Ai đã đến Trường Sa hẳn không thể quên được cây bàng vuông nơi đây và mong cố kiếm được một trái bàng vuông mang về làm kỷ niệm nhưng không dễ. Không dễ không hẳn vì quý hiếm khi trên toàn bộ mảnh đất thân yêu của Tổ quốc chỉ ở nơi đây mới có mà dường như phụ thuộc vào “cơ duyên” người nhận. Ðơn giản chỉ vì Trường Sa là mảnh đất thiêng của những “thiên thần” biết chọn người để trao gửi.
Hoa bàng vuông. |
Bàng vuông Trường Sa như sức sống người lính đảo và ngư dân Việt giữa biển trời quê hương. Cách đây mấy năm có ngư dân Trần Văn Lực quê ở Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Nam) đang trên thuyền thúng câu mực giữa đại dương gặp bão, lạc tàu mẹ, trôi nổi trên sóng suốt 9 ngày đêm đã gặp tàu Trường Sa 04 của Hải quân cứu được. Theo tục lệ, sau 7 ngày đêm mất tích thì ở nhà lập bàn thờ, vậy mà Lực vẫn “trụ” được trong cái thúng mỏng manh trên muôn trùng sóng dữ. Những người Việt giữa biển khơi dù là dân hay lính hình như đều có sợi dây tâm linh liên hệ. Chả thế mà “Trường Sa 04” đi trong đêm, thấy cái chấm nhỏ bằng đầu tăm trên biển cũng phát hiện ra và anh em hải quân kịp quay tàu, đạp sóng cứu được ngư dân đang thoi thóp. Sức sống người Việt quả diệu kỳ như trái bàng vuông kia.
Chỉ một lần ra Trường Sa, tôi dám chắc những người dân và lính trên đảo, trên từng dàn DK1 là những thiên thần! Thiên thần đúng nghĩa khi mà trong đất liền đọc báo thấy nhan nhản những là tham nhũng, ghen tuông, chơi bời, chạy chọt, hưởng lạc trong khi trên quần đảo thiêng liêng này dường như không dính “bụi trần”. Đảo, đá hay nhà dàn DK1 cũng có cán bộ, chiến sĩ trên dưới rõ ràng, lại có cả dân ở Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn nhưng họ không có khoảng cách. Đơn giản ở đây không có khái niệm tiền! Giả dụ ai có cả núi tiền ở đây cũng vô nghĩa vì không cửa hàng cửa hiệu, làm gì có chuyện bán mua. Trên - dưới, dân - lính cùng chung và chia nhau cơn nắng lửa, giông bão, cùng ngồi dưới bóng mát của rặng bàng vuông, phong ba, cùng vui trong cơn mưa Trường Sa, kỳ lưng cho nhau bất kể chức vụ, vùng miền, tuổi tác... Không mua bán, không toan tính, cùng vui buồn, sống chết, họ quả là những thiên thần.
Canh giữ chủ quyền biển đảo thân yêu. |
Có một chuyện khá thú vị là mỗi lần đón khách từ bờ ra, đảo hay đá hoặc nhà dàn DK1 đều có 2 chậu nước cùng dãy khăn đặt cạnh hàng quân đón khách. Cả Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng và Thượng tá Ngô Văn Cải, Lữ trưởng 146 đang canh giữ mọi đảo, đá ở Trường Sa đều giải thích rằng, có chậu nước rửa tay và khăn lau tay là để khách sạch hơi muối biển hoặc những vết dầu khi di chuyển từ tàu ra xuồng nhưng tôi không tin. Đại tá Chính ủy Lữ 125 Trần Thanh Tâm biết nhà viết kịch hỏi khó mới nheo mắt bảo “Nước ngọt là quý nhất ở đảo nên thứ quý nhất đem ra đãi khách!” - Cũng chưa chắc! Tôi cứ đinh ninh đấy là hai chậu nước rửa bụi trần trước khi người trong bờ ra muốn giơ tay nắm lấy những bàn tay thiên thần đang canh giữ biển đảo. Lạ nữa là những điểm chúng tôi đến đều đón khách bằng 2 chậu nước chứ không phải là 1 hoặc 3, 4, 5 chậu. Trung tá Tuyến, Trưởng ban Quân lực Lữ 146 bảo, chắc là vô tình chứ chả có quy định mấy chậu đâu. Cứ cho là vô tình nhưng biết đâu sự vô tình chỉ có hai chậu nước này mang ý nghĩa khi rửa tay vào hai chậu nước cũng là lời hứa với Trời và Biển nơi đây về sự trong sạch, về sự gột rửa tâm hồn. Thượng tá Lương, cán bộ Phòng tác chiến Quân chủng đi cùng tôi cười: “Nhà viết kịch nên hay lăn tăn, cả nghĩ chứ lính đảo chúng em đơn giản hơn nhiều!”. Mà đúng thật, các thiên thần làm nên sự thánh thiện có bao giờ đặt tên và tìm ra mục đích ý nghĩa của sự thánh thiện mình làm ra bao giờ!
