Thật tình cờ khi lên Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở khu du lịch Ðồng Mô, Thạch Thất, Hà Nội, tôi được chiêm ngưỡng một ngọn tháp Chăm dựng mô phỏng theo mẫu tháp chính Po Klong Garai trên đồi Trầu ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Chung quanh hệ thống tháp Chăm đã đổ vỡ theo thời gian, nhưng vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá về những ký ức đầy bi hùng của một đế chế đã bị suy tàn cách đây hơn 500 năm…
Những lễ vật lạ trong lễ hội Ka Tê
Lễ hội Ka Tê thường diễn ra hàng năm trên đồi Trầu, nơi có ba ngọn tháp còn lại, trong đó tháp chính cao 20,5m thờ thánh Po Klong Garai; đó là vị vua theo đế chế thứ III rất xuất chúng của dân tộc Chăm. Vị vua này trị vì suốt 54 năm (từ 1151 - 1205) và là người khai sáng một nền sản xuất nông nghiệp, kèm theo thủy lợi đầu tiên đem lại cuộc sống ấm no và sự phồn thịnh của dân tộc Chăm. Hiện vẫn còn hai đập nước do ông tổ chức xây dựng tồn tại cho đến ngày nay. Đó là đập Nha Trinh và Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang. Mãi đến cuối thế kỷ XIII và đầu XIV, vua Chế Mân mới xây hệ thống tháp Po Klong Garai trên đồi Trầu, phường Đô Vinh thuộc địa phận Tháp Chàm cũ. Từ đó, hàng chục ngàn người Chăm đều hành hương về đây dự lễ hội Ka Tê hàng năm để tưởng nhớ vị thánh anh minh của mình.
Múa trong lễ hội Ka Tê.
Gần đây, có dịp trở lại Ninh Thuận, tôi mới biết thêm về những quy ước không giống ai ở lễ hội Ka Tê, được coi là những ngày Tết của dân Chăm theo đạo Bà la môn, vào tháng 7, lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch). Điều lạ đầu tiên là Lễ rước xiêm y, tức là quần áo để mặc cho vua, nhưng lại gửi ở một tộc người khác trên núi cao. Đó là người Raglai ở tận thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cách 12km. Vì sao lại có chuyện này? Nghệ nhân làm gốm Đàng Thị Phan ở làng Bầu Trúc kể cho tôi biết, đó là một lịch sử dài trong chiến tranh giữa các triều đại, người Chăm phải lang bạt để tránh tai họa. Có thời hàng chục ngàn người Chăm phải chia ra trong cơn tao loạn. Một số chạy sang Cao Miên lánh nạn hay tản mát khắp nơi. Một số lớn bỏ lên núi cao sống với người Chu Ru và Raglai. Họ đem theo các báu vật và của cải nhờ người Gaglai chôn giấu. Hàng trăm năm sau, dù có bình an, người Chăm vẫn không dám đem các báu vật trở về mà vẫn gửi lại người anh em Raglai. Mỗi khi đến lễ hội Ka Tê, người Chăm chỉ nhờ người Raglai mang hộ xiêm y và những đồ cần cho cúng lễ. Xiêm y để mặc cho tượng thần sau khi làm lễ tắm rửa xong xuôi, sau lễ họ lại gửi để cho người Raglai mang lên núi cất giữ hộ cho đến năm sau. Chuyện đó đã thành tục lệ thường niên.
