Bành Châu - Người lưu giữ những ngọn lửa nhỏ

27-03-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể nói, “bộ sưu tập” chính danh, vô cùng hấp dẫn và sống động, vừa quan trọng vừa là tâm sức của nhà biên kịch Bành Châu chính là lớp lớp học trò của ông. Ông có biệt tài phát hiện, bồi dưỡng, kích thích sáng tạo.

Có thể nói, “bộ sưu tập” chính danh, vô cùng hấp dẫn và sống động, vừa quan trọng vừa là tâm sức của nhà biên kịch Bành Châu chính là lớp lớp học trò của ông. Ông có biệt tài phát hiện, bồi dưỡng, kích thích sáng tạo. Lớp học trò sau này nhiều người thành danh, luôn nhắc đến thầy với tấm lòng trân trọng trìu mến.

Bất kỳ ai là học trò cưng của nhà biên kịch Bành Châu đều biết ông có một bộ sưu tầm bật lửa đồ sộ và vô cùng phong phú. Trong số những học trò cưng của ông sau này cũng có những người lây thói quen sưu tầm bật lửa của thầy.

Nghệ sĩ Bành Châu.

Nghệ sĩ Bành Châu.

Sở dĩ tôi biết điều này là do một lần tình cờ thấy Đoàn Anh Dũng (có biệt danh là Dũng Tíu hay Sớm Mai Chiều) trong một chuyến đi công tác cứ loay hoay tìm mua mấy cái bật lửa khá độc đáo. Hỏi thì Dũng bảo để làm quà tặng thầy Bành Châu.

Về báo Điện ảnh Kịch trường bấy lâu mà thú thực tôi chưa biết gì mấy về đời sống riêng của ông. Sau đó tôi mới được biết bộ bật lửa ông sưu tầm đã chiếm trọn hẳn một góc ở trong căn phòng tập thể không lấy gì làm rộng rãi ở phố Trần Quốc Toản. Đủ các loại bật lửa mà trên thế gian này người ta có thể nghĩ ra. Từ hình người, hình thú đến dáng dấp của các vật dụng. Từ rất rẻ tiền đến đắt tiền với những mức giá khủng. Zippo - đỉnh cao phong cách cũng đủ loại, vuông, dẹt, đồ sộ... Mua ở Trung Quốc cũng có, mà ở Mỹ cũng không ít. Ngày ấy, mọi thứ chưa sẵn như bây giờ. Để có được bộ bật lửa đó, ông cũng tốn kém không ít. Cái chính, ông là người hút thuốc liên tục. Bộ bật lửa đủ cho ông có thể bật liên tục, giữ cho đốm thuốc đỏ lòe trên môi suốt những đêm dài ngồi sáng tác.

Tôi chưa hề được nghe ông giảng bài nhưng nhiều học trò của ông kể lại, ông giảng rất hóm và nhiều ẩn dụ hình ảnh.

Ở báo Điện ảnh Kịch trường, ông là linh hồn hút mọi tầm quan tâm: từ các nghệ sĩ diễn viên đến các quan chức ngành điện ảnh, Bộ Văn hóa Thông tin (cũ). Ông nói năng từ tốn, không dọa nạt mà khiến người dưới cứ nhất nhất tuân theo ý ông. Giọng của ông trầm ấm, mang đôi chút hơi hướng u mua.

Về khối kiến thức điện ảnh, đặc biệt lý thuyết xây dựng kịch bản điện ảnh thì có thể nói lúc bấy giờ, vào thời điểm đổi mới, ngành điện ảnh rất ít người có được kinh nghiệm và lý thuyết như ông. Điện ảnh Việt Nam thập niên 70, 80 không người nào làm công tác điện ảnh mà không biết đến tài danh của các nhà biên kịch điện ảnh như anh em ông Bành Bảo, Bành Châu.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ khi ông vừa bước qua tuổi niên thiếu.

Ngay từ những năm đầu kháng chiến, Bành Châu đã là một nhà báo năng nổ của báo Bắc Giang, báo Thanh niên xung phong (Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc Bắc Giang). Năm 1950, Bành Châu trở thành học viên của Trường Văn nghệ nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc rồi trở thành Thư ký Tòa soạn báo Lai Châu kháng chiến. Ông đã là nhà báo ngay từ những ngày đầu kháng chiến như vậy.

Năm 1954, ông chuyển công tác về Xưởng phim truyện Việt Nam. Đây có thể nói là một bước ngoặt lớn trong đời nhà biên kịch Bành Châu. Năm 1959, ông được cử đi học khóa biên kịch điện ảnh tại Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp biên kịch phim truyện, ông được biệt phái sang Xưởng phim Thời sự - Tài liệu để bổ sung cho đội quân biên kịch phim tài liệu, một thể loại vô cùng quan trọng trong thời kỳ chiến tranh bom đạn.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật sôi nổi của mình, Bành Châu đã cộng tác gắn bó với đạo diễn NSND Ngọc Quỳnh để làm nên những tác phẩm tài liệu để đời, trong đó có phim Lũy thép Vĩnh Linh (Bông sen Vàng LHP lần thứ hai, Huy chương Vàng LHP Quốc tế Mátxcơva), Tuổi hai mươi, Đầu sóng ngọn gió đẹp như những khúc ca trữ tình, bi tráng. Một ngày trực chiến do ông viết kịch bản, lời bình đã được tặng giải Bông sen Vàng trong LHP Việt Nam lần thứ II (1973).

Học ở Nga về lĩnh vực biên kịch phim truyện, tuy làm ở Xưởng phim Thời sự - Tài liệu, ông vẫn luôn có ý thức sáng tạo kịch bản phim truyện. Ông đã đạt được nhiều thành tựu.

Ông là tác giả kịch bản của nhiều phim được giải cao qua các LHP trong nước và quốc tế như Đường về quê mẹ, Hoa thiên lý, Đêm Bến Tre, Ai giận ai thương... là những tác phẩm được khán giả yêu điện ảnh chú ý. Với phim Thằng Bờm, Bành Châu có ý nói về chính bản thân mình, nói với những người thân yêu nhất của mình - là con người thời loạn, chịu sự thiệt thòi không được học hành đến đầu đến đũa, phải không giấu dốt, không tự mãn mà tìm mọi cách vươn lên.

Không phải ngẫu nhiên Bành Châu có tới 4 kịch bản văn học phim truyện được các nhà xuất bản cho in thành sách. Công việc sáng tác của ông làm rõ ràng hơn những vấn đề lý luận và những vấn đề lý luận ấy cùng kinh nghiệm sáng tác lại cộng hưởng để các đề tài liệu nghiên cứu khoa học, chuyên khảo, luận văn... của ông nêu được những vấn đề mới mẻ, đồng thời có giá trị thực tiễn cao. Và tất cả những tìm tòi ấy đã được ứng dụng một cách có hiệu quả vào công tác đào tạo và giảng dạy được ông bắt đầu từ năm 1965. Nhiều, rất nhiều thế hệ học trò vẫn ghi sâu trong ký ức hình ảnh người thầy lịch lãm mà chân tình, cởi mở với phong cách giảng dạy nhiệt tình, dí dỏm, cuốn hút mọi người.    

   Cầm Kỳ

 


Ý kiến của bạn