Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 8/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 19.501.031 người mắc; 722.477 người tử vong,
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 789 ca mắc COVID-19, 10 ca tử vong
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 395 ca
- 384 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
316 | 473 | 31.438 | 135.146 |
Tính đến 9h ngày 7/8: Việt Nam có tổng cộng 316 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 7/8 – 6h sáng 8/8: ghi nhận 05 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 03 ca
3. Số ca tử vong: 10
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 22 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 11 ca.
5. Số người cách ly: 166.521
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6.929
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.446
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 135.146
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 316
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 333 ca
8. Nhận xét:
- Thế giới đã có hơn 19,5 triệu ca mắc COVID-19 và với hơn 722 nghìn người chết. Nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì COVID-19.
Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực.
- Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, một số tỉnh đã xuất hiện các ca bệnh mới, tuy nhiên đều liên quan đến Đà Nẵng.
Tính từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, bắt đầu từ những ngày 26-28/7, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Theo đó những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa) số ca lây nhiễm sẽ giảm.
Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương phải thực hiện thật nghiêm các chỉ đạo về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các BV phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn dịch tễ. Nơi nào vi phạm thì giám đốc BV, thủ trưởng cơ quan chủ quản của bệnh viện phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội. Ảnh: Trần Minh
Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng khẳng định: Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 của Hà Nội. Đồng thời Quyền Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Y tế ban hành quyết định tạm thời về trộn mẫu xét nghiệm, và rút nhóm chuyên gia về xét nghiệm của Bộ Y tế từ Đà Nẵng về hỗ trợ Hà Nội. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện/ viện /trường trực thuộc Bộ nâng cao tối đa công suất xét nghiệm cho Hà Nội, đảm bảo có thể đạt 100.000 mẫu. Tuy nhiên, quan trọng là Hà Nội phải đảm bảo lấy mẫu đủ để các đơn vị có thể xét nghiệm nhanh nhất.
Từ 0h ngày 8/8/2020, Bệnh viện C Đà Nẵng đã kết thúc thời hạn cách ly y tế và bắt đầu đón bệnh nhân cấp cứu hoặc bệnh nhân chuyển tuyến, bệnh nhân đăng ký BHYT, KCB ban đầu đến khám ngoại trú.
BSCK II Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C, Đà Nẵng, chia sẻ cảm xúc của mình trước giờ gỡ phong tỏa: Cán bộ y tế toàn Bệnh viện C siết lại đội ngũ, vượt qua khó khăn, sẵn sàng thu dung bệnh nhân cấp cứu và thực hiện công việc thường quy khác.
Quyết liệt ứng phó... và sẽ hỗ trợ tối đa khi tiền phương cần
Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi giao ban trực tuyến với “Bộ Chỉ huy tiền phương” chống dịch COVID-19 cuối giờ chiều ngày 7/8.
Quyền Bộ trưởng cho biết, ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế đã nhận định diễn biến dịch của đợt này khá nhanh, tốc độ lây nhiễm khá phức tạp, nên phản ứng của Bộ Y tế rất mạnh mẽ ngay từ đầu. Bộ Y tế sử dụng tất cả các phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020. Đồng thời, Bộ điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh. Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng.
Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm 3 bệnh viện. Do vậy cần tiếp tục quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1. Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đã đi đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay)
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một trong những quan điểm chỉ đạo của chúng ta từ đầu là quyết liệt, quyết tâm và làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “thần tốc để làm sao chúng ta sớm dập tắt được dịch bệnh này lây lan”.
“Công tác phòng chống dịch không chỉ của riêng Đà Nẵng mà Bộ Y tế đã giao ban liên tục với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố và đã yêu cầu tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu. Theo đó, các địa phương phải rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, đặc biệt về nhân lực. Bài học của Đà Nẵng để chúng ta thấy điều phối về nhân lực đối với các địa phương khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 trên diện rộng”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết đã ký công văn thứ 3 gửi các địa phương đề nghị đẩy nhanh tốc độ rà soát, xác minh, quản lý tất cả các trường hợp đến TP Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đã trở về địa phương. “Đây là công điện khẩn thứ 3 liên tiếp, Bộ Y tế gửi các địa phương đề nghị rà soát, giám sát, quản lý và tăng tốc truy vết để tránh bỏ sót các trường hợp trở về từ Đà Nẵng. Để có những biện pháp cách ly quản lý và xét nghiệm phù hợp, trường hợp nào cần xét nghiệm PCR, trường hợp nào xét nghiệm kháng thể”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh
Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Khoa học Công nghệ yêu cầu các trường y dược trên toàn quốc phải tập huấn về cách thức lấy mẫu và phương thức dự phòng lây nhiễm. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ TW tập huấn trực tuyến toàn quốc việc cách thức lấy mẫu xét nghiệm và cả phương thức dự phòng lây nhiễm và cả việc trộn mẫu đúng quy trình. Vì nếu không có lực lượng lấy mẫu thì sẽ không làm nhanh được
“Tôi chia sẻ với những khó khăn vất vả của các đồng chí ở trong đó, tôi mong các đồng chí cố gắng, đồng chí Nguyễn Trường Sơn động viên anh em làm việc và giữ sức khoẻ, chúng tôi ở ngoài này sẽ hỗ trợ tối đa khi tiền phương cần”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắn nhủ với "Bộ chỉ huy tiền phương" trước lúc kết thúc buổi giao ban
Cả nước chi viện cho miền Trung
- Chiều ngày 7/8, Tập đoàn Vingroup hỗ trợ Bộ Y tế 3.200 máy thở phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19
- Một số đơn vị khác cũng ủng hộ kinh phí, máy khử khuẩn phun sương cho ngành y tế trong chiều ngày 7/8
- Sát cánh bên Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chống dịch COVID-19, Bộ Y tế xuất cấp từ Kho dự trữ quốc gia để nhập kho tiền phương tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, gồm 2 đợt. Mỗi đợt khoảng 300m3 hàng vật tư y tế.
- Các Y Bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho Quảng Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
- Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm: 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng thuộc 3 chuyên ngành nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm (ảnh).
- Bình Định cử 25 cán bộ y tế gồm: 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 01 cử nhân xét nghiệm, 02 chuyên viên xử lý hình ảnh, 02 y sĩ, 01 hộ sinh.
- BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử hai chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh COVID-19 là BSCK2. Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và BS. Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực.
- BV Chợ Rẫy cử đội phản ứng nhanh thứ 5 gồm: ThS. Điều dưỡng (ĐD) Nguyễn Trần Đức (Khoa Thân nhân tạo) và Cử nhân ĐD Lê Hữu Trang (khoa Hồi sức Ngoại thần kinh) lên đường tiếp ứng Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
-Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành với quy mô 700 giường tại Cung Thể thao Tiên Sơn sau 72h thi công khẩn trương.
- Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông "Niềm tin chiến thắng" kêu gọi cả nước hãy thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh COVID-19 và đoàn kết, lạc quan, sẻ chia để đẩy lùi dịch bệnh!