Bàn về không gian tượng đài Hà Nội

30-06-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhiều người kêu tượng đài Hà Nội chưa phong phú và đa dạng. Lại có người chê lịch sử tượng đài chưa xứng tầm với một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nhiều người kêu tượng đài Hà Nội chưa phong phú và đa dạng. Lại có người chê lịch sử tượng đài chưa xứng tầm với một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng vẫn có người khen những biểu tượng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, tuy khiêm tốn nhưng có chiều sâu lịch sử, ghi dấu được một tiến trình phát triển của Thủ đô trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và dựng xây, ngày một đàng hoàng to đẹp hơn. Tuy nhiên, về mặt nào đó, cũng cần phải thấy rõ những biểu tượng mang tính quảng trường và đạt được tiêu chí văn hóa cộng đồng thì tượng đài của Hà Nội còn nhiều chuyện phải bàn. Bởi lẽ bao giờ chúng cũng gắn liền với một không gian kiến trúc, mà trong nhiều dự án xây dựng, các nhà hoạch định vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng.

Từ chuyện thiếu không gian

Nói đến không gian dựng tượng đài, có một kinh nghiệm từ những năm gần cuối thế kỷ 19 cần phải khảo sát, đó là bức tượng Bà đầm xòe bằng đồng cao 2,85m - một bản sao của tượng Nữ thần Tự do của Mỹ, đã từng được chính quyền thực dân Pháp đặt ở Hà Nội từ năm 1887, tại chính nơi đặt tượng Lý Thái Tổ hiện nay. Tất nhiên bức tượng đó không hề tiêu biểu cho Hà Nội, nhưng đó là một bức tượng khá lớn đầu tiên mà ta cần quan tâm vị trí và không gian đặt tượng cho một thành phố.

Đến năm 1890, bức tượng bị bứng đi, đặt trên nóc Tháp Rùa. 6 năm sau, thấy có vẻ không hợp lý về cảnh quan, chính là không gian cho tượng đài, “Bà đầm xòe” lại được chuyển ra vườn hoa Cửa Nam, tồn tại ở đây đến 48 năm, sau đó bị chính quyền cách mạng giật đổ (vào ngày 1/8/1945). Nói gì thì nói, về lịch sử tượng đài Hà Nội, đó là bức tượng lớn đầu tiên, tồn tại hơn nửa thế kỷ, đánh dấu một hình ảnh về cuộc kiếm tìm không gian cho tượng đài mà bao lâu nay ta còn lúng túng.

Bàn về không gian tượng đài Hà Nội 1
 Tượng đài Lê Nin là một mẫu mực về bố cục tượng đài Hà Nội.

Sau khi chính quyền cách mạng đã giật đổ bức tượng mang tính ngự trị của chính quyền thực dân trong một thời gian dài,  toàn bộ chất liệu đồng của bức tượng đã được các nghệ nhân làng đúc đồng Ngũ Xã thu về cho vào lò, nung chảy cùng với số lượng đồng quyên góp được để đúc một bức tượng phật A Di Đà nặng tới 16 tấn. Hiện bức tượng này vẫn ngự trị tại chùa làng Ngũ Xã, đó cũng là một bức tượng đồng lớn nhất của Hà Nội vào thời điểm đó, đồng thời cũng là thời kỳ mở đầu cho công cuộc dựng tượng lớn để bày tại những không gian thích hợp.

Chính vì lẽ đó, các tác giả đã phải mất nhiều công sức tìm cho được một không gian thỏa đáng cho tượng của mình, trong đó có không ít người đã thành công. Trước hết, đó là cụm tượng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” của tác giả Phạm Kim Giao ở cạnh đền Bà Kiệu. Phải nói bức tượng này đã biết tự chọn một không gian đẹp, tạo được sự giao cảm của cộng đồng với tần suất cao hơn những bức tượng cùng đề tài được đặt ở chợ Đồng Xuân, hay ở vườn hoa Hàng Đậu, hoặc bức tượng về đề tài Công nông binh ở Cung Hữu nghị Việt Xô (HNVX). Đặc biệt, cụm tượng ở Cung HNVX thì dường như bị rơi vào quên lãng bởi không chọn được một không gian thích hợp nên mặc dù tuổi thọ của nó khá cao, nhưng không mấy người biết đến cho dù hàng ngày họ vẫn đi qua mà không hề nhìn thấy.

Sau này, rút kinh nghiệm qua những không gian chật hẹp và nhỏ bé đối với các bức tượng Lý Tự Trọng ở vườn hoa Thanh Niên hay tượng Nguyễn Văn Trỗi ở công viên Thống Nhất, hoặc tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi và nhất là tượng đài Quang Trung tại gò Đống Đa thì các nhà quản lý Hà Nội đã chú ý rất nhiều đến không gian cho tượng đài tiêu biểu như tượng đài Chiến sĩ trên đồi cao ở Sóc Sơn; tượng Lê Nin ở công viên Lê Nin; tượng Nguyễn Trãi ở vườn hoa Hà Đông; tượng Bác Hồ và Bác Tôn ở công viên Thống Nhất và đặc biệt là tượng đồng Lý Thái Tổ cao hơn 10m tại vườn hoa Chí Linh. Đây là một quá trình tìm tòi và không ít cam go khi xác định cho được một không gian có sức hội tụ và soi rạng được ý tưởng lịch sử và văn hóa cộng đồng của tượng đài.

