Và đã có không ít người vẫn còn nuối tiếc, muốn xem nhiều hơn những diễn tiến tiếp theo của câu chuyện trong phim, cũng như xem thêm nhiều bộ phim về đề tài gia đình thời hiện đại.
Không phải đề tài, vấn đề là cách khai thác
Có thế nói mảng đề tài - chủ đề gia đình trong quãng 10 năm trở lại đây đã được các nhà sản xuất và các nghệ sĩ biên kịch, đạo diễn, diễn viên quan tâm khai thác thường xuyên, đều đặn. Chẳng hạn như các phim: Gạo nếp gạo tẻ (2018), Sống chung với mẹ chồng (2017), Hôn nhân trong ngõ hẹp (2016), Sóng ngầm (2015), Bánh đúc có xương (2014),... Vì thế, phim Về nhà đi con (2019) cũng không có gì mới về đề tài - chủ đề, nhưng nó vẫn tạo ra được một sức hút nhất định đối với công chúng màn ảnh nhỏ, khiến có người còn gọi vui nó là bộ phim quốc dân.
Nhìn chung các nhà làm phim từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây ở tất cả mọi thể tài, chủ đề đều tìm mọi cách có thể để hút khán giả đến với tác phẩm nghệ thuật của mình. Có người tìm cách hút khách ở đề tài, chủ đề mới lạ, mà trước đấy chưa ai từng đề cập tới hay ở dàn diễn viên trẻ trung, gợi cảm và hiện đại hoặc là ở những cảnh quay hành động thông qua kỹ xảo đầy dũng mãnh mà biến ảo khôn lường. Cũng có người giở chiêu ở những cảnh nóng úp mở đánh vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người xem, nhất là giới trẻ hoặc ở các cảnh quay ngoại phóng khoáng, nhưng không kém phần nuột nà, tinh tế và sang trọng,...
Tuy nhiên dù bằng cách nào để kéo khán giả đến với tác phẩm của mình đi chăng nữa, chắc chắn cũng sẽ kém bền vững, nếu như không biết cách khai thác triệt để những điểm mạnh, điểm yếu của đề tài, chủ đề và sử dụng một cách hợp lý những thứ mà nhà làm phim và đạo diễn đang có trong tay về con người, điều kiện tự nhiên ngoại cảnh và trang thiết bị kỹ thuật... để phục vụ một cách có hiệu quả nhất ý đồ nghệ thuật mà tác phẩm cần hướng tới. Chẳng hạn như chuyện về các bà mẹ đơn thân kiểu như bà Hạnh hay các ông bố đơn thân, gà trống nuôi con như ông Sơn, Quốc hoặc là mối tình tay ba, tay tư giữa hai chị em Huệ, Ánh Dương với bố con ông Quốc và Bảo hoặc Thư, Nhã với Vũ,... không có gì là mới về khía cạnh hiện tượng xã hội kể từ thời mở cửa nền kinh tế, từ hơn 30 năm về trước đến nay.
Thậm chí vì trót dính bầu với nhau trong một lần cả hai đều quá chén cũng là chuyện không có gì là quá hiếm hoi. Dù không yêu nhau, nhưng dưới sức ép của gia đình bố mẹ, nên Vũ đã bàn với Thư đi đến thỏa thuận ký một bản hợp đồng hôn nhân với trị giá 3 tỷ đồng trong vòng 2 năm cho đến lúc sau khi sinh con được một năm, Thư bàn giao đứa bé ấy cho Vũ rồi nhận 3 tỷ đồng và cô trở thành người hoàn toàn tự do, cũng không phải là hiện tượng quá bất ngờ trong xã hội hiện đại, nhất là đối với các đại gia, thiếu gia con nhà giàu ở các đô thị lớn hiện nay như Vũ.
