Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 14/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 21.051.739 người mắc; 752.378 người tử vong.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 155/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 911 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 425 ca.
- 465 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
327 | 584 | 31.021 | 141.072 |
1. Tính đến 9h ngày 14/8: Việt Nam có tổng cộng 327 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 13/8 – 6h sáng 14/8: ghi nhận 28 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 20 ca
3. Số ca tử vong: 21
4. Số ca tiến triển tốt:
Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 31 ca.
Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 61 ca.
5. Số người cách ly: 172.093.
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.222
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 25.799
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 141.072
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 327
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 444 ca
8. Nhận xét:
- Thế giới đã có hơn 21 triệu ca mắc COVID-19 và với hơn 752.300 người tử vong, số người khỏi bệnh cũng tăng lên hơn 13,8 triệu người. Nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển vắcxin COVID-19 để bắt kịp thành công của Tổng thống Nga Putin, khi Tổng thống Nga ngày 11/8 tuyên bố đã phát triển thành công vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng Mỹ lo ngại Tổng thống Donald Trump cảm thấy buộc phải cạnh tranh trong cuộc đua này, bằng cách nhanh chóng tung ra một loại vắc - xin trước khi được thử nghiệm đầy đủ.
Thông báo mới của Moskva đã khuấy động nhiệm vụ quốc tế về phát triển vắc -xin nhằm ngăn đại dịch, mà sau đó đã phát triển thành cuộc đua địa chính trị giữa các cường quốc lớn nhất thế giới.
- Tại Đông Nam Á, Philippines đã trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 147.526 ca nhiễm và 2.426 ca tử vong, tăng lần lượt 4.002 và 23 ca trong 24 giờ qua.
- Tại Việt Nam, sáng ngày 13/8, để “tiếp lửa” miền Trung Bộ Y tế cử thêm GS.TS. Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội vào miền Trung cùng với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-BYT về việc trưng tập chuyên gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19.
Theo quyết định này, 3 giáo sư sẽ làm chuyên gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19, gồm: GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) theo Quyết định số 319/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng.
GS.TS. Ngô Quý Châu, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) theo Quyết định số 319/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch theo Quyết định số 1215/QĐ-BYT ngày 19/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Quyết định số 1302/QĐ-BYT ngày 23/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bộ Y tế tiếp tục cử các chuyên gia đầu ngành “tiếp lửa” miền Trung chống dịch COVID-19.
Ngày 13/8/2020, tại Bộ Y tế, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ tài chính dành cho y bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 giữa Bộ Y tế và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam).
Lễ ký kết khoản hỗ trợ tài chính có giá trị 23 tỷ đồng này nằm trong Chương trình gia hạn và mở rộng đối tượng hỗ trợ tài chính đặc biệt mà AIA Việt Nam dành cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu trong phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam từ tháng 4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
Các hoạt động nhằm “tiếp lửa” cho miền Trung chống giặc COVID vẫn được các địa phương, bộ, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm… duy trì bằng nhiều hình thức khác nhau, tất cả vì miền Trung thân yêu và vì mục tiêu giành chiến thắng trong cuộc chiến chống giặc COVID đầy cam go và chưa có tiền lệ này.
Chiều 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cho biết bệnh nhân ở Đà Nẵng có nhiều bệnh nền nặng, thời gian bệnh dài, chính vì những bệnh nền đó đã gây ra những biến chứng như suy tim, suy thận, suy kiệt cơ thể… Khi cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm việc virus SARS-CoV-2 xâm nhập là một cơ hội làm tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Có những bệnh nhân mặc dù chúng ta đã nỗ lực cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.
Tại Hải Dương: Từ 0h ngày 14/8, thành phố Hải Dương cách ly xã hội trong 15 ngày; không tập trung quá hai người nơi công cộng và ngoài công sở, trường học, bệnh viện.
Người dân "ở tại nhà", chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Chợ dân sinh bị cấm họp, chỉ cho phép mở cửa bán lương thực, thực phẩm.
Chốt kiểm tra, kiểm dịch sẽ được lập tại các cửa ngõ thành phố trong thời gian cách ly xã hội.
Không đóng cửa hoàn toàn, thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động. Phân xưởng, nhà máy phải đảm bảo khoảng cách an toàn cho người lao động; khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Quyết định cách ly xã hội thành phố Hải Dương được tỉnh Hải Dương đưa ra trong bối cảnh địa phương vừa phát hiện ba ca nghi nhiễm trong cộng đồng là nam thanh niên 17 tuổi, người phụ nữ 72 tuổi, phụ nữ 59 tuổi.
Cả ba cùng làm việc và lưu trú tại nhà hàng "Thế giới bò tươi" ở 36 Ngô Quyền, thành phố Hải Dương. Họ tiếp xúc gần với đồng nghiệp là "bệnh nhân 876" - nhân viên bảo vệ, trông xe của quán. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cả ba đều dương tính với SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái yêu cầu dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để để các ổ dịch tại 36 Ngô Quyền; cách ly tập trung tất cả các trường hợp F1; truy vết các trường hợp F1, F2; quản lý, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện cách ly của các trường hợp trên.
Tại Đà Nẵng: TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hoàn thành việc truy vết và tổ chức xét nghiệm hết danh sách người dân có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng (người bệnh, người nhà bệnh nhân, người thăm bệnh...).
Đồng thời, tăng cường xử phạt hành chính theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Các lực lượng của Đà Nẵng đã xử lý 121 trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19, chủ yếu tập trung vào các hành vi như: tụ tập đông người, bán hàng rong, không đeo khẩu trang, với tổng số tiền xử phạt hơn 200 triệu đồng.
Chiều 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty Cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước và Công ty Foster Việt Nam (FVD).
Một ngày trước khi mở cửa đón bệnh nhân, Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn đã tập huấn cho các nhân viên y tế và lắp đặt thiết bị. Các bác sĩ có kinh nghiệm đã tập huấn cho đội ngũ hộ lý, điều dưỡng nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn.
Bà Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ và vừa. Những ca nặng sẽ được chuyển lên Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, đã huy động 200 cán bộ y tế đến chăm sóc tại đây. Ngoài ra, còn 200 sinh viên đã được tập huấn về việc chăm sóc, đón tiếp bệnh nhân, thực hiện xét nghiệm tại chỗ.
Nhân viên y tế sẽ chia thành 3 đến 4 kip để vừa đảm bảo phục vụ bệnh nhân 24/24, vừa thay ca cho nhau nghỉ ngơi lấy sức.
Tại Quảng Nam: Tỉnh Quảng Nam đã có 4 cơ sở xét nghiệm COVID-19, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
Đây là những cơ sở được phép xét nghiệm COVID-19 và có kết quả xét nghiệm được công nhận.
Toàn tỉnh Quảng Nam đã thành lập 5.484 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.
Mỗi tổ gồm 2 - 3 người là cán bộ tổ, thôn, khối phố, các đoàn thể, tình nguyện viên tại địa phương, phụ trách 30 - 50 hộ gia đình và có phân công cụ thể đến từng thành viên.
Các tổ có nhiệm vụ hằng ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động nhân dân thực các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; khuyến cáo người dân không ra ngoài nếu không có lý do cần thiết; hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế gần nhất để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đối với những trường hợp nghi mắc COVID-19...
Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19:
1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.
6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: https://www.bluzone.gov.vn.