Nghe cụm từ “thuốc gia truyền”, hầu như ai cũng nghĩ rằng đây là loại thuốc do gia đình sáng chế và được giữ kín trong gia đình, dòng họ qua nhiều thế hệ, đặc biệt thương hiệu thuốc gia truyền thường hay là các sản phẩm nổi tiếng trong lĩnh vực Đông y. Đối với các thuốc Tây y, người ta hay dùng ký hiệu ®, viết tắt của từ “Registered” trong tiếng Anh, nghĩa là đã đăng ký (thường là trên trường quốc tế), không ai được sử dụng tên đó nữa, không ai được sử dụng các công thức đã pha chế ra thuốc này nữa. Như vậy có nghĩa là độc quyền, ngoài ra còn có hàm ý đây là thuốc hay, thuốc quý hiếm, hãy mua đi, hãy dùng đi!
Bàn về vấn đề này, trong thực tế hiện nay có không ít doanh nhân tự phong cho mình cái tên “thuốc gia truyền” để dễ câu khách, còn thực ra có ai nhận xét và đánh giá đâu! Chẳng hạn như thuốc ho bà lang Trọc, thuốc cam Vòng (thuốc cam của làng Vòng), thuốc chữa sốt rét Phúc Đình (có một gói thuốc bột quinin kèm theo)... Đối với các thầy lang, không qua trường lớp nào cũng tự phong là ông lang... chữa bệnh chó dại, ông lang... chữa gãy xương..., “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Thật là đáng sợ!
Để thu hút nhiều người bệnh, một số thầy lang vườn hay quảng cáo mình có “thần dược”.
Nếu thuốc gia truyền có hiệu quả, “hữu xạ tự nhiên hương” thì chẳng phải tuyên truyền vận động làm gì, người ốm đau sẽ xa gần tìm đến, theo sự mách bảo của những người tin tưởng đã từng sử dụng trong thiên hạ. Thế nhưng, xót xa thay, trong thực tế có không ít những lời đồn thổi sai thường được tô vẽ, phóng đại, khiến cho những người nhẹ dạ, hay những người “mắc bệnh thì vái tứ phương” (những người mắc bệnh nan y) vẫn qua sông qua núi, dù khó khăn tốn kém đến đâu cũng tìm đến, để gặp cho kỳ được thầy “giỏi”, kiếm được thuốc “tiên” mong khỏi bệnh.
Mới đây, tôi nghe nói tất cả các thầy thuốc sẽ phải có chứng chỉ hành nghề mới được khám chữa bệnh. Thật là điều rất đáng vui mừng, vì như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đối với những người không có bằng cấp về y tế thì không bao giờ được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Nếu thế, chúng ta sẽ triệt tiêu được những cảnh vô nhân đạo của người giả danh là thần thánh, chữa bách bệnh bằng những phương pháp cực kỳ quái gở và nguy hiểm như đánh đau người bệnh để đuổi ma tà ám khí, cho uống nước sông để lấy lộc của hà bá...
Đối với những bài thuốc gọi là gia truyền mà trong gia đình, trong họ hàng không có ai biết chút nào về nghề y, nghề dược thì làm sao mà tránh được những nguy hiểm khó lường, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí giết người. Vậy tuyệt nhiên những người không có chứng chỉ thì không được hành nghề bán thuốc. Quy định đã rạch ròi như vậy thì thiết nghĩ một cán bộ xã cũng có quyền bắt giữ “phạm nhân” một cách đơn giản và hợp pháp rồi chuyển cho người có thẩm quyền giải quyết.
Những bài thuốc hay, chẳng cứ phải là gia truyền cũng rất đáng trân trọng. Nhưng để mang lại hiệu quả và có độ an toàn cao thì các bài thuốc đó cần phải được xác minh một cách khoa học. Đông y chưa có thói quen như Tây y, đó là phải trải qua các quá trình thử nghiệm trên súc vật, sau đó là theo dõi các xét nghiệm kiểm tra độc tính, tác dụng phụ, tương tác với các thuốc khác... Kết luận lại, phải thật an toàn mới được đem sử dụng trên người. Tuy nhiên, trong thực tế, thuốc Tây y dù được sản xuất trong dây chuyền với kỹ nghệ hiện đại, sản phẩm được kiểm nghiệm nhiều lần cẩn thận nhưng đến khi đem vào sử dụng vẫn có không ít thuốc để xảy ra những tác dụng phụ, tai biến đau lòng vào những năm tháng về sau. Thí dụ, thalidomid là thứ thuốc an thần nổi tiếng, nhiều phụ nữ có thai đã dùng và phải mấy chục năm sau mới thấy nó là thủ phạm gây ra các dị tật thai nhi. DES (viết tắt của diethyl stilbestrol) là một loại estrogen giữ thai tốt cho những người sẩy thai nhưng liên tiếp về sau người ta mới biết nó chính là thủ phạm gây cho thai gái đến tuổi dậy thì bị quá sản tuyến cổ tử cung, lan rộng ra cả thành âm đạo, nếu không giải quyết sớm sẽ bị biến chứng thành ung thư âm đạo. Gần đây, mediator là thuốc nổi tiếng của Pháp về điều trị bệnh đái tháo đường týp 2 đã bị thu hồi vì gây hại cho tim, thuốc tránh thai yaz và yasmin có tác hại gây tắc tĩnh mạch, có thể dẫn tới tử vong, miacalcic là thuốc chữa loãng xương nếu dùng tiêm kéo dài có thể dẫn đến ung thư, loại miacalcic xịt mũi hiện đang bị thu hồi...
Cho tới nay, thuốc Đông y chưa có thói quen thực nghiệm trên súc vật như Tây y, mà dùng thẳng trên người, lại không có những công trình nghiên cứu lâu dài để phát hiện những tai biến muộn, nên lại càng phải thận trọng nhiều hơn nữa! Bên cạnh đó, những bài thuốc gia truyền thường không bao giờ được đăng tải những bất cập trên báo chí. Và những người khỏi bệnh hay không khỏi bệnh cũng ít có ai trở lại báo cho thầy lang biết tình hình... Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cũng cần phải thực hiện như Tây y, hay ít nhất cũng nên dựa vào đông đảo nhân dân phát hiện những tác dụng xấu, những tai biến bất thường của người dùng thuốc gia truyền và thông báo cho các cơ quan y tế, các thầy cô giáo có tín nhiệm được phân công, ủy nhiệm... Chúng ta hy vọng sẽ cập nhật được nhanh chóng hơn là đợi có những bài báo chuyên môn công phu để đọc.
Tóm lại, chúng ta phải có một mạng lưới y tế rộng khắp, nhờ cậy vào sự giúp đỡ nhiệt tình và rộng rãi của toàn dân trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện để loại trừ những bài thuốc rởm, những thầy thuốc giả danh trong xã hội.
Ngoài ra thiết nghĩ, những ai có bài thuốc hay, dù là gia truyền hay không đều có thể hiến cho Nhà nước hoặc cùng với Nhà nước chung sức, đồng lòng hoàn thiện các bài thuốc đó để góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thì quý hóa biết bao!
GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu