Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h ngày 27/6/2020
Thế giới: 9.881.898 người mắc; 495.587 người tử vong.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 353 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
- Số ca bình phục: 330
- 23 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
213 | 140 | 5.563 | 2.216 |
1. Từ ngày 16/4 đến nay: Đã 72 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 9h ngày 27/6: Việt Nam có tổng cộng 213 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay (01 ca mới ghi nhận chiều ngày 26/6)
2. Số ca bình phục trong ngày: 01
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3 ca.
5. Số ca nặng: 01
6. Số người cách ly: 7.846
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 67
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.563
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 72.216
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 213
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:
- 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;
- 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;
- 78 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.
9. Nhận xét
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 330 trên tổng số 353 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 93,5%), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tính đến sáng ngày 27/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân đã âm tính 1 lần với SARS-CoV-2 và 3 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus, còn 16bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Về bệnh nhân 91 người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy: Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 101 ngày điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 15 ngày, các chỉ số khác bình thường, hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân không ho, giao tiếp tốt bằng lời nói.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, đêm ngủ được, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng. Chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường.
Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để có thể đi lại an toàn khi di chuyển.
Cũng liên quan đến bệnh nhân này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cho biết, hôm qua bệnh viện vừa tiếp đón ông Gareth Ward - Đại sứ Anh tại Việt Nam và ông Ian Gibbons - Tổng lãnh sự Anh cùng đại diện Sở Ngoại vụ TP.Hồ Chí Minh nhân chuyến đến thăm bệnh viện.
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Anh tại Việt Nam đã bày tỏ lòng cảm ơn đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết sức mình trong việc chăm sóc và điều trị COVID-19 cho bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) trong thời gian vừa qua.
Ông Gareth Ward cho biết vô cùng tin tưởng vào chuyên môn và y đức của các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh. Đây là một trong những bệnh viện tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam.
Về tình hình thế giới, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngày 26/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch COVID-19 đang diễn ra đúng như tiên lượng một cách đáng sợ, có nguy cơ hàng triệu người sẽ mất mạng trong đợt sóng thứ 2 dự kiến rơi vào mùa thu - đông sắp tới.
WHO nhận định rằng dịch đang bước vào giai đoạn mới, bùng phát nhanh và nguy hiểm hơn cách đây vài tháng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, nên mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Không có câu chuyện mở cửa ào ạt”.
Cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động. Khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng thì phải tập trung khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời. Tiếp tục theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch trong quá trình chỉ đạo giai đoạn tới.
Trước tình hình dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, các chuyên gia cảnh báo, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả các ca nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm dự tuyển vắc-xin COVID-19
Một tin vui trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta là với quy trình nghiên cứu thần tốc, dự án vắc-xin “made in Vietnam” phòng virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học của Công ty Vabiotech triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup), đang có triển vọng “về đích” sớm. Dự án càng có ý nghĩa khi thế giới đang đối mặt với nguy cơ của làn sóng COVID-19 thứ 2.
Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới.
Khuyến cáo:
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
-Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
-Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.