Bản tin dịch COVID-19 trong 24h: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại bệnh viện

28-08-2020 09:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Qua kiểm tra một số bệnh viện (BV) tại TP Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh thì có đến 3 BV của Hà Nội xếp loại an toàn ở mức thấp, một BV của Bắc Ninh xếp loại chưa an toàn. Trước thực tế này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện trong cả nước cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng có công văn khẩn về việc kiểm điểm công tác sàng lọc, phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng tại các BV.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 28/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 24.622.014 người mắc; 835.530 người tử vong, 17.090.869 người khỏi bệnh.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 159/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1036 ca mắc COVID-19

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 637 ca.

- Số ca bệnh đang được điều trị: 369 ca.

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

348

688

19.666

49.819


1. Tính đến 9h ngày 28/8: Việt Nam có tổng cộng 348 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Từ 18h ngày 27/8 – 6h sáng 28/8: ghi nhận 0 ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua:  05 ca.

3. Số ca tử vong: 30 ca.

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  49 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 47 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 31 ca.

5. Số người cách ly: 69.485 người.

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.466 người.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.200 người.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú:  49.819 người.

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 348 ca

7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay:  548 ca.

8. Nhận xét:

- Đến 9h sáng ngày 28/8, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 24,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 835.000 người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở hơn 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 2 tàu du lịch. Hiện đã có trên 17 triệu người khỏi bệnh.

Tính đến 9h ngày 28/8:

Trong 24h qua toàn thế giới có thêm 274.348 ca mắc mới, 5.127 ca tử vong, 204.541 ca mới khỏi bệnh.

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc 6.046.630 ca, số ca tử vong 184.796 ca, số ca mắc mới 46.282 ca, số ca mới tử vong 1.143 ca.

Trong bối cảnh giới chuyên gia đánh giá Nhà Trắng có khả năng gây áp lực lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vắc-xin COVID-19 trước khi nó được chứng minh đủ an toàn và hiệu quả, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo quyết định này có thể gây khó khăn đối với các vắc-xin tiềm năng trong thu hút người dân tham gia thử nghiệm.

Tại Pháp Tổng thống Emmanuel Macron loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa bởi lo ngại những hậu quả đi kèm. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận sự lây lan của virus "đang tăng tốc", nhưng cho biết tình hình sẽ tiếp tục được kiểm soát nếu người dân tuân thủ biện pháp giữ vệ sinh và giãn cách xã hội.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Điểm đáng chú ý là số ca mắc tại một số quốc gia đang tăng trở lại.

Đoàn kiểm tra số 1 Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại BVĐK tỉnh Bắc NinhĐoàn kiểm tra số 1 Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại BVĐK tỉnh Bắc Ninh.

- Tại Việt Nam, trong 24h qua ghi nhận 02 ca mắc mới, 01 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (BN 1035) và 01 ca tại Đà Nẵng (BN 1036).

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày 27/8/2020 có 05 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại:

3 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2: BN427, BN484, BN550

BN 574 tại Trung tâm Y tế Hòa Vang.

BN655 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

*Về công tác chỉ đạo, điều hành

- Tại phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, bộ, ngành theo hình thức trực tuyến về các giải pháp phòng chống COVID-19 chiều ngày 27/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các địa phương, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, khoanh vùng truy vết, tăng cường xét nghiệm và cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình.

Thủ tướng nhấn mạnh, một lần nữa Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường, quán triệt tinh thần “sống chung với dịch” với những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất trong lúc dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp.

Việc đề cao cảnh giác để dịch không xâm nhập vào các địa bàn dân cư là yêu cầu cấp bách hiện nay. Và nếu có, phải khoanh vùng nhanh, xử lý nhanh, không để dịch COVID-19 lây lan diện rộng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng về sự kịp thời của ngành y tế.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá đông người khi không cần thiết. Tiếp tục quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt, khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an sinh, việc làm.

Cũng tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà. Theo đó, Quyền Bộ trưởng cho biết, những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Quyền Bộ trưởng cho biết, trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải âm tính ít nhất 3 lần. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

Tại buổi giao ban trực tuyến với các bệnh viện tuyến trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày 27/8 GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã hoan nghênh Hà Nội đã dừng hoạt động của 3 BV không đáp ứng yêu cầu đảm bảo bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch. Đối với các địa phương khác cũng phải kiên quyết như vậy. Quyền Bộ trưởng đặc biệt lưu ý BV nào cũng có khả năng bị COVID-19 xâm nhập, những BV tưởng chừng như không có khả năng bị như sản, nhi... càng cần phải lưu tâm, tránh lơ là. "Nếu cơ sở y tế nào không đảm bảo an toàn thì dừng hoạt động ngay, nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư. Không để tình trạng vì một sơ xuất mà phải đóng băng cả bệnh viện”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh. GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách quyết liệt, không lơ là.

* Về công tác điều trị:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 637 bệnh nhân/1.036 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 49 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 47 ca, số ca âm tính lần 3 là 31 ca.

- Số ca tử vong: 30 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, hiện trong số các bệnh nhân đang điều trị có 12 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 9/12 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 3 trường hợp (0,8%). Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân về những việc cần làm khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở:

Ngay sau khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở:

1. Đeo khẩu trang và tự cách ly ở một phòng riêng, thoáng khí hoặc ở một vị trí trong nhà, giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2 mét;

2. Gọi điện cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế;

3. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, hoặc khăn vải hoặc khăn tay hoặc khan giấy; Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng;

4. Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy;

5. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, bát đũa…

6. Hạn chế sử dụng phương tiện công cộng; không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học;

7. Thông báo với người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.


Mai Hương
Ý kiến của bạn