Hà Nội

Bánh chưng nhân cá hồi, bào ngư có ngon không?

15-01-2023 16:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Bánh chưng nhân bào ngư, cá hồi… lạ miệng được bán đến nửa triệu đồng/cặp thu hút sự tò mò của nhiều người tiêu dùng. Sự kết hợp độc đáo này có làm cho bánh ngon hơn?

Chuyên gia chỉ cách gói bánh chưng bảo quản được lâuChuyên gia chỉ cách gói bánh chưng bảo quản được lâu

SKĐS - Để bánh chưng thơm ngon, kéo dài thời gian sử dụng, theo chuyên gia có những nguyên tắc nhất định cần tuân thủ trong quá trình gói bánh.

Chỉ nhận đặt trước, số lượng có hạn

Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, bánh chưng là một trong các món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Bên cạnh những chiếc bánh chưng nhân thịt lợn, đỗ xanh, thị trường còn xuất hiện những chiếc bánh chưng nhân bào ngư, cá hồi, nhân thịt lợn Iberico…

Một trung tâm chuyên tổ chức tiệc cưới ở Ba Đình, Hà Nội năm nay đã cho ra thị trường loại bánh chưng nhân bào ngư. Mỗi chiếc bánh chưng nhân bào ngư có trọng lượng 1,5kg, giá bán 300.000 đồng. Mua theo cặp, bánh chưng nhân bào ngư có giá 600.000 đồng.

Bên cạnh bánh chưng nhân bào ngư, một đơn vị chuyên nấu các loại bánh chưng ở Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng phục vụ thực khách hàng trăm chiếc bánh chưng nhân cá hồi. Điểm khác biệt duy nhất của loại bánh này là nhân thịt lợn được thay thế bằng cá hồi. Mỗi chiếc bánh chưng nhân cá hồi trọng lượng 800 gam có giá bán 220.000 đồng. Như vậy, mỗi cặp bánh chưng nhân cá hồi có giá gần nửa triệu đồng.

Bánh chưng nhân cá hồi, bào ngư có ngon? - Ảnh 2.

Bánh chưng nhân cá hồi lạ miệng, giá nửa triệu đồng/cặp.

Được biết, ban đầu, chiếc bánh chưng nhân cá hồi được tạo ra do người ta muốn tặng bánh chưng cho người bạn theo đạo Hồi. Bởi người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn, nên người này đã nảy ra ý tưởng nhét nhân cá hồi vào bánh chưng để thay thế.

Dù cho giá thành cao hơn bánh chưng thông thường, nhưng nhiều vị khách vẫn sẵn sàng xuống tay nửa triệu đồng để mua cặp bánh chưng nhân cá hồi. Đa số các loại bánh chưng đặc biệt này phải đặt trước, nếu muốn mua số lượng lớn, khách hàng phải yêu cầu đặt trước nhiều ngày mới có hàng.

Nói về trào lưu dùng cá hồi làm nhân bánh chưng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, các thành phần trong bánh chưng được kết hợp dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ hàng nghìn năm trước.

"Vì sao nhân bánh không phải là thịt bò, thịt gà, thịt chó… hay bất cứ loại thịt nào khác như cá, tôm, cua. Không phải là đậu đỏ, đậu đen, mà phải là đậu xanh… Từ thực tiễn đúc rút thành kinh nghiệm lâu đời mới cho ra những nguyên liệu dựa trên sự hài hòa, tương tác cộng sinh giữa các gia vị có trong bánh.

Vì sao người ta không dùng gừng, mà phải là lá giềng mới kết hợp được với gạo nếp làm bánh. Hay các loại bánh khác như bánh gai nhất thiết phải dùng đường, mật, mỗi loại bánh đi kèm một nguyên liệu cố định phù hợp. Thay đổi, sẽ tạo ra sự mới lạ, nhưng nó làm cho chiếc bánh bị ngang vị, không còn ngon với số đông nữa", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

Chỉ lạ chứ không ngon

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, phong vị truyền thống rất khó thay đổi, dù không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học bài bản nào mà chỉ đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn.

Gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hạt tiêu là những nguyên liệu có sự kết hợp rất khoa học trong thực phẩm, cái nọ bổ trợ cho cái kia, tạo nên sự ngon miệng. Bào ngư hay cá hồi không phải là thực phẩm phù hợp để kết hợp với gạo nếp, đậu xanh.

"Nếu ai thích thì có thể thử mùi vị mới lạ của bánh chưng cá hồi, nhưng chắc chắn không ngon bằng bánh truyền thống", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Theo TS Thịnh, có thể biến tấu bánh chưng mà không ảnh hưởng đến hương vị bằng cách như trộn với gấc để tạo màu đỏ, quả dành dành để tạo màu vàng hay gạo nếp cẩm để làm ra bánh màu tím…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, để có bánh chưng ngon, khâu chế biến khá cầu kì. Thường luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn bằng các loại khác. Trước khi xếp bánh vào luộc, nhớ xếp dưới đáy nồi lạt hoặc các sống lá dong để chèn ở dưới. Hành động này giúp cho bánh chưng không bị cháy ở đáy nồi, làm nước luộc còn xanh hơn nữa. Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi, không bao giờ được thiếu nước nên có thùng tiếp nước bên cạnh.

Không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này. Bánh được đun đủ 12 giờ thì chín, nếu giữ lửa liên tục và cho nước ngập đều đặn chắc chắn sẽ không bị "lại gạo". Sau khi vớt bánh ra, xếp thành nhiều lớp, dùng một vật nặng để ép cho ra nước. Không đè lên bằng vật quá nặng để bánh không bị lồi ra ngoài lá. Trong lúc đun, có thể lấy bánh ra, rửa qua trong nước lạnh, thay một lượt nước mới khác, bánh sẽ rền, ngon hơn.

"Để bánh chưng luôn ngon lành, không bị hỏng mốc, chúng ta cần chú ý khi gói. Không nên gói bánh quá chặt tay, bánh sẽ dễ bị lại gạo, bánh cứng, ăn không ngon. Cũng không nên gói quá lỏng tay vì bánh sẽ quá mềm và dễ bị mốc", TS Nguyễn Văn Hoan nói.

Bánh chưng Cầu Báng hối hả vào vụ TếtBánh chưng Cầu Báng hối hả vào vụ Tết

SKĐS - Sự hòa quyện giữa các nguyên liệu truyền thống đã giúp cho bánh chưng Cầu Báng tại Thái Bình mang một hương vị rất riêng. Làng bánh chưng Cầu Báng, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình lúc nào cũng đỏ lửa phục vụ thực khách trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 15/1: Qua 23 Tết Âm Lịch Vẫn Mòn Mỏi Tìm Kiếm Bé Hạo Nam Rơi Trụ Bê Tông Sâu 35M | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn