Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 25/7/2020, theo thống kê của worldometers.info::
*Thế giới: 15.684.789 người mắc; 637.223 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 160/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 415 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
- Số ca bình phục: 365
- 50 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
275 | 140 | 10.933 | 821 |
1. Từ ngày 16/4 đến nay: Đã 100 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 9h ngày 25/7: Việt Nam có tổng cộng 275 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 0
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 04 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 0 ca.
5. Số ca nặng: 0
6. Số người cách ly: 11.815
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 147
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.933
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 675
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 275
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:
- 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;
- 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;
- 78 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.
9. Nhận xét
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng kỷ lục trong ngày 24-7, với 284.196 ca COVID-19 trong vòng 24 giờ. Số người tử vong vì COVID-19 tăng thêm 9.753 người, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ cuối tháng 4 đến nay
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện là quốc gia thứ ba trên thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tại Việt Nam, đã 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 365 trên tổng số 415 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 88% tổng số bệnh nhân). Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm COVID-19 nào tử vong. Tất cả các ca bệnh mới được phát hiện đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới nâng tổng số ca mắc bệnh lên 415 người, tuy nhiên họ đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
* Liên quan đến công tác y tế cho chuyến bay sáng đón hơn 200 người lao động của Việt Nam tại Guinea Xích đạo ngày 28/7 tới, sẽ có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng làm việc tại khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương mang theo 2 máy thở, máy monitor theo dõi, quần áo phòng hộ và các thiết bị y tế khác đi trên chuyến bay đón công nhân về nước.
Được biết, chuyến bay sẽ đón khoảng 219 người lao động của Việt Nam ở Guinea xích đạo về nước, trong đó ước chừng có 120 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong số những bệnh nhân này có một số trường hợp được xác định đã khỏi bệnh, một số khác diễn biến nặng trong thời gian qua phải nằm bệnh viện ở Guinea nhưng hiện nay tình trạng bệnh đã tốt lên nhiều, nên mặc dù là chuyến bay dài – khoảng 15 tiếng nhưng không quá lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân trên chuyến bay dài này.
Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều ngày 29/7, toàn bộ số người lao động này sẽ được chuyển về Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư để cách ly, theo dõi. Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại đây. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam
* Liên quan đến ca nghi mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở xét nghiệm COVID-19 hàng đầu Việt Nam - nơi khẳng định kết quả cuối cùng, hỗ trợ các địa phương xét nghiệm những mẫu xét nghiệm khó.
8 giờ 30 phút sáng ngày 24/7, Viện đã nhận được mẫu bệnh phẩm từ Đà Nẵng gửi ra để xét nghiệm thẩm định. Đến 12 giờ trưa đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ làm trong đêm nay, dự kiến đến sáng nay 25/7 sẽ có kết quả chính thức.
Ngay sau khi nhận được thông tin về 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế xác định đây là trường hợp có khả năng nhiễm rất cao và triển khai ngay tất cả các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 24/7, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương rà soát toàn bộ các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các chỗ “rò rỉ” thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.
Trong công tác phòng chống dịch, tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.
Tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.
Thời gian qua việc thực hiện quy định đeo khẩu trang để phòng dịch có lơi lỏng, do vậy mọi người phải thực hiện nghiêm quy định khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người…
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, cương quyết không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, biên giới phải được kiểm soát tốt.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.