Nam Em bị rối loạn lo âu
Thời gian vừa qua, Nam Em khiến nhiều người chú ý với những phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, cô nàng còn bộc lộ nhiều cảm xúc bất thường ngay trên sóng livestream: "Có những ngày tôi chỉ muốn ngủ, không muốn gặp ai, không muốn làm gì cả. Cảm giác như cả thế giới sụp đổ trước mắt mình", Nam Em chia sẻ trong một video phỏng vấn gần đây.
Tối 28/2, ông Bùi Hữu Cường - bạn trai hiện cũng là quản lý của Nam Em đã đăng tải bài viết thông báo lý do Nam Em vắng mặt trong buổi làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM.
Theo ông Cường, trên đường đến buổi làm việc, Nam Em có dấu hiệu khó thở do dị ứng với thuốc giảm đau. Cô buộc phải nhập viện cấp cứu tại một bệnh viện. Do đó, ông Cường đã đại diện Nam Em lên làm việc với Sở như lịch hẹn.
"Tôi và Nam Em sẽ có buổi làm việc sắp tới trong tuần này, sau đó sẽ có kết quả chính thức từ Sở Thông tin và Truyền thông", ông Cường thông tin.
Ông Cường cũng cho biết sự cố sức khỏe của Nam Em là bất khả kháng, không ai mong muốn.
"Cô ấy bị rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lưỡng cực nên khi tâm lý bất ổn sẽ dẫn đến hành vi và lời nói không đủ chuẩn mực. Vì vậy tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đồng cảm hơn thay vì toxic (công kích, chửi rủa - PV).
Trong thời gian chờ đợi thông tin chính thức từ Sở Thông tin và Truyền thông, tôi hy vọng mọi người không đưa ra những thông tin sai lệch để câu chuyện bị đẩy đi quá xa. Tôi chân thành cảm ơn", ông Cường nói thêm.
Vài năm trước, Nam Em đã từng thú nhận với truyền thông rằng cô bị rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực. Việc cô liên tục livestream với cảm xúc thất thường gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu căn bệnh này đã quay trở lại với Nam Em, hay chỉ là tính cách thất thường muốn gây sự chú ý?
Rối loạn lo âu là gì?
Theo các bác sĩ, lo âu là phản ứng bình thường của các loạn sang chấn tinh thần (stress) và trong một số tình huống lo lắng có thể xảy ra để có được sự quan tâm chú ý cần thiết. Các rối loạn lo âu khác với cảm giác căng thẳng trong đó có sự sợ hãi quá đáng.
Các rối loạn lo âu có thể đẩy người bệnh vào tình trạng cố gắng tránh các tình huống kích hoạt triệu chứng hoặc làm nặng các triệu chứng lo âu. Khi bị các rối loạn lo âu thường dẫn đến kết quả làm việc giảm sút, học hành kém đi cũng như các mối quan hệ bạn bè ít dần.
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lo âu
Cho đến hiện tại, các nhà khoa học chưa có kết luận rõ ràng các nguyên nhân gây ra lo âu, nhưng các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất là:
- Yếu tố môi trường sống (cả gia đình và xã hội): Gặp ở hầu hết các đối tượng. Nhiều người có áp lực riêng, ví như người nội trợ với áp lực đóng góp tiền bạc, áp lực quan hệ gia đình phức tạp, nhân viên với áp lực chỉ tiêu công việc, sinh viên, học sinh áp lực với yêu cầu kết quả học tập từ bản thân gia đình... Đa số các áp lực gây stress trên do môi trường sống nhiều lần hoặc chữa trị chưa hợp lý rất dẫn dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu.
- Yếu tố gen di truyền: Có những bệnh nhân thuộc đối tượng học hành, kiến thức khoa học và kiến thức xã hội cao "cái gì cũng biết" những vẫn có các triệu chứng của một số thể loại trong chẩn đoán rối loạn lo âu kể trên.
- Yếu tố tâm lý: Khá rõ ràng khi một số bệnh nhân có một số thể loại rối loạn lo âu có tiền sử bị cư xử không phù hợp, không tương thích với quá trình phát triển tâm sinh lý như bị lạm dụng, bị ngược đãi hay phải sống trong môi trường không thuận lợi cho phát triển cảm xúc, cho phát triển nhận thức và cho khả năng phát triển hình thành ý tưởng cuộc sống.
Triệu chứng rối loạn lo âu
Triệu chứng chính của rối loạn lo âu là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào loại rối loạn lo âu.
Các triệu chứng thường gặp là: Hoảng loạn, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hay không an toàn; Khó ngủ, sợ hãi, lo lắng cả trong giấc ngủ; Không thể giữ bình tĩnh và đứng yên…
Một số người có biểu hiện lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran tay hoặc chân, khó thở, hoặc thở nhanh hơn bình thường. Tim đập nhanh, khô miệng, buồn nôn, cơ bắp căng thẳng, chóng mặt, giảm khả năng tập trung…
Ám ảnh trong suy nghĩ về một vấn đề nhiều lần, có những hành vi nghi thức, như rửa tay, kiểm tra khóa cửa… quá nhiều lần, khó khăn giữ bình tĩnh hoặc vượt qua cơn lo âu.
Khi nào cần đi khám vì nghi vấn mắc bệnh rối loạn lo âu?
Nhiều người không nghĩ mình mắc bệnh rối loạn lo âu, tuy nhiên nếu một người gặp phải các tình trạng dưới đây cần đi khám sớm:
- Cảm thấy lo lắng quá nhiều và nó ảnh hưởng tới công việc, các mối quan hệ và các phần khác của cuộc sống.
- Sự sợ hãi, lo âu khiến cảm thấy buồn phiền và khó để kiểm soát chúng.
- Cảm thấy chán nản, sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích hoặc có các rối loạn tâm thần khác đi kèm với chứng lo âu.
Ngoài ra, nếu nghĩ chứng lo âu của mình có liên quan tới một bệnh nền khác như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, xương khớp… Hoặc có suy nghĩ hoặc hành vi tự tử… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Có cách nào để kiểm soát rối loạn lo âu?
Tuy rối loạn lo âu là một rối loạn phổ biến nhưng có những phương pháp điều trị đã được chứng minh hiệu quả.
Cụ thể là: Thay đối lối sống, thói quen nghỉ ngơi phù hợp, tập thể dục và học cách thư giãn, ăn uống lành mạnh và tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá. Nhiều liệu pháp tâm lý đã được chứng minh khoa học có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu. Thuốc điều trị rối loạn lo âu giúp cải thiện tình trạng lo âu quá mức, kiếm soát triệu chứng và phòng ngừa tái phát.
Tóm lại: Lo âu là một phản ứng tự nhiên với những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, một số người lại không kiểm soát tốt trạng thái lo âu và họ thường phải chịu các triệu chứng cơ thể khó chịu kèm theo. Việc không kiểm soát này ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ thường tìm đến bệnh viện.