Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 14/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 29.179.972 người mắc; 928.208 người tử vong, 21.025.283 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 163/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1063 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 918 ca.
- Số ca bệnh đang được điều trị: 110 ca.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
372 | 691 | 16.713 | 16.892 |
1. Tính đến 9h ngày 14/9: Việt Nam có tổng cộng 372 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 13/9 – 6h sáng 14/9: ghi nhận 3 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 8 ca
3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca.
- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 13 ca.
-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 21 ca
5. Số người cách ly: 33.605 người
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 489 người
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.224 người
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 16.892 người
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 372 ca
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca
8. Nhận xét:
- Đến 9h sáng ngày 14/9, toàn thế giới đã vượt 29 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 900.000 người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện đã có trên 21 triệu người khỏi bệnh.
Tính đến 9h ngày 14/9:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/9 cho biết đã ghi nhận mức tăng số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ cao kỷ lục, với 307.930 trường hợp trên khắp thế giới, số ca tử vong cũng tăng thêm 5.537 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng do đại dịch đến nay lên 900.000 trường hợp. Số ca mắc mới trong ngày cao nhất trước đó mà WHO ghi nhận là 306.857 người hôm 6/9, trong khi ngày ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất là 12.430 ca hôm 17/4.
Trong vòng 24 giờ qua, nhiều nước trên thế giới ghi nhận số ca bệnh mới và ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 so với các ngày qua tăng mạnh. Các mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, Mỹ và Brazil - 3 nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do COVID-19. Theo đó, Ấn Độ đã có 94.372 ca mắc mới, tiếp đó là Mỹ với 45.523 ca và Brazil với 43.718 ca. Cả Mỹ và Ấn Độ đều ghi nhận trên 1.000 trường hợp tử vong mới trong 24 giờ qua.
- Tại Việt Nam, trong 1 ngày qua có thêm 3 ca mắc mới, đều là những trường hợp nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi nhập cảnh.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày 13/9/2020 có 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh bao gồm:
5 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: BN473, BN965, BN1017, BN478 và BN917
3 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam: BN788, BN627 và BN928
Việt Nam đã 12 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
*Về công tác chỉ đạo, điều hành
Để thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; ban hành các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lượng lao động lớn, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Khi mở lại các đường bay quốc tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra. Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
Khi mở lại đường bay thương mại quốc tế lưu ý việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước.
* Về công tác điều trị, xét nghiệm:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 918 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.063 ca mắc.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 17 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Hiện có 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%), trong đó số tiên lượng rất nặng là 3/4 trường hợp (2,5%), và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp.
Số ca tử vong ở nước ta là 35 ca, đa phần là người cao tuổi, có bệnh lý nền, bệnh nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
KHÔNG TỤ TẬP đông người.
KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 1900 9095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.