Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

22-03-2024 14:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, thường đi kèm với tăng số lần tiểu ngày và/hoặc tiểu đêm, có tiểu són hoặc không có tiểu són.

1. Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt

Hội chứng bàng quang tăng hoạt (OAB) là một bệnh lý thường gặp của đường tiết niệu. Bàng quang tăng hoạt chỉ sự rối loạn chức năng bàng quang trong giai đoạn chứa đựng nước tiểu. Tình trạng tăng hoạt là do sự co bóp không chủ ý của cơ chóp gây ra cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng tiểu gấp, thường đi kèm với tăng số lần tiểu ngày hoặc tiểu đêm, có tiểu són (OAB ướt) hoặc không có tiểu són (OAB khô).

Hội chứng bàng quang tăng hoạt tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bệnh nhân, gây trở ngại trong sinh hoạt, học tập và công tác hàng ngày. Đồng thời, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng tới tâm lý, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ.

Thống kê cho thấy, trên thế giới có khoảng 10,7% dân số mắc bệnh. Ở Việt Nam, có khoảng 12% dân số mắc căn bệnh này. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, tỉ lệ mắc ở nữ giới thường cao hơn so với nam giới.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt xảy ra do nhiều nguyên nhân:

Rối loạn thần kinh trong bệnh Parkinson, đột quỵ, bệnh xơ hóa tủy, tổn thương tủy sống do chấn thương, bệnh đái tháo đường,… Những bất thường trong bàng quang như các khối u hoặc sỏi bàng quang. Các yếu tố gây cản trở dòng chảy từ bàng quang như phì đại tuyến tiền liệt, táo bón, khối u vùng tiểu khung hoặc các tác động điều trị vùng tiểu khung. Uống cà phê hoặc rượu quá mức. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này như:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc bàng quang tăng hoạt. Và ở nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam giới.

- BMI cao

- Hút thuốc lá, uống rượu bia

- Có các bệnh lý kèm theo (huyết áp, bệnh thận, bệnh thần kinh…)

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 1.

Trên thế giới có khoảng 10,7% dân số mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt.

2. Dấu hiệu bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt có các biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, tiểu đêm.

Tiểu gấp: bệnh nhân than phiền có cảm giác buồn tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được (còn tiểu có kiểm soát).

Tiểu nhiều lần: bệnh nhân than phiền phải đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần) trong ngày tính từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ.

Tiểu đêm: bệnh nhân than phiền về việc phải thức dậy ban đêm từ một lần trở lên để đi tiểu.

- Són tiểu: tiểu không tự chủ (OAB ướt).

- Không có són tiểu (OAB khô).

Tiểu gấp không kiểm soát: bệnh nhân than phiền tiểu không tự chủ theo sau cảm giác tiểu gấp.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người bệnh. Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể gây ra tình trạng stress, chán nản, lo sợ và xấu hổ cho người bệnh, ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

3. Bàng quang tăng hoạt có lây không?

Hội chứng bàng quang tăng hoạt không phải là bệnh lây nhiễm.

4. Phòng hội chứng bàng quang tăng hoạt

Chế độ ăn có thể tác động đến sức khỏe cũng như đường tiết niệu. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp phòng tránh được hội chứng bàng quang tăng hoạt, giảm các nguy cơ mắc bệnh. Một số biện pháp phòng ngừa hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm:

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên. Hạn chế thực phẩm có chất kích thích (thuốc lá, rượu, bia, cà phê, nước tăng lực, trà, đồ uống có gas…), đồ ăn cay nóng, thực phẩm giàu tính axit, đồ ăn mặn…

- Duy trì cân nặng hợp lý.

- Uống đủ nước và chia nhỏ lượng uống trong ngày thành nhiều lần, uống nước thành từng ngụm. Có thể quan sát nước tiểu, khi uống đủ nước thường nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt hoặc không có màu.

