Bánh đúc mặn kiểu “hai lúa” ngon không cưỡng nỗi!

20-12-2014 16:09 | Đời sống
google news

Bánh đúc phải ăn thật nguội mới cảm nhận hết được vị béo ngậy của nước cốt dừa, dai dai của bột bánh, vị mặn mặn của nhưn và chút chua cay của nước mắm tỏi ớt.

Cũng như nhiều gia đình khác, bữa điểm tâm của nhà tôi thường quanh quẩn với các món như: Hủ tiếu, phở, bánh canh, bánh mì, xôi hoặc cơm tấm… Mà ăn hoài cũng chán, để thay đổi khẩu vị, thỉnh thoảng tôi chế biến món bánh đúc mặn kiểu miền Tây nhưn tôm thịt vừa ngon, vừa lạ miệng mà dễ làm. Đây cũng là dịp để tôi giới thiệu cho mấy đứa nhỏ, những “công dân thành thị” chính hiệu về một món ăn bình dị chân quê, một thời gắn bó với ba mẹ chúng .

Mâm bánh đúc ngồn ngộn nhưn của gia đình tôi vào những sáng cuối tuần
Mâm bánh đúc ngồn ngộn nhưn của gia đình tôi vào những sáng cuối tuần

Cho 1 bịch bột gạo loại 400 g vào thau hòa với khoảng 1,5 lít nước (vừa cốt dừa vắt ra từ 300 gr dừa khô nạo và nước lọc) . Nêm chút muối đường vào bột cho vừa ăn.

Để bột qua một bên, chuyển sang chuẩn bị phần nhưn bánh gồm: 1 củ sắn, 1 củ cà rốt, 1 củ tỏi, vài củ hành tím, 200gr tôm tươi, 200gr thịt nạc, 2 tai nấm mèo, 1 muỗng cà phê hạt điều để tạo màu cho phần nhưn bánh sẽ thêm phần hấp dẫn (nếu thích),…

Tôm rửa sạch lột vỏ rút bỏ phần chỉ màu đen ở lưng rồi cắt nhỏ, thịt nạc rửa sạch bằm nhuyễn, nấm mèo ngâm nước khoảng 15 phút rửa thật sạch bằm nhỏ. Cho tất cả vào tô ướp với chút bột nêm, đường, muối, tỏi củ hành băm và một ít nước mắm.

Bánh đúc ngon phải ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt
Bánh đúc ngon phải ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt

Cà rốt và củ sắn gọt vỏ xắt hạt lựu. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn vào đun sôi, đổ hạt điều vào chảo dầu rồi vào tắt bếp ngay, sau đó vớt bỏ hết hạt điều ra khỏi chảo, khi ấy dầu có màu gần giống như gạch tôm.

Tiếp tục bắc chảo dầu này lên bếp phi hành thơm cùng với tỏi rồi cho thịt và tôm vào xào săn lại. Đổ phần cà rốt và củ sắn đã cắt hạt lựu khi nãy vào xào thêm vài phút, nêm nếm lại cho vừa ăn, cho ít tiêu vào rồi tắt bếp.

Bắc xửng nước lên bếp đun cho sôi để hấp bánh. Bỏ khuôn nhôm đã thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính vào xửng. Múc chừng ba vá bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại và hấp khoảng 10 phút, tiếp tục đổ bột cho lớp thứ hai và những lớp kế…

Khi đến lớp bột gần đầy khuôn bánh, xúc hỗn hợp nhưn đổ lên và hấp lâu hơn một chút cho bánh thật chín .

Bánh đúc phải ăn thật nguội mới cảm nhận hết được vị béo ngậy của nước cốt dừa, dai dai của bột bánh, vị mặn mặn của nhưn và chút chua cay của nước mắm tỏi ớt.

Bánh đúc ăn kiểu hai lúa không thể thiếu giá, dưa leo và rau thơm
Bánh đúc ăn kiểu "hai lúa" không thể thiếu giá, dưa leo và rau thơm

Nhưng ăn theo kiểu “hai lúa” của tôi, dĩa bánh ngoài phần bột bánh trắng đục được cắt từng miếng quyện với màu rạch tôm của nhưn còn điểm xuyến thêm những cọng giá trụng trắng tinh, chút màu xanh của dưa leo bằm, ít rau thơm xắt nhỏ. Nếu người thích béo còn có thể thêm muỗng nước cốt dừa thắng cho sánh lại.

Để không cập rập vào buổi sáng, món này tôi thường làm vào chiều thứ bảy để sáng chủ nhật cả gia đình cùng quây quần thưởng thức. Con gái tôi, năm nay lên 7, thường giành phần xắn bánh đúc cho vào dĩa. Cô nàng hay xuýt xoa: “Mẹ ơi, nhìn cái sớ của bánh đúc nè, ngon khó cưỡng luôn!”.

Theo Người Lao động

 


Ý kiến của bạn