Truyền thống "xin chữ" đầu xuân năm mới là một trong những phong tục đẹp và đáng quý của người Việt từ xưa đến nay. Xin chữ không chỉ là xin may mắn, tài lộc cho người đi xin, mà còn là dịp thưởng thức tài năng của những người cho chữ. Những chữ này không chỉ thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, mà còn thể hiện mong ước, nguyện vọng của người xin khi bắt đầu bước sang năm mới.
Ngay từ sáng sớm, người dân Hà Nội đã cùng gia đình đi lễ chùa, xin chữ tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Rất đông các bạn trẻ đã đến xin chữ để cầu học hành, thành công, tài lộc vào dịp năm mới.
Mặc dù số lượng người đổ về khá nhiều nhưng không hề lộn xộn, các gian xin chữ dành cho ông đồ cũng được sắp xếp hợp lý để phục vụ số lượng lớn khách.
Nổi bật trong năm nay đó là sự xuất hiện của những "ông đồ trẻ" trổ tài viết chữ hoa, vẽ tranh... Có thể thấy ngày càng nhiều các bạn trẻ quan tâm tới những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, gìn giữ phong tục tập quán ý nghĩa.
Các bạn học sinh, sinh viên tại Hà Nội hào hứng xin chữ và tìm hiểu thêm về tục lệ tốt đẹp, nhân văn này của dân tộc.
Ông đồ trẻ Trường Thịnh khá đắt khách trong 3 ngày Tết. Anh cho biết đã yêu thích và theo đuổi nghệ thuật thư pháp từ khi còn bé, và anh rất vui vì truyền thống tốt đẹp này của dân tộc ngày càng được nhiều người quan tâm, yêu thích và gìn giữ.
Nhiều “ông đồ trẻ” khác cũng góp mặt tại Hồ Văn. Được biết những ông đồ này đã phải trải qua một cuộc thi sát hạch nhằm đảm bảo chất lượng. Qua đó, có thể thấy ngày càng nhiều người trẻ đam mê, tâm huyết với nghệ thuật thư pháp truyền thống.
Ngoài những bức thư pháp được thể hiện trên giấy dó, nhiều gian hàng còn bày bán thêm sản phẩm móc khóa, vòng cổ có khắc những câu chúc Tết được viết bằng chữ thư pháp.