hổi. Ngoài trời thì mưa, đồng ruộng ếch nhái kêu vang nữa thì món bánh xèo đã ngon lại càng ngon hơn. Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người dùng.
Bây giờ xa quê, thỉnh thoảng đi ngang hàng bánh xèo miền Trung nơi góc phố Sài Gòn, làm tôi khỏa lắp phần nào nỗi nhớ quê. Có thể nói, bánh xèo còn là món ăn của hoài niệm, của kí ức bao người con xa xứ muốn quay về.
Chiều nay, tôi bất giác buồn, bất giác nhớ hương vị xưa, hương vị đã gắn liền với tôi suốt khoảng thời thơ ấu, nuôi lớn tâm hồn tôi và luôn cho tôi nỗi nhớ ngọt ngào./.