Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 30/7/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 17.445.482 người mắc; 675.455 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 162/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 509 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 369 ca
- 140 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
276 | 233 | 15.244 | 38.523 |
Tính đến 9h ngày 31/7: Việt Nam có tổng cộng 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 30/7 – 6h sáng 31/7: ghi nhận thêm 50 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 0 ca
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 14 ca.
- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 04 ca.
5. Số ca nặng: 02
6. Số người cách ly: 53.767
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 619
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.625
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 38.523
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 276
Số ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay: 93
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 183
9. Nhận xét
Dịch COVID-19 trên thế giới trong 24h qua vẫn diễn biến phức tạp với hơn 297.000 trường hợp mắc mới, hơn 6.800 trường hợp tử vong. Thế giới ghi nhận hơn 17,4 triệu ca mắc COVID-19, có khoảng 675.000 người tử vong, số ca khỏi bệnh lên gần 11 triệu người. Diễn biến dịch bệnh rất đáng lo ngại một số khu vực trên thế giới xuất hiện các đợt bùng phát dịch thứ hai, thứ ba.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, tiếp đó là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.... Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus SARS-C0V-2 tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19. Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực, tiếp đó là Philippines, Singapore...
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 30/7 cho rằng, các nước nên dần gỡ bỏ biện pháp hạn chế đi lại quốc tế sau khi tự đánh giá nguy cơ, đồng thời ưu tiên di chuyển phục vụ các trường hợp khẩn cấp, hành động nhân đạo và chuyến bay hồi hương công dân.
* Tại Việt Nam, trong những ngày qua, dịch bệnh đã có diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng, có nguy cơ lây nhiễm ra một số tỉnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước rất cao.
Bản tin 6h sáng 31/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 công bố thêm 45 ca mắc COVID-19 đang được cách ly tại các cơ sở y tế ở Đà Nẵng. Các bệnh nhân có độ tuổi từ 27-87 tuổi, trong đó có: 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng - quận Sơn Trà, 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Qua điều tra, giám sát dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm ngày 30/7 có 45 mẫu dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ngay trong đêm qua 30/7, Bộ Y tế đã thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này. Đội được đặt dưới sự chỉ huy của PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - người lần thứ hai tới Đà Nẵng kể từ khi phát hiện ra ca dương tính đầu tiên tại địa phương này hồi cuối tuần trước.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Trong hai ngày 29 và 30/7, Bộ Y tế đã tập huấn cách lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 cho gần 400 cán bộ, giáo viên và sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, tập huấn cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 cho 400 học viên của Trường Quân sự Quân khu 5. Bộ Y tế cũng huy động 5 giảng viên và 150 sinh viên của trường Đại học Y Dược Huế vào Đà Nẵng. Toàn bộ lực lượng này sẽ hỗ trợ giám sát cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết và một số hoạt động phòng, chống dịch khác.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, Bộ Y tế ban hành Công điện về việc khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Bộ Y tế cũng đã quyết định xuất cấp cho Bệnh viện C Đà Nẵng một số vật tư y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế.
* Chiều 30/7, Hà Nội bắt đầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng với hơn 21.000 trường hợp về từ Đà Nẵng.
- Tại Thừa Thiên Huế, yêu cầu mọi người dân ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người…
Từ 00h00 ngày 30/7/2020: Tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, rạp chiếu phim; dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao đông người, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết cho đến khi có thông báo mới. Khuyến khích người dân tổ chức ma chay, tiệc cưới, tiệc mừng... theo truyền thống gia đình, tránh tụ tập đông người. Đề nghị các cơ sở tôn giáo không tổ chức các nghi lễ, lễ hội tụ tập đông người.
- TP.HCM đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).
Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: quán bar, vũ trường. Khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết phải tổ chức trực tiếp của cơ quan Đảng, chính quyền...) phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế....
Về tình hình điều trị:
Với việc hội chẩn liên tục đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho các ca bệnh nặng, đến nay, cơ bản một số ca COVID-19 nặng đã có những diễn biến khả quan hơn, thông số tạm ổn. Tuy nhiên, để hỗ trợ Đà Nẵng dập dịch, Bộ Y tế đã tiếp tục dồn sức cả về nhân lực vật lực cho Đà Nẵng, đồng thời Bộ cũng tăng cường chi viện cho Quảng Nam.
Đến thời điểm này đã có 369/509 ca bệnh COVID-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 72,5% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.
Tính đến sáng ngày 31/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 18 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 122 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19.
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.