Nhưng có điều, theo thời gian, chính những người Raglai hay Chu Ru cũng không còn nhớ những kho báu đã chôn giấu ở đâu. Người Chăm cũng vậy, sau bao lần tìm kiếm, họ chỉ lấy lại không được bao nhiêu ngoài những đồ quý vàng bạc, ngọc ngà chỉ để dùng cho cúng lễ. Chính vì lẽ đó mà đã xảy ra nhiều câu chuyện ma quái và rùng rợn sau những cuộc săn lùng những kho báu của người Chăm. Đúng là vài ba trăm năm qua, sự huyền bí của những ngôi tháp Chăm cùng những hồn ma trở về cũng không làm chùn bước những kẻ đi đào những ngôi mộ Chăm của những vua chúa để cướp những báu vật chôn theo…
Chuyện ma và những ngôi mộ Chăm
Vào những lúc hoàng hôn, trên đồi Trầu có một không gian kỳ ảo cũng buông xuống, đó là một ám khí quạnh vắng hay âm u khó tả. Nhiều dân ở đây đều nói, cứ đến giờ chiều - sẩm tối là không còn ai dám lên khu tháp nữa vì một linh cảm thiêng liêng nào đó. Không những ở đồi Trầu có tháp Po Klong Garai mà còn ở những đồi khác như tháp Po Rome thôn Hậu Sanh, hay ở Phan Thiết có tháp thờ công chúa Chăm Po Sha Inư… từ lâu người dân thường nhìn thấy những đoàn người Chăm không đầu hiện về. Những cơn gió lạ ùa tới cùng những tiếng kêu than ai oán. Đó là những con ma Hời. Những hồn người Chăm trở về thăm lại người thân và những nơi mà họ đã từng sinh sống. Nhiều người còn nói là những hồn ma Hời hiện về đi tìm lại kho báu của mình lưu lạc từ khắp nơi.
Đó là những điều bí ẩn chung quanh vương quốc của Chăm hùng cứ một phương trời kéo dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Tôi sực nhớ nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ Chăm đầy ám ảnh trong tập thơ Điêu tàn, từ khi mới 17 tuổi:
“Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn.
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy”
Hay trong bài Đầu rơi, cố thi sĩ cũng đã làm choáng váng bạn đọc một thuở qua những khổ thơ nói về đất Chiêm Thành:
“Hãy trả lại đầu cho thi thể.
Và hãy chôn trong cùng đáy mồ sâu.
Đừng có để những đêm mờ vắng vẻ.
Phải dội vang tiếng khóc quỷ không đầu!”.
Vậy đó, chuyện ma Hời đã có từ xa xưa bởi sự suy tàn của một vương quốc Chăm Pa mà hình ảnh của nó còn đọng lại với thời gian, qua những khu tháp Chăm hoang hoải trong rừng sâu, núi vắng. Và câu chuyện nhà thơ Hàn Mặc Tử mắc căn bệnh hủi từ một chuyến đi lên đồi tháp Po Sha Inư, khi dính phải hồn ma hiện về trên những nấm mộ đất Chăm đã làm cho bao người phải rùng mình mỗi khi chiều về trên đồi tháp. Cho đến nay, chuyện ma Hời trên những đồi tháp vẫn còn là nỗi ám ảnh, đã trở thành làn gió buốt không thể vượt qua. Dù rằng trong bài thơ Tháp nắng, nhà thơ người Chăm Inrasara viết năm 1996, với nhiều tâm trạng về quê hương mình nhưng đâu đó vẫn phảng phất sự hoang hoải tàn phai với những câu thơ: “Rồi tôi ngóc đầu dậy. Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ. Như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố. Tôi tìm lại tôi-tìm thấy bóng quê hương”.