Riêng tượng Lê Nin là một điển hình về sự thành công cho việc hòa nhập với không gian bốn mặt khi được chọn vị trí như hiện nay. Tuy bức tượng khá gần Cột cờ Hà Nội, một biểu tượng rất lớn của Thủ đô, nhưng vẫn không bị chi phối và ảnh hưởng tới sự quan sát của mọi người. Ở góc độ nào, dáng của bức tượng Lê Nin cũng được hội tụ với tư thế hướng về một tương lai. Hiệu quả ấy chính vì độ cao 7,9m của tượng, lại được đặt lùi vào khoảng gần một nửa chiều rộng của vườn hoa, tạo nên không gian rộng lớn về mọi phía và đúng tầm mắt nhìn của người qua lại. Công trình này tồn tại từ năm 1985 đến nay vẫn là một mẫu mực cho việc nắm bắt nhạy cảm về bố cục tạo được không gian lý tưởng cho một tác phẩm điêu khắc.

Tượng đài lớn thì như vậy, còn những tượng vườn đan xen trong thành phố thì Hà Nội cũng để lại nhiều chuyện khá lộn xộn. Ban đầu, những bức tượng nhỏ được bày trong công viên Thống Nhất được coi như cuộc tập dượt ban đầu từ những năm 80. Chúng có ưu điểm hợp với nét sinh hoạt trong dân sinh, như bức Chị em kéo co, Cô gái đọc sách hay Thiếu nữ tóc dài và Mẹ con... nhưng lại rất yếu về thẩm mỹ và bố cục của một vườn tượng. Thêm nữa, nhiều người vẫn nhớ không khí hồ hởi của các nhà điêu khắc cùng khách dự khi khai trương một vườn tượng ở bên cạnh Tháp Bút, vườn hoa Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm cách đây 1 năm. Thế mà giờ đây, người xem đã trở nên thờ ơ vì những bức tượng ấy không gây ấn tượng gì đặc sắc, hơn nữa  lại “bị” bày san sát, lổn nhổn trong một diện tích rất hẹp. Thành phố cho bày thì cứ bày, chất lượng ra sao thì còn nhiều chuyện phải bàn. Thậm chí, một số tượng đã gãy đổ cũng chẳng có ai quan tâm, đoái hoài, tựa như họ coi đó là những tảng đá... hoang phế!

Sau này, những cụm tượng có sức truyền cảm nghệ thuật cao hơn, được tổ chức ở công viên Bách Thảo thì lại bày đặt nặng nề. Ở đây, nghệ thuật sắp đặt bị loại trừ, dường như nhà tổ chức không quan tâm giá trị của từng tác phẩm độc lập nên để chúng co cụm lại trong một không gian chật hẹp. Vì lẽ đó, ánh sáng của từng tác phẩm không được hắt lên vẻ lấp lánh mà chúng lại triệt tiêu nhau, tạo nên cảm giác khó thở.

Tuy vậy, bức tượng Tình yêu của một điêu khắc gia Trung Quốc và bức tượng Suối tóc lại nổi trội lên bởi được bày cách xa nhau và cách xa những mảng, những khối, xen kẽ cả sắt thép nặng nề. Đối diện với cụm tượng này ở sát bên hồ thì tác phẩm của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị lại có dấu ấn khác biệt và có sức truyền cảm đúng với nghĩa làm giảm “stress” cho tâm lý người xem trước nhịp sống đô thị hiện đại. Hơn nữa, sự giản dị trên cơ sở lắp ghép và biến tấu của 7 modun như 7 nốt nhạc vậy vừa tạo hình nhuần nhị, dễ chịu và có sức ngân nga lãng đãng bên hàng liễu rủ. Như vậy, cái được và chưa được ngay ở những vườn tượng cũng phản ánh khả năng thiết kế không gian cho tượng luôn luôn là vấn đề của các nhà chuyên môn.

Ðến việc cần được đầu tư bài bản

Hà Nội là mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều dấu ấn lịch sử huy hoàng rất cần có những tượng đài để ghi lại những biểu tượng của quá trình phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhưng trong tất cả các bản quy hoạch đô thị hiện đại và nhất là của Hà Nội đều không thấy phần quy hoạch cho tượng đài. Chính sự thiếu hụt về chủ trương này đã dẫn đến việc các nhà chuyên môn điêu khắc giỏi bó tay và không được phát huy. Họ chỉ loay hoay làm ít tượng nhỏ hoặc tham gia làm các vườn tượng lẻ tẻ ở nơi này nơi khác. Ngay cả đến dự án làm vườn tượng ở Công viên Tuổi trẻ ngày nào cũng bị đổ vỡ, sau đó phải chuyển hết về bán cho khu du lịch Tuần Châu. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn và quản lý thì tượng đài của Thủ đô đạt được chất lượng cao rất ít. Lẽ dĩ nhiên các nhà quy hoạch đang có những sự can thiệp vào các dự án kiến trúc và xây dựng khu đô thị để dành lại không gian thích hợp cho những tượng đài phải có theo từng khu vực. Nếu được như vậy, hy vọng những tượng đài trong tương lai sẽ không phải vất vả đi tìm chỗ đứng của mình.      

  Cảnh Linh


Ý kiến của bạn