- Thăm khám tại các cơ sở y tế, chuyên khoa tiết niệu khi có các dấu hiệu bất thường về đường tiết niệu như tiểu buốt, nước tiểu sẫm màu, nước tiểu có mùi nồng…

Bàng quang tăng hoạt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị- Ảnh 2.

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có thể gây ra tình trạng stress, chán nản, lo sợ và xấu hổ cho người bệnh, ảnh hưởng đến đời sống tình dục.

5. Cách điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt

Các biện pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt bao gồm: điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cách ăn uống, dùng một số thuốc đặc trị và nếu không cải thiện triệu chứng thì xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp. Các biện pháp này được áp dụng tùy thuộc vào mức độ của bệnh và đã cho thấy tính hiệu quả trong điều trị.

Các biện pháp can thiệp hành vi

Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được điều trị hành vi có thể kết hợp với quản lý bằng thuốc. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các biện pháp lành mạnh hóa thói quen bàng quang và điều chỉnh lối sống. Cụ thể, người mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cần thực hiện các biện pháp như:

- Hạn chế thức ăn và đồ uống gây kích thích cho bàng quang như: cà phê, trà, bia rượu, đồ uống có gas, một số loại trái cây họ cam quýt, thức ăn cay nóng, đồ uống nhiều đường… Người bệnh nên loại bỏ các thực phẩm này ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó bổ sung một số loại chất xơ như rau xanh, yến mạch… nhằm cải thiện hệ tiêu hóa.

- Ghi lại nhật ký đi tiểu và tập tiểu theo giờ: Người bệnh có thể ghi lại số lần đi tiểu trong ngày để hiểu hơn về cơ thể. Đồng thời nhật ký này có thể giúp người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống. Người bệnh nên đi tiểu theo lịch hàng ngày thay vì đi tiểu khi có cảm giác buồn với mục đích giành lại quyền kiểm soát bàng quang. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có lịch trình đi tiểu phù hợp.

- Tiểu sạch 2 lần: Đây là phương pháp cho những người bệnh gặp khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang. Người bệnh sau khi đi vệ sinh nên chờ vài giây rồi tiếp tục thử lại lần nữa để đẩy hết nước tiểu ra ngoài.

- Tập thói quen trì hoãn đi tiểu: Liệu pháp hành vi này thực hiện bằng cách khi có cơn buồn tiểu nên đợi trước nhà vệ sinh khoảng 1-2 phút sau đó tăng dần thời gian lên. Đây là cách giúp tăng khả năng trữ nước của bàng quang.

- Luyện tập các bài tập giúp thư giãn và làm khỏe cơ bàng quang: Một trong những bài tập Kegel là một lựa chọn phù hợp, bài tập này giúp thắt chặt các cơ vùng chậu nhằm tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.

Các biện pháp dùng thuốc

Hiện nay, các thuốc nhóm kháng muscarinic là loại được ưu tiên trong điều trị bàng quang tăng hoạt. Ngoài ra còn một số nhóm thuốc khác như: Estrogen đặt âm đạo, một số loại thuốc khác có tác dụng kháng cholinergic, botulinum toxin type A… Tuy nhiên tùy theo từng bệnh nhân các bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân kháng thuốc, các bác sĩ có thể lựa chọn một số phương án khác như:

- Tiêm Onabotulinumtoxin A vào bàng quang

- Kích thích thần kinh cùng, thần kinh chày

- Mở rộng bàng quang bằng ruột

- Mở bàng quang ra da (đặt ống thông tiểu) khi cân nhắc điều trị bảo tồn thất bại.

Biện pháp mới điều trị chứng bàng quang tăng hoạt độngBiện pháp mới điều trị chứng bàng quang tăng hoạt động

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ mới đây đã cho phép sử dụng thuốc Gelnique (oxybutynin chloride) của Hãng Watson Pharmaceuticals để điều trị các triệu chứng bàng quang tăng hoạt động (overactive bladder).


ThS.BS Trịnh Thị Thanh Hằng
Phó trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn