Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 28/7/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 16.642.263 người mắc; 656.488 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 161/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 431 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
- Số ca bình phục: 365 ca
- 66 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
276 | 155 | 12.780 | 2.253 |
Tính đến 9h ngày 28/7: Việt Nam có tổng cộng 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 27/7 – 6h sáng 28/7: ghi nhận thêm 11 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 0
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 02 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 03 ca.
5. Số ca nặng: 02
6. Số người cách ly: 15.033
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 322
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.458
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.253
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 276
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 155
9. Nhận xét
- Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, đến 9h ngày 28/7 thế giới ghi nhận hơn 16,6 triệu ca mắc, hơn 656.000 người tử vong. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca mắc cao. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
- Tại Việt Nam, trong mấy ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, đã ghi nhận trên 10 ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng trong đó có cả nhân viên y tế song chưa tìm được nguồn lây; chủng virus được ghi nhận có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh; nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn thuộc Thành phố Đà Nẵng là rất cao và xuất hiện nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát.
Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Giãn cách xã hội toàn TP Đà Nẵng bắt đầu từ 0h ngày 28/7/2020. TP Đà Nẵng phải coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp, phản ứng nhanh, tăng tốc truy vết, xét nghiệm trên diện rộng nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch lây lan ra toàn thành phố và các tỉnh, thành phố khác.
Bộ Y tế chỉ đạo và tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư… hỗ trợ TP Đà Nẵng xét nghiệm nhanh, truy vết, điều trị các bệnh nhân, không để xảy ra trường hợp tử vong; lưu ý bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và các lực lượng chức năng, kể cả phóng viên tác nghiệp về phòng, chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo TP Đà Nẵng thành lập bệnh viện dã chiến và sử dụng thêm một số cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam đáp ứng kịp thời yêu cầu điều trị khi dịch bùng phát...
Sáng nay (28/7) chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, trong đó có 120 người được xác định mắc COVID-19 về nước đã cất cánh. Dự kiến, chuyến bay sẽ hạ cánh tại sân bay Bata của Guinea Xích Đạo lúc 13h ngày 28/7 (giờ địa phương) và trở về sân bay Nội Bài lúc 11h20 ngày 29/7 (giờ Việt Nam). Các bệnh nhân sẽ được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Về tình hình điều trị:
Sáng ngày 28/7, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới, đa số các bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng ổn định, 2 bệnh nhân phải thở máy.
Tính đến 9h sáng ngay 28/7, có 2 bệnh nhân âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2, 3 bệnh nhân âm tính 2 lần với virus này, còn 61 bệnh nhân dương tính. Đến nay, đã có 365 người khỏi bệnh COVID-19.
Khuyến cáo:
- Người dân đến Thành phố Đà Nẵng và trở về địa phương trong khoảng thời gian từ ngày 08/7 đến nay thực hiện việc khai báo y tế điện tử, tự theo dõi sức khoẻ; đối với người đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong toả, hoặc có biểu hiện ho, sốt thì yêu cầu thực hiện ngay việc xét nghiệm. Đồng thời, cần kiểm tra các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
- Người dân tại TP. Đà Nẵng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19. Tại 6 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu cần thực hiện:
- Gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
- Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, cương quyết không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, biên giới phải được kiểm soát tốt.
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.