Rắc rối những mối tình éo le, nhưng có thật
Trong Về nhà đi con có khá nhiều mối quan hệ tình cảm khác nhau. Các mối quan hệ ấy rất phức tạp, nhiều màu sắc và cũng vì thế, chúng đều có số phận riêng, không bao giờ giẫm chân lên nhau. Trước hết cần kể đến mối quan hệ Khải (Trọng Hùng) - Huệ (Thu Quỳnh) - Quốc (MC Tuấn Tú). Một người ra dáng chị cả, dịu dàng, chỉn chu, thương bố, thương các em vì mẹ mất sớm như Huệ không thể nào chấp nhận sống chung với một gã chồng lúc nào cũng nát rượu và hung bạo như Khải. Cuối cùng hai người đã phải chia tay. Thế rồi, đùng một cái Huệ rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Sếp của công ty nơi Huệ đang làm việc (Quốc), có vợ bỏ chồng con ở nhà đi xuất khẩu lao động nước ngoài, những tưởng Hai người sống cảnh cô đơn/ Chắc nàng cũng có nỗi buồn như tôi (Nguyễn Bính) dễ dẫn đến cảnh ngã vào nhau. Cuối cùng để khỏi bị liên lụy và mọi người hiểu nhầm, Huệ đã quyết định làm đơn xin thôi việc ở công ty này.
Với 4 người: Quốc - Bảo, Huệ - Dương đã tạo nên 5 mối quan hệ chồng chéo lẫn nhau. Các quan hệ Huệ - Dương là hai chị em ruột, Quốc - Bảo là bố con. Còn lại các quan hệ khác đều là tình cảm, yêu đương, lãng mạn có, mà chát chúa cũng có. Dương và Quốc lúc đầu là quan hệ chú cháu. Bởi lẽ Quốc là bố Bảo, bạn trai của Dương. Thế rồi, Dương đơn phương tỏ tình với Quốc và Bảo cũng đơn phương tỏ tình với Dương. Trong khi đó, Quốc lại đơn phương tỏ tình với Huệ.
Có thể nói, chỉ cần một trong ba mối quan hệ yêu đương kia trở thành hiện thực, dẫn đến hôn nhân, tức là có một cặp đôi chính thức yêu nhau và lấy nhau, thì không chỉ có các cặp đôi còn lại sẽ bị tổn thương rất nặng nề về khía cạnh tâm lý và tình cảm, mà nguy cơ các mối quan hệ huyết thống cũng sẽ bị đảo lộn làm rối tung rối mù lên, chẳng biết đâu mà lần và xác suất lập lại trật tự của các mối quan hệ cũ là rất thấp. Đấy là một khi Bảo phải cắn răng chịu đựng cảnh bố mình hớt tay trên người yêu của mình mà bấy lâu nay cu cậu hằng theo đuổi. Và Dương cũng vậy, đành phải ngậm bồ hòn khen ngọt mà nhường xuất người yêu cho chị Huệ mình là “chú” Quốc, người mà Dương từng đơn phương tỏ tình.
Chỉ có quan hệ giữa bố con Quốc - Bảo với Dương mới thật sự trở nên rắc rối và khó xử. Nếu yêu và lấy ông Quốc thì Dương từ bạn gái của Bảo đương nhiên trở thành mẹ kế của cậu ta. Điều ấy, liệu Bảo có chấp nhận được không và cậu ta sẽ xử sự ra sao mối quan hệ ấy. Nếu để ông Quốc cương quyết cự tuyệt tình cảm với Dương và để Dương đến với Bảo, thì chuyện chả có gì đáng nói. Hay đúng hơn cái đáng nói nhất là khả năng xử lý tình huống như vậy của đạo diễn là quá non tay, khiến người xem thở phào vì thất vọng. Còn nếu, cứ để cho quan hệ giữa ông Quốc - Dương - Bảo treo lơ lửng như thế cho đến khi kết thúc phim mới là cách xử lý tình huống cao tay của đạo diễn.
Tóm lại, nếu biết xử lý tình huống một cách thông minh và mạnh bạo ở những nút thắt của sự vận động tâm lý, tình cảm giữa các mối liên hệ của các nhân vật, cái cốt lõi làm nên sự vận động của câu truyện, chắc chắn sẽ đem lại sức hút đáng kể đối với người xem, dù đấy là đề tài - chủ đề không mới. Phải chăng đây là hướng đi đúng và có hiệu quả mà mảng phim về đề tài gia đình cần quan tâm khai thác nhiều hơn nữa để phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng đối với môn nghệ thuật thứ Bảy này.