Bằng Kiều, Tùng Dương ‘người lên đồng, kẻ kể chuyện’

13-01-2013 10:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lần đầu tiên có dịp hòa giọng cùng nhau nhưng cả hai đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người Hà Nội.

Lần đầu tiên có dịp hòa giọng cùng nhau nhưng cả hai đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người Hà Nội.
 
Sau hai đêm nhạc "Bằng Kiều in Concert" thành công ở cả TP HCM và Hà Nội, cựu thành viên nhóm nhạc Quả Dưa Hấu tiếp tục trở về quê nhà để góp giọng trong "Mùa đông concert cùng các diva, divo của làng nhạc Việt. Dù chương trình bắt đầu khá muộn so với dự kiến, hơn 8h tối ngày 12/1 mới khai màn, nhưng từ trước đó, hàng đoàn ôtô đã nối đuôi nhau từ đầu cổng Trung tâm hội nghị Quốc gia vào bến đỗ. Bất chấp cái giá rét lạnh buốt của Hà Nội những ngày đầu năm kèm theo cơn mưa phùn bất chợt, khán giả thủ đô vẫn đội mưa, mặc rét để tới xem đêm nhạc quy tụ bốn giọng ca hàng đầu Việt Nam: Bằng Kiều, Trần Thu Hà, Hồng Nhung và Tùng Dương.
Bằng Kiều, Tùng Dương ‘người lên đồng, kẻ kể chuyện’ 1
Bốn giọng ca hàng đầu Bằng Kiều, Hồng Nhung, Tùng Dương, Trần Thu Hà đứng chung sân khấu "Mùa đông concert".

Không giống các đêm nhạc trước đây, "Mùa đông concert" là dịp hiếm hoi để khán giả yêu nhạc thưởng thức những màn song ca độc đáo, mà mở đầu là hai diva Trần Thu Hà và Hồng Nhung với ca khúc Một mình (Thanh Tùng). Nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của Hà Trần, cũng từng được Hồng Nhung thể hiện trong đêm nhạc "Thanh Tùng – Lối cũ ta về" 2011. Nhưng đây lại là lần đầu tiên hai nữ ca sĩ này hòa giọng trong một ca khúc sáng tác về người vợ bạc mệnh của Thanh Tùng. Trong khi Hà Trần gây ấn tượng ngay từ câu hát mở đầu “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên” bởi cách xử lý tinh tế, mượt mà thì Hồng Nhung lại khoe được chất giọng sáng, vang, tròn vành rõ chữ ở từng câu hát. Tâm trạng của hai người phụ nữ từng trải nay đã viên mãn với cuộc sống gia đình dường như đã làm cho nỗi buồn miên man trong ca khúc vơi bớt đi phần nào, và cũng “đằm” hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, Tùng Dương và Bằng Kiều đậm chất trữ tình với nỗi buồn hoang hoải trong Rồi mai tôi đưa em (Trường Sa). Là một trong những màn song ca được chờ đón nhất, Tùng Dương không hề “đọ giọng” với Bằng Kiều như nhiều người vẫn nghĩ. Trái lại, giọng ca ma mị, liêu trai của Tùng Dương lại kết hợp nhuần nhuyễn, bay bổng cùng giọng tenor đặc biệt của Bằng Kiều. Giống như cách nam danh ca sinh năm 1973 tếu táo nói rằng: “Hai anh em mình hát, một người thì “lên đồng”, còn người kia lại hát như kể chuyện”. Hai giọng ca khác biệt cả về giọng hát, cách hát, và cũng thuộc hai thế hệ ca sĩ khác nhau, nhưng cả Bằng Kiều, Tùng Dương đã hòa quyện với nhau để mang đến cho khán giả một tiết mục đẹp. Tiếp đó, phần trình diễn Mưa hồng (Trịnh Công Sơn) cũng tạo nên xúc cảm mới mẻ, trữ tình mà rất vững chãi. Còn khi song ca cùng Hà Trần Tình yêu tôi hát (Việt Anh), Bằng Kiều tỏ ra rất ăn ý, tình cảm với cô bạn quen nhau từ thuở cả hai cùng đạp xe đạp đi hát cách đây 20 năm.
Bằng Kiều, Tùng Dương ‘người lên đồng, kẻ kể chuyện’ 2
Bằng Kiều lần đầu tiên song ca cùng Tùng Dương.

Màn song ca ấn tượng nhất trong đêm nhạc "Mùa đông concert" thuộc về bộ đôi Trần Thu Hà và Tùng Dương. Vốn sẵn chất quái, lại kết hợp cùng diva đàn chị nổi tiếng thông minh trong cách xử lý bài hát và không kém phần nổi loạn, Tùng Dương giống như “cá gặp nước”, thăng hoa bên Hà Trần trong ca khúc Hoa gạo (Ngọc Đại, phổ thơ Phan Huyền Thư). Diva và divo đều sở hữu âm vực cao rộng, lên bổng xuống trầm và thừa kỹ thuật để phiêu cùng ca khúc khó này. Điểm nhấn của Hoa gạo ngoài phần hòa giọng rất “bay” và ma mị cùng guitar Thanh Phương, cả hai còn có một màn phô diễn giọng mộc đầy cảm xúc ở đoạn cuối. “Tôi rất yêu giọng ca của Tùng Dương. Đây là lần đầu tiên tôi và Tùng Dương có dịp cùng hát cho khán giả nghe ở quê nhà. Vì vậy nên tôi rất háo hức chờ đợi phần trình diễn này bởi sự yêu mến giọng ca và cách sống của Tùng Dương”, Trần Thu Hà bộc bạch trên sân khấu. Quê nhà (Trần Tiến) cũng chưa bao giờ trở nên thân thương và trìu mến đến vậy qua hai giọng ca gắn liền tên tuổi với bài hát này. Nếu như Quê nhà từng góp phần làm nên danh tiếng cho Tùng Dương, thì Trần Thu Hà - cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến - lại chứng tỏ mình luôn hiểu rõ tâm tư, tình cảm mà người chú gửi gắm trong mỗi ca khúc.

"Mùa đông concert" còn khiến người ta cảm thấy ấm lòng bởi tình cảm của những người con xa quê, rời xa mảnh đất Hà Nội để tìm đến phương trời khác lập nghiệp mà vẫn không nguôi nhớ về quê hương xứ sở.

Đó có thể là Hồng Nhung – cô “Bống” vào Sài Gòn từ hồi mới đôi mươi - nay lại thổn thức, rơi nước mắt khi hát lại những câu hát “Ru em ngồi yên đấy. Ru tình à ơi…” (Ru tình – Trịnh Công Sơn). Rồi có lúc, cô lại hoài niệm về Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình” (Nhớ về Hà Nội – Hoàng Hiệp). Ca khúc gắn liền với tên tuổi của Hồng Nhung một thời được cô cho là “bài hát thân thương nhất về Hà Nội, vừa oai hùng mà cũng vừa tình cảm, tinh tế như chính người Hà Nội. Dù cho vật đổi sao dời, thì Nhớ về Hà Nội cũng sẽ sống mãi trong trái tim người hâm mộ”. Kể cả nét tươi vui, trong sáng của cô “Bống” ngày nào với Họa mi hót trong mưa (Dương Thụ) nay cũng đã đằm thắm, trưởng thành hơn sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật.

Sang Mỹ từ năm 2004 sau khi kết hôn cùng một Việt kiều, thi thoảng Trần Thu Hà mới có dịp trở về Việt Nam tham gia các đêm nhạc. Tuy nhiên, trong tấm lòng của người con gái sinh ra và lớn lên tại Hà Nội chưa bao giờ thôi hoang hoải về mảnh đất cố đô. Trên sân khấu của "Mùa đông concert", cách hát thiên về nội tâm của Hà Trần đã mang lại nhiều cảm xúc cho Ngẫu hứng phố (Trần Tiến), đem lại cho khán giả nhiều suy nghĩ, hoài niệm về một thời mà “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè tôi”. Trần Thu Hà tuy là diva trẻ nhất trong bộ tứ, nhưng lại là người có khả năng hát nhiều thể loại nhạc khác nhau. Vì lẽ đó, khán giả Hà Nội lúc thì bị cuốn vào chất nhạc jazz trong Điều ngọt ngào nhất (Đỗ Bảo), lúc lại đắm mình trong cái sôi nổi, mạnh mẽ của Gió (Quốc Bảo), và dân gian đương đại qua Ra ngõ tụng kinh (Trần Tiến).
Bằng Kiều, Tùng Dương ‘người lên đồng, kẻ kể chuyện’ 3
Đêm nhạc "Mùa đông concert" đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả
thủ đô.

Còn với Bằng Kiều, một đêm nhạc "Bằng Kiều in concert" chắc chắn là chưa đủ với nhiều người dân thủ đô đã mong chờ anh trở về suốt 10 năm nay. Trở lại Hà Nội đúng dịp tiết trời lạnh buốt, nam danh ca cho rằng mùa đông ở đây mang đến cho anh một cảm xúc khác, riêng tư và không giống ở bất cứ nơi nào. Không có vợ Trizzie Phương Trinh và 3 cậu con trai ở bên, Bằng Kiều vẫn tỏ ra thoải mái và hóm hỉnh khi ở trên sân khấu, làm khán giả bên dưới cười ồ vì những câu chuyện dí dỏm đời thường của anh. Nhưng lúc hát về Hà Nội, Bằng Kiều lại da diết, chất chứa tâm sự “giờ ra đi mới thấy lòng tiếc nuối” (Hà Nội và tôi – Lê Vinh). Và rồi người ta tiếp tục thấy một Bằng Kiều trữ tình với Để nhớ một thời ta đã yêu (Thái Thịnh viết tặng cho Bằng Kiều), Mưa trên ngày tháng đó (Từ Công Phụng), Một ngày mùa đông (Bảo Chấn), Nơi tình yêu bắt đầu (Tiến Minh)…

Chương trình kéo dài hơn 3 tiếng, bắt đầu muộn, nhưng sự chuẩn bị kỹ càng của ban tổ chức từ nội dung, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng và quy tụ 4 giọng ca hàng đầu đã làm cho khoảng 4.000 khán giả có mặt trong khán phòng Trung tâm hội nghị Quốc gia vẫn nán lại tới khi đêm nhạc kết thúc vào lúc 11h20 tối. "Mùa đông concert" cũng để lại một kỷ niệm sâu sắc đối với mỗi khán giả thủ đô, là dịp chiêm nghiệm mùa đông đang đi qua với đầy đủ thanh âm và cảm xúc, ký ức đan xen.
 
Theo VnExpress

Ý kiến của bạn