Trong thời gian qua, báo Sức khỏe & Đời sống nhận được thông tin phản ánh việc có một số sinh viên Việt Nam du học y khoa tự túc ở Trung Quốc về nước đã gặp khó khăn trong kỳ thi tuyển công chức. Vậy thực tế của vấn đề này là gì, những khó khăn trên có nguyên nhân từ đâu, chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này. Việc thi tuyển vào các cơ sở y tế đối với bác sĩ phải tuân thủ quy định ngạch công chức bác sĩ.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS. Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và đào tạo, Bộ Y tế cho biết, việc đi du học nước ngoài là nhu cầu của mỗi cá nhân, bên cạnh đó việc đi đào tạo nước ngoài là hoàn toàn cần thiết, nhất là các du học sinh được đào tạo tại Trung Quốc, nơi có nền y học cổ truyền tiên tiến. Tuy nhiên, theo GS.TS. Trương Việt Dũng, người học ngành y được Bộ Giáo dục & Đào tạo cử đi không nhiều, hiện nay chủ yếu là học sinh du học tự túc. Sinh viên được Bộ GD&ĐT cử đi học ở nước ngoài phải là học sinh xuất sắc, có điểm thi đỗ đầu vào cao và phải học ngoại ngữ trong nước một năm trước khi sang học. Trong khi đó, một số du học sinh tự túc chất lượng đầu vào thấp hơn, thậm chí một số em không đậu đại học trong nước nên chuyển sang du học tự túc. Chính vì đầu vào thấp nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Ngày 28/10, theo thông tin từ một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, năm 2008, trong kỳ thi tuyển công chức của đơn vị này, có 11 thí sinh là sinh viên học y tại Trung Quốc tham gia thi nhưng chỉ có 1 trường hợp trúng tuyển (người này đã từng tốt nghiệp một trường ĐH của Việt Nam). |
Ông Phạm Văn Tác, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết thêm, việc thi tuyển vào các cơ sở y tế đối với bác sĩ phải tuân thủ quy định ngạch công chức bác sĩ. Theo Quyết định số 415/TCCP-VC của Bộ trưởng - Trưởng ban Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ quy định về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức ngành y tế trong đó quy định rõ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch bác sĩ là phải tốt nghiệp đại học y, hết thời gian tập sự, đạt tiêu chuẩn như: Xử trí các trường hợp cấp cứu thông thường, phát hiện kịp thời các bệnh quá khả năng điều trị để gửi đi điều trị tuyến trên hoặc theo từng lĩnh vực chuyên khoa; Khám chẩn đoán, điều trị nội, ngoại trú các bệnh thông thường...
Quyết định cũng nêu rõ: Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch trên là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nâng bậc lương và chuyển ngạch cho công chức ngành y tế theo quy định của nhà nước.
Ông Tác cũng nhấn mạnh: "Công việc của người bác sĩ rất đặc thù vì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nên việc các cơ sở đào tạo cũng như cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ các quy định ngặt nghèo trong thi tuyển đầu vào cũng như tuyển dụng là nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong công tác khám chữa bệnh. Bởi vì trong công tác chuyên môn, nếu người bác sĩ không được đào tạo cơ bản, khi xảy ra những rủi ro liên quan đến tính mạng người bệnh thì chính cơ sở tuyển dụng và người được tuyển dụng sẽ chịu trách nhiệm trước hết với cơ quan chức năng về việc bằng đào tạo đó là bằng bác sĩ hay là bằng gì khác? Có đủ điều kiện để khám chữa bệnh...?
Chính vì thế, theo ông Tác, các cơ sở y tế cần có hội đồng thẩm định trong quá trình tuyển dụng, các trường hợp có bằng đại học nhưng không phải ngạch bác sĩ thì có thể tuyển dụng và bố trí vào các công việc phù hợp với trình độ văn bằng...
Nghề y là nghề đặc biệt phải có sự đào tạo và tuyển lựa kỹ càng. |
Thi lấy bằng tư cách bác sĩ phải thực tập tròn 1 năm tại các cơ sở điều trị
Liên quan đến những thông tin về việc một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nội dung liên quan đến việc tuyển dụng những học sinh được đào tạo ngành y tại Trung Quốc trở về Việt Nam sau khi ra trường, ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Công văn số 7416/BYT-TCCB gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo TW, Bộ GD&ĐT. Công văn của Bộ Y tế cho biết, ngày 2/6/2009, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã có Công văn số 3445/BYT-TCCB gửi Bệnh viện Y học cổ truyền TW và ngày 3/9/2009 có Công văn số 5973/BYT-TCCB gửi Bệnh viện Mắt TW trả lời về việc tuyển dụng của 2 đơn vị trực thuộc này. Trong đó có nội dung tạm thời chưa để các đối tượng học ngành y tại Trung Quốc dự tuyển vào các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế trong khi chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Đây là những công văn trao đổi cấp Vụ - Viện.
Để làm rõ về việc hành nghề của các sinh viên đào tạo về y dược ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam hỏi về các vấn đề liên quan. Ngày 15/10/2009, Đại sứ quán Trung Quốc đã trả lời là: Sau khi tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành y khoa, sinh viên được công nhận học vị cử nhân y khoa. Căn cứ theo "Luật bác sĩ hành nghề nước CHND Trung Hoa" và các quy định liên quan, những người có một trong những điều kiện sau, có thể tham gia thi lấy bằng tư cách bác sĩ: Có trình độ từ đại học chính quy chuyên ngành y khoa trở lên, thực tập tròn 1 năm tại các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ hành nghề; Sau khi có bằng hành nghề của bác sĩ trợ lý, có trình độ chuyên khoa tại các trường đại học y, đã công tác tròn 2 năm tại các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe; có trình độ chuyên khoa y khoa tại các trường trung cấp y, công tác tròn 5 năm tại các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe; Có trình độ chuyên khoa tại các trường đại học y hoặc chuyên khoa tại các trường trung cấp y đã thực tập tròn 1 năm tại các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe dưới sự chỉ đạo của các bác sĩ, có thể tham gia thi tư cách bác sĩ trợ lý hành nghề. Người học y học cổ truyền theo hình thức một thầy một trò tròn 3 năm hoặc có sở trường và kinh nghiệm thực tiễn công tác nhiều năm, được tổ chức y học cổ truyền do cơ quan hành chính y tế cấp huyện trở lên xác định hoặc các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe sát hạch tiêu chuẩn và giới thiệu, có thể tham gia thi tư cách bác sĩ hành nghề hoặc tư cách bác sĩ trợ lý hành nghề.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thống nhất với các cơ quan hữu quan và có hướng dẫn chính thức về việc bồi dưỡng kiến thức và tuyển dụng đối với các sinh viên y dược tốt nghiệp tại nước ngoài, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi cho các sinh viên nói trên theo quy định hiện hành, đồng thời phải bảo đảm chất lượng đào tạo vì ngành y là ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm trước tính mạng của con người.
Nguyễn Hoàng