Ra Trường Sa! Khi con tàu mới tới cửa bể, phía trước tít tắp đến chân trời chỉ có sóng, mỗi con người trên con tàu đều như quên hết những tính toán và dường như tất cả xích lại gần nhau hơn trong cái háo hức chung mong được đặt chân lên mảnh đất tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có những thiên thần. Những thiên thần của chúng ta giữa phong ba bão tố, nhiều em vẫn còn vương lông tơ trên má và nhiều em “hơn hai chục mùa bàng vuông” vẫn còn chưa hề biết đến “nắm cổ tay ai”. Thế nhưng lòng thơm thảo thì thật vô cùng.
Tác giả và những “thiên thần” trên đảo Trường Sa Đông. |
Mỗi lần khách từ đất liền ra trên dưới cả trăm người và chuyện tìm kỷ vật Trường Sa chẳng dễ. Những thiên thần ở Trường Sa hào phóng lắm nhưng cũng tinh lắm. Bác nào, chú nào chỉ bắt tay, hỏi thăm xã giao thì nhận được nụ cười, chứ bác nào, chú nào ghi ghi chép chép, sục vào tận bếp ăn mở vung nồi cơm, ra tận vườn rau, chuồng lợn, đau đáu thật sự chuyện đời lính đảo thì các thiên thần rủ về phòng riêng, có gì dốc ra hết. Những trái bàng vuông, những mảnh san hô, những con ốc quạt để dành tặng người yêu cũng dúi hết cả vào tay người mà họ cảm mến bởi “chú về không có vật kỷ niệm chứ chúng cháu còn có”! Với lính đảo, cho cũng là hạnh phúc và họ biết người để cho qua linh cảm thiên thần tinh khiết của mình!
Vẫn biết, bất cứ ai có thể đến bất cứ quốc gia nào trên trái đất miễn là có tiền, song đến được với Trường Sa không hề dễ, nhưng tôi vẫn thèm mỗi người dân nước Việt được một lần đến Trường Sa để được sống và hiểu những thiên thần nơi đây, để tâm hồn lắng lại dưới rặng bàng vuông, để tẩy rửa và lớn lên. Biết đâu, những so đo ích kỷ, những tham nhũng, tiêu cực, sự vô cảm sẽ được bớt đi để phần người và tình yêu trong mỗi trái tim được nhân lên trước những thiên thần và rặng bàng vuông... |
- Bố có nghe thấy tiếng gà gáy không?
Tôi lặng người đi. Tiếng gà gáy ở trùng khơi như gắn đảo và bờ làm một cho vơi đi nỗi nhớ giữa muôn trùng. Không phải thiên thần sao biết yêu tiếng gà gáy đến thế. Tôi bỗng trào nước mắt ôm lấy cậu lính trẻ đang làm mình lớn lên với tất cả sự gần gũi, thân quen dẫu mới gặp lần đầu:
- Mày... là thiên thần... là nghệ sĩ đấy... con ơi!...
- Ở đây... ai cũng thế... bố à!- Cậu lính trẻ chớp chớp mắt.
Những thiên thần Trường Sa như những cây bàng vuông vút ngọn lên giữa trời cao. Tôi “gạ” Chuẩn đô đốc Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Lê Minh Thành đứng trước hàng bàng vuông trên đảo Phan Vinh để chụp hình kỷ niệm. Ông nhận lời với tư thế nghiêm của lính hải quân: hai chân dang bằng vai như đứng tấn. Đôi chân những thiên thần biển đảo của chúng ta là thế, vững chắc như cây bàng vuông, như cây phong ba, như chân đế nhà giàn DK! Những đôi chân thiên thần ấy cắm vào thềm lục địa thành những cột mốc sống vì chủ quyền đất nước, vì lòng kiêu hãnh chính đáng trong hai tiếng Việt Nam.
Bài, ảnh: Lê Quý Hiền