Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 7/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 19.237.332 người mắc; 716.519 người tử vong, 12.345.464 đã bình phục.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 750 ca mắc COVID-19, 10 ca tử vong
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 392 ca
- 358 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
312 | 438 | 29.976 | 148.475 |
Tính đến 9h ngày 7/8: Việt Nam có tổng cộng 312 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 6/8 – 6h sáng 7/8: ghi nhận 33 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 11 ca
3. Số ca tử vong: 10
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 22 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 11 ca.
5. Số người cách ly: 178.451
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.870
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.106
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 148.475
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 312
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 298 ca
8. Nhận xét:
- Thế giới đã có hơn 19,2 triệu ca mắc COVID-19 và với hơn 716.400 người chết, số người khỏi bệnh cũng tăng lên hơn 12,3 triệu người. Nhiều quốc gia phải tái áp đặt phong tỏa vì sóng lây nhiễm thứ hai.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì Covid-19.
Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 119.460 ca nhiễm và 2.150 ca tử vong, tăng lần lượt 3.561 và 28 ca trong 24 giờ qua. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực, nước này dự kiến hoàn tất xét nghiệm SARS-CoV-2 với những lao động nhập cư sống trong ký túc xá, đối tượng chiếm phần lớn số ca nhiễm, trong hôm nay.
- Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, một số tỉnh đã xuất hiện các ca bệnh mới, tuy nhiên đều liên quan đến Đà Nẵng.
Tính từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, bắt đầu từ những ngày 26-28/7, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Theo đó những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa) số ca lây nhiễm sẽ giảm.
Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các địa phương phải thực hiện thật nghiêm các chỉ đạo về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các BV phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn dịch tễ. Nơi nào vi phạm thì giám đốc BV, thủ trưởng cơ quan chủ quản của BV phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
Tình hình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đến 6h sáng 7/8.
Quyết liệt ứng phó...
- GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế đã ý thức được sự phức tạp ở Đà Nẵng nên đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung dập dịch trong cụm 3 bệnh viện, Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng.
Bộ Y tế sử dụng tất cả các phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020. Đồng thời, Bộ điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh. Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng.
Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm 3 bệnh viện. Do vậy cần tiếp tục quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1. Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đã đi đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm 3 bệnh viện như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...
"Ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng. Công tác phòng, chống dịch không phải là câu chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
- Ngày 6/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ngãi và yêu cầu, Quảng Ngãi cần tập trung cao độ cho công tác truy vết, cách ly, điều tra dịch tễ, theo dõi giám sát thu thập phân tích số liệu và dự báo. Nên mở rộng khu cách ly, giao cho các huyện thành lập khu cách ly, tăng cường các khu cách ly của quân đội. Các biện pháp an toàn bệnh viện cần phải được tuân thủ tuyệt đối, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế cũng như tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn động viên cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khu điều trị cách ly Trung tâm Y tế Bình Sơn cơ sở 2, tỉnh Quảng Ngãi.
*Tại Hà Nội, trước diễn biến mới của dịch bệnh, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị xem xét lại phương án bệnh viện dã chiến tại Mê Linh để sẵn sàng cho phương án này.
BCĐ phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội nghiên cứu để nâng mức cao hơn nữa cho một số khu vực có ổ dịch có rủi ro cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xẩy ra, cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu...
*Các địa phương khác trong cả nước cũng đã chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó khi có dịch xảy ra.
Cả nước chi viện cho miền Trung
- Sát cánh bên Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chống dịch COVID-19, Bộ Y tế xuất cấp từ Kho dự trữ quốc gia để nhập kho tiền phương tại Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, gồm 2 đợt. Mỗi đợt khoảng 300m3 hàng vật tư y tế.
- Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm: 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng thuộc 3 chuyên ngành nội hô hấp, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm (ảnh).
- Bình Định cử 25 cán bộ y tế gồm: 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 01 cử nhân xét nghiệm, 02 chuyên viên xử lý hình ảnh, 02 y sĩ, 01 hộ sinh.
- BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử hai chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh COVID-19 là BSCK2. Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và BS. Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực.
- BV Chợ Rẫy cử đội phản ứng nhanh thứ 5 gồm: ThS. Điều dưỡng (ĐD) Nguyễn Trần Đức (Khoa Thân nhân tạo) và Cử nhân ĐD Lê Hữu Trang (khoa Hồi sức Ngoại thần kinh) lên đường tiếp ứng Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
-Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành với quy mô 700 giường tại Cung Thể thao Tiên Sơn sau 72h thi công khẩn trương.
- Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông "Niềm tin chiến thắng" kêu gọi cả nước hãy thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh COVID-19 và đoàn kết, lạc quan, sẻ chia để đẩy lùi dịch bệnh!
1. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi
2. Rửa tay sạch thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi đeo khẩu trang, khi đi ra ngoài hoặc khi về nhà.
3. Tránh những nơi đông người và tránh tụ tập đông người
4. Tránh chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng vì chúng có thể bị bám dính vi rút từ người mắc.
5. Giữ khoảng cách khi giao tiếp xã hội, đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác.
6. Nếu Bạn cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà. Gọi đường dây nóng Bộ Y tế 19009095 hoặc cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn dương tính, hãy tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly và điều trị. Hãy cung cấp cho cán bộ y tế danh sách những người Bạn đã tiếp xúc gần đây.
7. Tuân thủ cách ly 14 ngày nếu Bạn trở về từ vùng dịch hoặc từng tiếp xúc với người mắc COVID-19. Nếu bạn phải tự cách ly tại nhà, hãy tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế.