Băng bó thường dùng trong sơ cấp cứu chấn thương nhằm mục đích: cầm máu, bảo vệ, che chở vết thương tránh cọ xát va chạm. Chống nhiễm khuẩn thứ phát, thấm hút dịch, máu, phối hợp với nẹp để cố định xương gãy tạm thời (nếu có biểu hiện gãy xương). Chính vì vậy, băng bó vết thương là biện pháp quan trọng cứu tính mạng nạn nhân và hạn chế biến chứng về sau.
Trước hết khi gặp người bị nạn có vết thương chảy máu ra ngoài, cần phải bình tĩnh, có biện pháp xử trí nhanh chóng và thích hợp.
Khi băng vết thương, phải rất bình tĩnh và quan sát kỹ để băng đúng chỗ bị thương.
Nhận biết tính chất chảy máu
Đối với vết thương chảy máu, tùy từng trường hợp cụ thể mà có cách sơ cứu đúng. Từ cách đánh giá tình hình và tính chảy máu sẽ quyết định biện pháp cầm máu cần thiết. Căn cứ vào mạch máu bị tổn thương, người ta chia thành 3 loại chảy máu: Nếu lượng máu chảy ít, vết thương tự cầm máu sau một thời gian ngắn, chừng vài phút, như trong các trường hợp bị trầy, xước tay chân thì gọi là chảy máu mao mạch. Nếu máu chảy màu đỏ sẫm, không thành tia, lai láng thì gọi là chảy máu tĩnh mạch.
Nếu máu chảy màu đỏ tươi, phun thành tia (theo nhịp tim) hoặc trào qua miệng vết thương ra ngoài như mạch nước ùn từ đáy giếng lên thì gọi là chảy máu động mạch. Trong đó, quan trọng nhất là phải xử trí nhanh chóng các trường hợp có tổn thương động mạch, đặc biệt là động mạch lớn.
Nguyên tắc khi băng bó vết thương
Đối với người sơ cứu cần thực hiện đúng nguyên tắc là băng kín và không bỏ sót vết thương. Các vết thương cần được băng bó ngay để khỏi bị ô nhiễm thêm. Việc này cũng giúp cầm máu và giảm đau đớn cho nạn nhân trong quá trình vận chuyển.
Đảm bảo sát khuẩn vết thương sạch sẽ, vô khuẩn triệt để vật liệu, tay người cấp cứu, dụng cụ; che kín vết thương ngăn ngừa nhiễm khuẩn... Người sơ cứu cần nắm vững các nguyên tắc dưới đây khi băng bó:
Băng đúng và kín vết thương: Khi băng vết thương phải rất bình tĩnh và quan sát kỹ để băng đúng chỗ bị thương. Tránh băng ngoài quần áo. Có khi băng vào chỗ ướt đẫm máu nhưng thực ra lại ở dưới vết thương. Không làm bẩn vết thương khi băng, vì vậy, tuyệt đối không dùng tay sờ vào vết thương, không dùng bất cứ vật gì bẩn để đắp, phủ lên mặt vết thương, gây ô nhiễm thêm.
Băng đủ chặt: Không được băng lỏng vì quá trình vận chuyển sẽ làm cho băng xộc xệch, tuột. Phải băng tương đối chặt, vừa để bảo vệ vết thương, vừa có tác dụng cầm máu. Nhưng cũng không băng quá chặt vì sẽ làm cản trở máu lưu thông.
Một số cách cầm máu tạm thời
Cầm máu tạm thời nhanh và tốt nhất - một cấp cứu rất quan trọng và cần thiết để cứu sống tính mạng và hạn chế những biến chứng và di chứng sau này. Sau đây là một số cách cầm máu tạm thời.
Nếu vết thương không có tổn thương mạch máu lớn thì có thể sử dụng băng ép: Băng các vòng băng xiết tương đối chặt, đè ép mạch vào các bộ phận bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cục để cầm máu.
Cách làm băng ép: Đặt một lớp gạc, bông hút phủ kín vết thương. Đặt lớp bông mỡ dày trên lớp bông gạc. Băng theo kiểu vòng xoắn hoặc số 8, các vòng băng xiết tương đối chặt. Phương pháp này áp dụng cho mọi loại vết thương.
Nếu vết thương chảy máu động mạch ở sâu hoặc những vùng đặc biệt của cơ thể (như vùng cổ, vùng chậu) mà băng ép thông thường không phát huy được tác dụng cầm máu thì phải sử dụng băng nút. Đây là cách băng ép có dùng thêm bấc gạc để nhét nút vào vết thương. Nhét nút càng chặt thì sức ép càng tăng và tác dụng cầm máu càng tốt. Tuy nhiên, khi băng nút ta có thể đưa cả dị vật và các mô dập nát vào sâu, gây ô nhiễm vết thương. Do đó, chỉ nên băng nút khi băng ép không hiệu quả và không thể áp dụng được các phương pháp cầm máu khác.
Nếu vết thương có chảy máu động mạch vừa hoặc lớn thì cần sử dụng phương pháp ấn động mạch. Đây là động tác dùng ngón tay đè chặt vào động mạch trên đường đi của động mạch từ tim đến vết thương nhằm làm động mạch bị ép chặt giữa ngón tay và nền xương. Phương pháp này có nhược điểm là không giữ lâu được vì người ấn nhanh chóng bị mỏi tay. Do đó, đây là động tác xử trí đầu tiên đối với một vết thương có chảy máu động mạch vừa hoặc lớn. Sau đó, phải sử dụng các biện pháp lâu bền hơn để đảm bảo cầm máu và chuyển nạn nhân về tuyến sau.
Ngoài ra, nếu vết thương ở các chi có thể sử dụng phương pháp gấp chi tối đa. Đây là biện pháp cầm máu đơn giản, rất tốt mà mỗi người có thể tự làm ngay sau khi bị thương để cầm máu. Khi chi thể gấp tối đa, các động mạch bị gấp và đè ép bởi các khối cơ bao quanh, có thể làm máu ngưng chảy.
Sau khi cầm máu tạm thời cho nạn nhân, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp và kịp thời.
BS. Nguyễn Thanh Hương