Bánh mỳ Hà Nội trong ký ức tuổi thơ tôi

20-05-2019 06:08 | Đời sống

SKĐS - Cái thuở ban đầu khi mới xuất hiện bánh mỳ, nó được người Tây gắn cho cái mác “kẻ Việt gốc Pháp”, cho đến tận ngày nay cả thế giới chỉ biết đến bánh mỳ Việt Nam.

Còn ông tổ “French baguette" thì chẳng có tý dính dáng gì trên đất kẻ chợ này.

Trên chuyến tàu xuyên Việt đầu tiên của nước ta, bạn tôi theo bố là phóng viên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam đi làm tin. Đoàn khi ấy chỉ có bố bạn tôi và văn công của đài. Bạn tôi nằng nặc chỉ ăn bánh mỳ pate ngoài ra không chịu ăn bất cứ gì, kèm theo đó là khóc lóc inh ỏi không ai dỗ nổi. Ông bố tuyệt vời của bạn tôi chịu bó tay và phi ra Phố Huế mua hẳn 3 cái dành cho 3 ngày trên tàu. Vậy mà con bé cũng chẳng ăn, cười sung sướng trong làn nước mắt và nhất định ôm bánh mỳ... đi ngủ. Chỉ cần ngửi mùi thôi là đã thỏa mãn, cho đến tận bây giờ vẫn không thể ăn bánh mỳ ở đâu khác ngoài Phố Huế.

Trước năm 1954, bánh mỳ ở Hà Nội toàn pate, bơ với thịt jambong nhập từ nước ngoài về, chỉ người giàu mới có tiền để ăn. Nhà Vĩnh Tiến ở Hàng Gà có thể coi là thủy tổ của môn đồ nguội gồm: pate, xúc xích tỏi, jambong, bò nấu vang đỏ...rồi họ dạy lại cho một số người như nhà Nguyên Sinh và mậu dịch quốc doanh ở quanh khu Hàng Trống.

Bánh mỳ Hà Nội là một món ăn quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội.

Bánh mỳ Hà Nội là một món ăn quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội.

Bây giờ thì bánh mỳ có muôn hình vạn dáng, có cả cái bánh vừa gầy vừa lùn tẹt, một dạng phẫu thuật hỏng, nhìn qua lại tưởng Triệu Phi Yến ngày xưa tận bên Tàu, nhìn kỹ lại thấy chân dài đến nách như Kate Moss bên Mỹ, chỉ vừa chỗ để nhét tí pate, thêm tí nhân xá xíu nữa thì không ngậm được miệng... Đó là sản phẩm lỗi của truyền thông.

Lại nhớ cái thời kinh hoàng, đói kém phải ăn bánh mỳ chấm mỡ lợn, nghĩ lại thấy rùng mình. Đôi khi một lúc nào đó, con người đi khắp năm châu bốn biển, ăn các món hải vị trên đời này, họ lại thèm khát hít hà cái gọi là “ký ức vị giác”. Đời người cho dù ăn hàng vạn cái bánh mỳ, nhưng chẳng có lần nào giống lần nào, tâm trạng khi ăn bánh mỳ là có thật.

Cứ tưởng tượng cái cảm giác bánh vẫn còn nóng giòn cắn ngập răng, nghĩ đến lát pate thơm ngậy, ít jambong, xúc xích kèm vài lá rau mùi với ít tương ớt cay. Mỗi khi bị ông bà già chửi dọa đuổi ra khỏi nhà, hay bị bạn gái phụ, anh em phản bội, bị thất nghiệp... lúc tâm trạng nhất chính là lúc thèm chiếc bánh mỳ, hương vị trung thành và êm ái, ăn xong lại quay về cái máng lợn, có mà dám bỏ nhà đi khối.

