Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 23/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 23.377.806 người mắc; 808.588 người tử vong, 15.904.288 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 155/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1014 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 563 ca.
- Số ca bệnh đang được điều trị: 424 ca.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
342 | 672 | 21.903 | 50.477 |
1. Tính đến 9h ngày 23/8: Việt Nam có tổng cộng 342 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 22/8 – 6h sáng 23/8: ghi nhận 0 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 16 ca
3. Số ca tử vong trong 24h qua: 01
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 40 ca.
- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 49 ca.
-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 41 ca
5. Số người cách ly: 77.380 người
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 2.095 người
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 19.808 người
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 50.477 người
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 342 ca
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 532 ca
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trò chuyện với người dân có liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi đang cách ly tập trung tại khu Ký túc xá Đại học Hải Dương.
8. Nhận xét:
Trong vòng 24 giờ qua, đã có thêm trên 247.000 bệnh nhân COVID-19 và trên 5.000 người tử vong trên thế giới.
Trong đó, số ca mắc mới ở châu Mỹ cao nhất thế giới (trên 119.000 ca), với Nam Mỹ ghi nhận trên 68.000 ca, còn Bắc Mỹ ghi nhận trên 51.000 ca.
Hai nước Mỹ và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất châu lục. Số ca mắc mới ở hai nước này lần lượt là trên 41.000 và trên 45.000, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ lên trên 5,8 triệu người, trong khi ở Brazil là trên 3,5 triệu người.
Số bệnh nhân nhiễm mới ở hai nước khác tại châu Mỹ là Argentina và Colombia tăng thêm trên 8.000 người tại mỗi nước.
Tại châu Á, Ấn Độ có 70.068 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Đây là ngày đầu tiên số ca nhiễm hàng ngày ở nước này vượt mốc 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 3 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Ấn Độ đã lên tới 56.846 ca sau khi có thêm 918 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Ấn Độ đang gây sức ép đối với chính phủ trong việc hạn chế các cuộc tụ tập đông người trong bối cảnh lễ hội thần Ganesh đầu voi của tín đồ Ấn Độ giáo kéo dài 11 ngày đã diễn ra trong tháng này tại phần lớn các vùng ở miền Tây nước này, nhất là ở thủ đô tài chính Mumbai. Lễ hội này thường thu hút một lượng rất lớn người dân tham gia.
Tại Đông Nam Á, trong ngày 22/8, ASEAN ghi nhận 7.053 ca mắc COVID-19 tại sáu quốc gia và 120 ca tử vong tại hai quốc gia. Số ca mắc ở cả Philippines và Indonesia chiếm gần 99% tổng số ca bệnh mới trong ngày 22/8 ở ASEAN. Hai quốc gia có ca tử vong trong ngày 22/8 là Philippines (26 ca) và Indonesia (94 ca).
Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các hạn chế nhập cảnh có thể ngay trong tháng này đối với sinh viên nước ngoài. Trước đó, lệnh hạn chế này được áp đặt để hạn chế COVID-19.
Hàn Quốc sẽ thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc từ ngày 23/8, sau khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 hằng ngày ở mức trên 300 người.
Tại châu Âu, Trung tâm ứng phó dịch COVID-19 của Nga ngày 22/8 thông báo nước này trong 24 giờ qua ghi nhận 4.921 ca nhiễm và 121 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 951.897 ca và 16.310 ca tử vong. Đức ghi nhận có 829 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Đức lên 233.850 ca và tổng số ca tử vong do COVID-19 lên tới 9.331 ca sau khi có thêm 3 ca tử vong.
- Tại Việt Nam, tính đến 6h ngày 23/8: Việt Nam có tổng cộng 672 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 532 ca.
Tính từ 18h ngày 22/8 đến 6h ngày 23/8: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong 24h giờ qua, có thêm 16 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm y tế Hòa Vang- TP Đà Nẵng. Trong đó, có BN 569 là sản phụ mang thai nằm viện và được đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã phối hợp với các bác sĩ đến từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hội chẩn và đỡ đẻ thành công.
*Về công tác chỉ đạo, điều hành
- Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Hải Dương, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế , Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Hải Dương cho hay, từ ngày 25/7 đến nay Hải Dương có 14 trường hợp mắc COVID-19 (gồm BN 751, BN 869, BN906, BN907, BN908, BN950, BN963, BN970, BN971, BN972, BN973, BN977, BN978 và BN993), trừ BN751 (ghi nhận ngày 5/8) được xác định dương tính ngày 6/8/2020 tại BVĐK tỉnh Hải Dương, tất cả các trường hợp còn lại đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi (số 36 Ngô Quyền, Phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương).
Ngành y tế Hải Dương đã khẩn trương truy vết được hàng ngàn trường hợp có tiếp xúc liên quan đến ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi. Sở Y tế đã 2 lần ra thông báo khẩn truy tìm những người đã đến nhà hàng trong thời gian từ ngày 10-7-11/8/2020.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biêt, từ ngày 24/8, sẽ triển khai kế hoạch xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đợt 2 bằng kỹ thuật ELISA- xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể, đối với những người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7-20/7/2020, những người đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 15/7-20/7/2020,những người dân trong ổ dịch 36 Ngô Quyền từ 10 tuổi trở lên.
Dự kiến khoảng 2.000 mẫu, trong đó 1.000 mẫu gửi lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 1000 mẫu Viện sẽ cử cán bộ chuyển giao kỹ thuật tại Trung tâm CDC tỉnh.
Hiện sức khoẻ của 12 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương đều ổn định, không sốt do đa phần bệnh nhân trẻ tuổi, không có bệnh lý nền
- Tại Đà Nẵng đã cơ bản khống chế được dịch theo nhận định của các chuyên gia y tế, nhưng lãnh đạo địa phương này vẫn quán triệt tâm thế không lơ là, chủ quan. Trong những ngày tới vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16 hiện hành và dứt khoát không ai được phép mang tâm lý "ngủ quên trên chiến thắng". Nhận định các chợ là điểm nóng, nhiều nguy cơ nên những ngày qua cơ quan chức năng Đà Nẵng đã cho lấy mẫu xét nghiệm tất cả tiểu thương tại các chợ.
Đà Nẵng cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.000 người nước ngoài hiện đang cư trú trên địa bàn
* Về công tác điều trị:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: thời điểm này có 563 bệnh nhân/1014 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.
Tính đến sáng ngày 23/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 40 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 49 ca, số ca âm tính lần 3 là 41 ca.
- Số ca tử vong: 26 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...
Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:
1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;
2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;
3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;
4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;
5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…
6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;
7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.