“Bánh vẽ” kiếm tiền trên TikTok, hàng nghìn người mắc bẫy lừa

07-12-2020 09:40 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, hình thức kêu gọi đầu tư thông qua website, ứng dụng di động để bấm like, follow các tài khoản trên mạng xã hội TikTok nhằm kiếm tiền đang xuất hiện tại Việt Nam ngày một nhiều. Với chiêu bài quảng cáo các gói nhiệm vụ với nội dung chỉ cần like video trên TikTok là tiền tự chảy về tài khoản và mời thêm càng nhiều người thì càng có thêm hoa hồng hấp dẫn, kết quả... hàng nghìn người đã dính bẫy lừa.

“Like dạo” trên TikTok, kiếm lời đến hơn... 1.700%/năm

Để lấy được niềm tin của người tham gia, các dự án kiếm được tiền trên TikTok bị tố cáo là lừa đảo này đã sử dụng mạng lưới những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, những người tự xưng là thầy dạy kinh doanh, làm giàu để quảng cáo, mời mọc người dân. Đơn cử như ông Nguyễn Thái Duy được giới thiệu là doanh nhân hàng chục năm kinh nghiệm, tác giả sách, kiêm sáng lập một công ty đào tạo về kinh doanh. Một ví dụ điển hình cho những cá nhân có sức ảnh hưởng, lượt người theo dõi nhiều trên Facebook, YouTube... đã quảng cáo, kêu gọi người dân đầu tư mua các gói làm nhiệm vụ “tương tác dạo” trên TikTok để kiếm lợi hơn 1.700%/năm trong vài tháng gần đây thông qua các khóa học, video trên mạng.

Mỗi buổi học “kiếm tiền trên TikTok”, ông Nguyễn Thái Duy dành nhiều thời lượng để nhấn mạnh về các chính sách hoa hồng khi giới thiệu người mới tham gia để thuyết phục học viên bỏ tiền vào dự án này và trở thành “đại lý” cấp 1 của chính ông. Thế nhưng món ngon này không dễ xơi như lời quảng cáo khi các dự án này có nhiều thứ quy định buộc người giới thiệu người khác tham gia không chỉ tốn công, mà còn phải tốn tiền. Tiền hoa hồng chưa thấy đâu, nhiều người đã chịu cảnh mất cả chì lẫn chài vì các dự án kiếm tiền TikTok sập nguồn. Như hơn 60 học viên đã đầu tư sau khi tham gia lớp của ông Nguyễn Thái Duy, khi ứng dụng sập mới nhận ra món ngon chỉ là chiếc bánh vẽ.

Qua tìm hiểu, khi người dân tham gia các lớp học dạy khởi sự kinh doanh và được người đứng lớp là doanh nhân giới thiệu đầu tư vào dự án làm nhiệm vụ “tương tác dạo” cho các tài khoản trên TikTok. Nếu như vào gói lớn nhất là 33 triệu, mỗi ngày sẽ xem 150 clip trên TikTok thông qua app. Bấm like, follow hoặc comment, sau khi hết clip sẽ quay lại app và bấm hoàn thành. 1 clip sẽ nhận được 12.000 đồng, xem hết 150 clip sẽ nhận được 1,8 triệu đồng/ngày.

Sau khi các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok như: Aizan, iClick, Golden Hand... lần lượt bị sập chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn người tham gia đang tập hợp và có đơn tố cáo lên cơ quan công an. Ước tính, tổng số tiền người dân bị thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.

Khóa học online “dự án kiếm tiền trên TikTok” Aizan của ông Nguyễn Thái Duy.

Khóa học online “dự án kiếm tiền trên TikTok” Aizan của ông Nguyễn Thái Duy.

Thận trọng với việc đầu tư trên mạng

Không chỉ sử dụng mạng lưới những người có nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội, những người tự xưng là thầy dạy kinh doanh, làm giàu để quảng cáo, các dự án quảng bá là kiếm tiền trên TikTok còn vẽ ra một kịch bản chung đó là hiện nay trên thị trường có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn nổi tiếng sẵn sàng chi tiền cho TikTok để mua lượng người theo dõi, lượt yêu thích. TikTok sẽ dùng nguồn tiền này để thuê người tham gia tăng tương tác trên nền tảng. Cái bẫy nằm ở chỗ người muốn tham gia trước hết phải nạp tiền theo từng gói hạn mức để có được số nhiệm vụ mỗi ngày tương ứng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), kiếm tiền online từ tương tác video TikTok thực chất là một hình thức vẽ ra nhiệm vụ trá hình, hòng kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ mất dạng để chiếm đoạt tài sản. Các trang web hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc. Đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc có thể trở thành công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong khi nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo và ngày càng biến tướng, luật sư Thủy khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn đầu tư vào bất cứ hoạt động nào trên mạng. Nhà đầu tư không nên tham gia những hoạt động như vậy, bởi sẽ có không ít những rủi ro thường trực xảy ra.

Theo giới luật sư, những người tuyên truyền, quảng cáo cho các dự án này, đặc biệt là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật vì hành vi “Quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật, có tính chất lừa dối” với mức phạt lên đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên mức chế tài này được đánh giá là thấp, không đủ sức răn đe nếu so với nguồn lợi ích mà họ đã nhận được.

Cũng giống như nhiều hình thức có tính chất lừa đảo, đa cấp biến tướng khác, các dự án kiếm tiền trên TikTok sau khi sập cũng đã nhanh chóng quay trở lại với cái tên mới theo kiểu “ve sầu thoát xác”, tiếp tục đi kêu gọi huy động vốn từ người dân, từ đây đang đặt ra những thách thức về vấn đề quản lý, xử lý các hình thức lừa đảo ăn theo sự phát triển của công nghệ.


H. Phong
Ý kiến của bạn