Do đó, để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h ngày 20/6/2020:
*Thế giới: 8.734.576 người mắc; 461.504 người tử vong
- 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 154/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á.
* Việt Nam: 349 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
- Số ca bình phục: 326
- 23 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
209 | 140 | 9.387 | 1.113 |
1. Từ ngày 16/4 đến nay: Đã 65 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 9h ngày 20/6: Từ 9h ngày 19/6-9h ngày 20/6, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc là trường hợp nhập cảnh từ Châu Âu, nâng số ca mắc lên hiện tại là 209 ca. Các ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
2. Số ca bình phục trong ngày: 01
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 0 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 4 ca.
5. Số ca nặng: 01
6. Số người cách ly: 10.500
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 162
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.387
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 951
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 209
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:
- 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;
- 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;
- 78 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.
9. Nhận xét
- Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 326/349 bệnh nhân COVID-19, bằng 93,4% tổng số ca COVID-19 ở nước ta.
Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến hôm nay, bệnh nhân nam phi công cai thở máy ngày thứ 8, đã ngưng hỗ trợ hoàn toàn oxy vào ban ngày, thở oxy hỗ trợ 0,5 lít một phút vào ban đêm. So với hôm qua, anh tỉnh táo, giao tiếp bình thường, sức cơ hai tay hồi phục hơn, có thể chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Sức cơ hai chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được.
Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Kết quả chụp CT gần nhất của bệnh nhân, thể tích phổi bình thường gần 90%.
Với tiến triển này, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đang điều trị cho bệnh nhân, cho biết bệnh nhân chỉ cần thêm một chút thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động. Thời gian bệnh nhân hồi phục phổi và sức cơ chân như vậy là rất nhanh, bởi hơn nửa tháng trước, khi bệnh nhân cai thiết bị tim phổi ngoài cơ thể, bệnh viện đã đánh giá bệnh nhân cần nhiều tuần để phục hồi 2 chức năng này.
Bệnh nhân chia sẻ với các bác sĩ "mong muốn sớm xuất viện để về nước", và cho biết không còn người thân, chỉ có một người bạn ở Scotland. Người bạn này tuần trước đã gửi tặng anh chiếc khăn có dòng chữ "Motherwell" - tên đội bóng ở quê hương yêu thích.
Hiện 23 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế, đa số bệnh nhân có sức khỏe ổn định.
Tính đến sáng ngày 20/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 19 bệnh nhân dương tính với COVID-19.
- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đánh giá, ở trong nước chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới hết sức phức tạp. Trong khi tâm lý người dân và các cơ quan phòng, chống dịch trong thời gian gần đây ít nhiều có dấu hiệu chững lại. Đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội, nhưng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao bởi nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào trong nước bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát ở nhiều nước.
Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả các thành viên rà soát lại toàn bộ các công việc, nhiệm vụ được giao; yêu cầu các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nơi lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Để bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam; tăng cường khả năng xét nghiệm nhanh; quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới để có giải pháp ngăn chặn kịp thời...
Khuyến cáo:
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
-Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
-Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.