Cái hỗn hợp trong chiếc bánh mỳ đã thấm vào máu, với cái mùi và vị của tương ớt hòa quện với nước thịt jambong đã tạo nên bản sắc cho bánh mỳ ở Hà Nội. Thời năm 90 chỉ có bánh mỳ tây lai Lương Ngọc Quyến và bánh mỳ Phố Huế là có loại tương ớt đó. Tự nhiên lại hồi tưởng, cái ngày ngồi mòn đũng quần chia chắn thuê, thỉnh thoảng lại phải đi mua cho mấy con bạc khát nước ăn. Tối nhá nhem, phố vắng lặng, đi từ đầu phố cũng nghe thấy âm thanh lấy bánh từ lò nướng ra rạch hai nhát, vụn bánh rơi lả tả, tạo nên một cảm giác đói kinh hoàng, phết tí bơ, pate, jambong, xúc xích... vừa mang bánh về vừa rút nhân, bẻ tí đầu bánh ăn vụng.

Hình ảnh người ta đạp xe và rao bánh mỳ đũa cả hay bánh mỳ nóng giòn, văn minh của vùng ven đô mang vào. Bánh mỳ mới ra lò nóng giòn ơ, lại có giọng vang lên từ tầng hai vọng xuống “bánh mỳ nóng không”, “nóng anh ạ”, nóng thì đi bán nhanh đi kẻo nguội!

Cách đây quãng 20 năm, bánh mỳ Như Lan ở phố Quán Sứ đẻ ra cái kiểu bánh mỳ cho sốt vào, nhái theo cách thức ăn nhanh của Mỹ. Vỏ bánh thì mềm, ăn kèm sốt cả sợi đu đủ chua ngọt đúng là quái gở của sự thiếu độ thâm hiểu, may mà giờ đây bánh mỳ Như Lan đã tuyệt diệt. Tôi có ông bạn hơi già, mỗi lần vợ bắt ra mua gà luộc sẵn ở đầu chợ Nguyễn Thiện Thuật đều nán lại đá mấy cái chân gà, thêm tạm chai bia mới về. Ngồi ngay góc bán đá với lá xông, nhìn sang đường trước là lò bánh mỳ thì cứ thương nhớ đến cái lò than nướng bánh, cứ hình dung lại cái thời còn đốt bằng củi dại. Cảm nhận được mùi củi và nghe nổ lép bép, cái ký ức vị giác nghĩ ngay đến cái mùi bột sống khi được ủ với men chua chua, thơm thơm.

Ngày bé, trẻ con thì ngây dại, lúc nào cũng muốn bị ốm. Mỗi lần như thế sẽ được tiêu chuẩn “bánh mỳ chấm sữa”, một loại sữa thì ít mà đường thì quá nhiều. Miếng bánh mỳ đã len vào ký ức thời còn ấu thơ, ngày đó đứa nào cũng thích ăn phần đầu bánh, đầu bánh lúc nào cũng ngon và có dư vị rất đặc biệt, sau này mới biết, mấy ông đứng làm bánh chuyên lấy bánh gãi nách.

Lớn lên khi cắp sách đến trường thì bánh mỳ theo chân suốt quãng đời học trò, theo tận đến bây giờ. Ngày đó bọn đầu sỏ ở lớp hay định nghĩa từ “gặm”, “thổi kèn” để định danh cho hành vi ăn bánh mỳ. Sang chảnh lắm thì được cái bánh mỳ tây lai ở Lương Ngọc Quyến thì lâng lâng cả ngày.

Thế đấy, bánh mỳ Hà Nội là một dạng tổng hòa của nhiều thứ, trong đó có mùi mồ hôi của nhiều người. Nếu có bạn ở nước ngoài đến Việt Nam hỏi, món ăn nào gây thương nhớ suốt những năm tháng tuổi thơ của bạn, thì tôi không cần đắn đo trả lời rằng, đó chính là “bánh mỳ pate” Hà Nội.


Bài và ảnh : Việt Nguyên
Ý kiến của bạn