Vàng Hời, những cuộc săn lùng vô vọng
Thực ra, những câu chuyện ma Hời được sinh ra với những hình ảnh kinh hãi, tôi nghĩ ngoài những điều thiêng liêng của sự nuối tiếc một thời huy hoàng của đế chế Chăm; nhưng có thể đó còn là một thủ thuật tạo dựng để bảo vệ những kho báu mà những người Chăm muốn gìn giữ, cho dù chúng đang lưu lạc ở nơi nào đó. Ấy vậy mà nhiều kẻ vẫn liều mạng kiếm tìm và đào bới. Đó là những khát vọng làm giàu với bất cứ thủ đoạn nào. Những ngôi mộ cổ có thể có báu vật. Những chân tháp cổ có thể là một kho vàng. Những miếu thờ có thể chứa ngọc ngà châu báu. Không nơi nào mà chúng không động đến. Đêm đêm, chờ cho những hồn ma hiện về, rắn rết cũng hết kiếm ăn, chúng bắt đầu sục sạo. Xưa những cuộc chiến diễn ra cũng chỉ vì những kho báu này. Loạn lạc chia ly, những vàng ngọc của vua Chàm qua mỗi thời kỳ phần lớn nằm ẩn giữa rừng sâu. Chính sự ly tán ấy chỉ vì người Chăm nhờ những người anh em người Chu Ru hay Raglai chôn giấu hộ khắp nơi. Chính vì lẽ đó mà vương triều Chăm trở nên huyền bí. Đặc biệt, họ còn có nhiều vật dụng trang trí được chế tác rất khéo léo bằng vàng, bạc, đồng, ngà, gỗ tạo nên các vật cổ Chăm ít nhất là 300 năm và cổ nhất là 1000 năm. Hơn nữa, người Raglai lại sống rải rác ở 3 huyện như Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước nên các kho báu của người Chăm hiện chôn ở những nơi nào, qua hàng trăm năm không ai còn nhớ. Chính vì thế, cuộc đào bới vô tội vạ của những kẻ tham lam không có điểm dừng.
Trên thực tế, người Raglai chỉ còn lưu giữ hiện nay ở kho tàng Po Klong Garai để tế lễ chỉ có tổng số khoảng gần 200 món đồ cổ, trong đó có một hộp khảm bằng vàng, 84 món đồ bằng bạc, số còn lại bằng đồng, thiếc, gỗ, đồi mồi. Vậy những kho báu của các đời vua Chăm để ở rải rác đâu đó, tạo nên cơn sốt đi tìm kho vàng Hời qua những nấm mộ người chết. Có những người tìm được vàng thật và cũng có người đã mất mạng vì rắn rết cắn chết một cách bí ẩn, nhưng cũng không làm ngăn cản sự ham muốn của con người. Thậm chí có đoàn người còn thuê cả thầy đến cúng và trừ tà ma. Họ tin tưởng khi thầy cúng phán, ăn thua gì mấy con ma Hời này. Hãy đào tất cả các mộ để lấy vàng. Vàng tấn ở dưới đó. Thậm chí thầy còn khẳng định, nếu có chết thì tôi chết trước chớ, có gì đâu mà lo. Nào hãy đào mộ lấy vàng… Riêng các bô lão ở trong làng thì hết sức lo ngại, cho dù những ngôi mộ ấy đều lâu đời và không còn người trông nom. Con cháu đem vàng về nhưng các cụ đều mất ăn mất ngủ và lo ngay ngáy, biết đâu chỉ một ngày nào đó tai họa sẽ ập đến.
Tháp Po Klong Garai.
Tiếng kèn Saranai
Nỗi lo và niềm vui thường chen lẫn trong những ngày khác nhau, mỗi khi trong nhà nào đó có người mang vàng về. Mỗi lần đó, ở cuối thôn từng có tiếng kèn Saranai cất lên, một người Chăm kể lại khi tôi đang tham quan bảo tàng Chăm ở chân đồi Trầu. Anh là Đàng Năng Tự. Vàng đó là vàng Hời, nó có hồn ma nhập vào nên sờ vào nó buốt cả đầu ngón tay. Để cúng thoát cái ám khi hồn ma, tiếng kèn Saranai nghe thảm lắm, ai oán xen lẫn giận hờn. Trong nhà có người ốm quanh năm. Vàng Hời còn ở trong nhà là người cứ suy vi bải hoải không còn làm ăn gì được. Khi ấy, tiếng các già làng kêu than, thất đức, thất đức. Động trời. Thật động trời. Cả cái làng này, xưa giờ ăn ở hiền lành sao mà sinh ra cái đám đi phá mồ, phá mả người ta như thế này…Và tiếng kèn Saranai nhói lên như một tiếng kêu than và xin ân xá cho con cháu đã phạm tội vì lòng tham. Những ông già Chăm mặc quần áo trắng gày gò còng lưng trên sa mạc cát đầy nắng vàng. Họ lên tháp trên đồi Trầu để cầu xin thánh Po Klong Garai tha thứ và cầu cho làng mình được bình an.
Vương Tâm