Bành Bảo kể về Georges Sadoul và Điện ảnh Việt Nam

26-01-2013 16:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bành Bảo, nhà biên kịch điện ảnh, thuộc lớp nghệ sĩ mở đường cho Điện ảnh Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám.

Anh Bành Bảo, nhà biên kịch điện ảnh, thuộc lớp nghệ sĩ mở đường cho Điện ảnh Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Anh mất đã lâu, nhưng tôi luôn nhớ lại hình ảnh thân thương của anh. Tôi hay chuyện trò tâm sự với anh, thời gian chúng tôi viết chung một cuốn sách nhỏ tiếng Pháp: Cuộc hành trình của Điện ảnh Việt Nam (1984).

Anh gợi lại bước đầu của phim Việt Nam: Năm 1945, khi nước ta mới giành được độc lập, chúng ta chưa có những nhà điện ảnh chuyên nghiệp, chỉ có một số người vốn hoạt động ở các ngành báo chí, nhiếp ảnh, văn học, sân khấu… hăng hái đi tìm hiểu để xây dựng ngành điện ảnh. Trong điều kiện kháng chiến chín năm (1946-1954), các thành phố lớn đều bị chiếm đóng và phá hủy, những người mở đường của điện ảnh VN đã phải hoạt động trong rừng sâu, tại các chiến khu rải rác từ Việt Bắc tới miền Đông Nam bộ. Để xây dựng một nền nghệ thuật “quan trọng nhất trong các nghệ thuật” khi đó, chúng ta chỉ có lập trường tư tưởng và quyết tâm vững chắc, nhưng hầu như không có sách chuyên đề điện ảnh để nghiên cứu cũng như không có thiết bị chuyên dùng để quay và chiếu phim. Trong những ngày ở rừng, những người mở đường của điện ảnh VN đã vui mừng biết bao khi nhận được từ vùng tạm chiếm gửi ra, khá thất thường, những tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp: Nhân đạo (L’Humanité) hoặc Văn Học Pháp (Les lettres Francaises) hoặc đôi cuốn Lịch sử điện ảnh đã rách sờn, có khi mất bìa, long gáy, không trọn bộ của ông…

Anh Bành Bảo luôn nhắc đến công lao của G.Sadoul: Trong lớp người đầu tiên làm điện ảnh Việt Nam, có mấy ai không biết đến G.Sadoul. Trước khi biết đến những nhà điện ảnh khác ở nước ngoài, có mấy ai mà không tâm đắc với câu vào đề quen thuộc của ông: Một nền nghệ thuật đang ra đời trước mắt chúng ta! Đúng vậy! Đúng là ở Việt Nam, nghệ thuật điện ảnh ra đời từ hai bàn tay trắng hoặc từ con số không. Do những điều kiện lịch sử cụ thể, G.Sadoul là một trong những nhà bác học điện ảnh nước ngoài cung cấp cho lớp cán bộ mở đường của điện ảnh Việt Nam những kiến thức đầu tiên về tình hình điện ảnh thế giới.

Do đã đọc G.Sadoul từ trước nên khi gặp ông, nhiều nhà điện ảnh VN cũng như tôi có cảm tưởng như gặp người quen cũ. Riêng tôi, trong những năm từ 1959 tới 1964, đã 3 lần trực tiếp gặp và trao đổi ý kiến với G.Sadoul tại Mat-xcơ-va. Tôi rất xúc động thấy rõ cảm tình nồng nhiệt của ông đối với nền điện ảnh mới hình thành của ta và sẽ không bao giờ quên ý ông nhấn mạnh rằng: “Đất nước VN nằm trên dải đất Đông Dương (Indochine). Tôi vẫn nghĩ rằng nền văn hóa VN giao tiếp nhiều với hai nền văn hóa lớn Ấn Độ và Trung Quốc, tất có chịu nhiều tác động. Vậy mà xem phim Việt Nam, tôi ngạc nhiên và khoan khoái thấy nó chẳng Ấn Độ mà cũng không Trung Quốc”.

G.Sadoul sinh ngày 4 tháng 2 năm 1904, mất ngày 13 tháng 10 năm 1967, là một trong những nhà điện ảnh học uyên bác vào hạng nhất của Pháp và thế giới. Ông từng tham gia kháng chiến chống phát xít Đức phụ trách phần phê bình điện ảnh của báo hàng tuần Văn học Pháp. Ông là Chủ tịch Hội Phê bình điện ảnh Pháp, giáo sư trường Đại học Điện ảnh Pháp, giáo sư Viện Nghiên cứu phim của Đại học Sorbonne (Paris). Tác phẩm lớn nhất của ông: Tổng sử Điện ảnh gồm 5 tập, xuất bản dần từ 1945 - 1954, nghiên cứu điện ảnh từ khởi thủy đến cuối Đại chiến thứ hai, là một công trình mà không một bộ sử điện ảnh nào trước đó có thể sánh nổi về bề dày, về tầm khái quát và về số lượng tư liệu được sử dụng. Bên cạnh bộ Tổng sử, G. Sadoul còn viết cuốn Điện ảnh các góc độ nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế.

Anh Bành Bảo đánh giá chung G.Sadoul như sau: “… G.Sadoul có công lớn trong việc nghiên cứu tiền sử của điện ảnh. Trình bày nhiều phương pháp, nhiều thiết bị thô sơ nhằm ghi hình và chiếu hình từ tĩnh đến động xuất hiện từ xa xưa. Ông đã chứng minh có tính thuyết phục rằng phát minh điện ảnh của Louis Lumière ở Pháp là kết thúc một quá trình lao động đa dạng, phức tạp, lâu dài của nhiều nhà bác học, nhà kỹ thuật, nhà phát minh, sáng chế của nhiều nước. G.Sadoul là nhà nghiên cứu đầu tiên chú ý tìm hiểu nội dung những tiết mục được ghi và chiếu từ thời tiền sử.

Theo dõi những bước đi của kỹ thuật điện ảnh, ông luôn chú ý tới những quan hệ chiều ngang của điện ảnh, tìm hiểu xem những hình thức mới có khả năng thể hiện những nội dung gì mới. Ông chứng minh rằng điện ảnh, ngay từ buổi sơ khai đã có mối quan hệ với văn nghệ dân gian, rằng điện ảnh càng phát triển thì càng phá vỡ cái hàng rào giả tạo ngăn cách nó với các ngành khác, của toàn bộ nền văn hóa”.

Cho đến nay, các sách của G.Sadoul đã được dịch ra khoảng trên 20 thứ tiếng…   

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn