Bánh kẹo nhái, kém chất lượng hoành hành dịp Tết: Hàng giả, hàng nhái “thách thức” hàng thật

24-01-2016 23:48 | Pháp luật
google news

SKĐS - Những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, các mặt hàng bánh, kẹo, rượu… đang được tiêu thụ mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, các mặt hàng bánh, kẹo, rượu… đang được tiêu thụ mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, năm qua, các công ty bánh kẹo nổi tiếng phải đối mặt với hơn 5.000 tấn sản lượng bánh, mứt, kẹo “nhái thương hiệu”. Chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa đồng bộ và nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả vẫn còn thấp là những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Quá nhiều lo ngại

Hàng giả, hàng nhái đã và đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Chúng xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ vùng sâu, vùng xa đến miền núi cao, kể cả các siêu thị ở các tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu như hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, các loại đồ uống, bánh kẹo, đặc biệt là rượu các loại…

Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn phân biệt hàng giả.

Mới đây nhất, rạng sáng ngày 23/1, lực lượng QLTT Hà Tĩnh đã phát hiện một vụ vận chuyển các sản phẩm bánh kẹo nhái thương hiệu của hãng bánh kẹo Kinh Đô. Cụ thể, Đội QLTT số 4, Chi cục QLTT Hà Tĩnh đã phát hiện xe ôtô BKS 77C-08083 bốc dỡ khối lượng lớn bánh kẹo cho một đại lý tạp hóa ở xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh nên tiến hành kiểm tra...Qua đó phát hiện vỏ ngoài 1.300 hộp bánh kẹo khác với tên trong bao bì, ngày sử dụng được in thủ công, tên đơn vị sản xuất là Công ty TNHH Tiến Hà (số 64, khu 1, thị trấn Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ và điều tra xử lý. Trước đó, vào ngày 25/12, Công an TP. Hà Nội phối hợp với lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát 15C-174.77 có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều thùng carton, bên trong chứa bánh kẹo có nhãn mác chữ Trung Quốc, lái xe không xuất trình được giấy chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ước tính số bánh kẹo trên khoảng 2 tấn.

Theo ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, các sản phẩm bánh kẹo “ăn theo” thương hiệu nổi tiếng đang tung hoành trên thị trường rất khó có thể khẳng định là hàng giả. Bởi các sản phẩm này đều có tên, địa chỉ nhà sản xuất, các mẫu mã sản phẩm tuy na ná các thương hiệu nổi tiếng nhưng vẫn có sự khác biệt, dù rất nhỏ, có khi chỉ là một chữ, một từ. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp bánh kẹo lớn cũng khó có cơ sở phản ứng, khởi kiện. Chỉ với vấn đề này đã khiến không ít doanh nghiệp phải điêu đứng. Tuy nhiên, thông tin từ các thương hiệu lớn cho biết, nhái thương hiệu không phải là nỗi lo duy nhất. Điều đáng lo ngại hơn hiện nay là sự cạnh tranh với những sản phẩm “đội lốt” bánh kẹo cao cấp nước ngoài.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Cục QLTT (Bộ Công Thương) vừa qua, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, tình trạng hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, có cấu kết từ các tỉnh biên giới vào tiêu thụ trong nội địa, sử dụng hóa đơn hàng hóa quay vòng để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, một số hàng hóa không tiêu thụ được, để tồn kho lâu dẫn đến hết hạn sử dụng, cận hạn đã được tẩy sửa hạn sử dụng để tiêu thụ tiếp.

Đồng tình với ông Chu Xuân Kiên, đại diện Công ty bánh kẹo Bibica cho biết, hiện nay, trên thị trường còn xuất hiện một số loại bánh cao cấp bị làm giả bằng cách mua sản phẩm gần hết hạn sử dụng ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam, sau đó thay đổi bao bì mới, in hạn sử dụng mới, bán với giá rẻ hơn 20 - 40% giá sản phẩm tên tuổi chính hãng.

Chống không dễ?

Trước đây, việc làm nhái thương hiệu người tiêu dùng còn dễ nhận biết thật - giả bởi chất lượng in ấn thô, hình thức đóng gói thủ công... Nhưng hiện nay, công nghệ in ấn, công nghệ làm giả tinh vi, thật khó có thể giúp người tiêu dùng biết đâu là sản phẩm nhập ngoại, đâu là sản phẩm “sản xuất châu Âu, đóng gói Việt Nam”.

Trước những tệ nạn nhái thương hiệu của các cơ sở trong nước cùng những chiêu trò làm giả tinh vi “núp bóng” hàng nhập khẩu cao cấp, các tập đoàn, công ty bánh kẹo thương hiệu nổi tiếng đã vô cùng chật vật. Đây cũng là lí do khiến nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn trong nước không còn “tâm huyết” đưa ra dòng sản phẩm mới phục vụ Tết Nguyên đán năm nay.

Đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, chưa kể đến xuất hiện hiện tượng bảo kê của một số cán bộ làm công tác chống hàng giả, hàng nhái, công tác tổ chức phối kết hợp trong công tác chống hàng giả và xử lý vụ việc đúng pháp luật còn thiếu đồng bộ, các lực lượng thực thi nhiệm vụ có lúc, có nơi “dễ làm khó bỏ”, trong một số trường hợp chưa tạo được lòng tin cho doanh nghiệp về tính hiệu quả của việc kiểm tra, xử lý.

Liên quan đến các giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trong thời gian qua, ông Chu Xuân Kiên cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò, trọng trách đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Chủ động kiểm tra, kiểm soát, giám sát và đi sâu lĩnh vực thị trường được phân công quản lý, nắm bắt và kiểm soát mọi tình hình, diễn biến của thị trường để phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ. Để từng bước đầy lùi và dần xóa bỏ tình trạng buôn bán công khai hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, cần tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn