Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 16/10/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 39.157.923 người mắc; 1.102.814 người tử vong, 29.375.073 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1124 ca mắc COVID-19
Trong đó:
- Số ca điều trị khỏi: 1030 ca.
- Số ca tử vong: 35 ca
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
433 | 691 | 12.183 | 1.203 |
1. Tính đến 9h ngày 16/10: Việt Nam có tổng cộng 433 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ 18h ngày 15/10 – 6h sáng 16/10: ghi nhận 2 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 01 ca.
3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca
4. Số ca tiến triển tốt:
- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 8 ca.
- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 5 ca.
-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 12 ca
5. Số người cách ly: 13.386 người
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 154 người
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.029 người
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.203 người
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 433 ca
7. Số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca
8. Nhận xét:
- Đến 9h sáng ngày 16/10, toàn thế giới có hơn 39,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 1,1 triệu người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện có hơn 29,3 triệu người khỏi bệnh.
Hiện các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (8.216.315 ca), Ấn Độ (7.365.509 ca), Brazil (5.170.996 ca). Tình hình dịch tại Mỹ và châu Âu phức tạp trở lại.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Dịch bệnh diễn biến cực kỳ lo ngại bởi nó xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát dịch mới như ở châu Âu khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại.
- Tại Việt Nam, trong 24h qua ghi nhận 2 ca mắc mới, đây là những ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Hưng Yên, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi cho 1030 người. Tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 59 Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, tại TP Hồ Chí Minh, đã 76 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại Việt Nam đã 44 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng. Hiện nay, ở các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…
Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, quản lý tốt người nhập cảnh... là các biện pháp cơ bản phòng chống dịch bệnh hiện nay.
*Về công tác chỉ đạo, điều hành
Tại cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay diễn ra chiều ngày 15/10 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, những đô thị lớn, mật độ dân cư đông, người qua lại nhiều như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng cần áp dụng biện pháp buộc người dân phải đeo khẩu trang, và xử phạt nếu vi phạm như TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo “Quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 cho người nhập cảnh trên chuyến bay thương mại” từ các quốc gia an toàn. Hiện, người nhập cảnh vào Việt Nam được xét nghiệm 3 lần, thay vì 2 lần như quy định trước đây để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Về các biện pháp quản lý người nhập cảnh, Bộ Y tế cho biết đã hoàn thành hệ thống quản lý thông tin tập trung, thống nhất tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế sẽ cấp quyền truy cập để các cấp chính quyền tỉnh/thành phố, quận/huyện, phường/xã, lực lượng y tế, công an nắm được cụ thể trên địa bàn quản lý có bao nhiêu người nhập cảnh đã hết thời gian cách ly tập trung và đang trong thời gian giám sát, theo dõi y tế tại nhà, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp… Chính quyền cơ sở, lực lượng công an, y tế có trách nhiệm quản lý, thăm hỏi, cập nhật thông tin sức khoẻ hàng ngày của những người này.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sớm hoàn thiện và hướng dẫn các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị… thực hiện nhiệm vụ tự đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; cập nhật lên “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn). Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhật các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp, các chuyên gia nhấn mạnh 3 nhóm nguy cơ dịch bệnh từ: Người nhập cảnh bất hợp pháp; người nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; từ một số mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” với các tiêu chí an toàn trong tình hình “bình thường mới”, khả thi hơn.
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung thảo luận quy trình, biện pháp kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân, nhà đầu tư, người lao động, chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên thế giới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Đặng Quang Tấn nêu rõ, tình hình dịch bệnh trong nước đã kiểm soát tốt nhưng không được lơ là, mất cảnh giác bởi điều kiện thời tiết mùa đông đang đến gần rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan; cần tập trung triển khai biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng nâng cao ý thức của cộng đồng, tăng cường công tác truyền thông.
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1587/QĐ-TTg cho phép đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 đối với các mẫu xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả. Cơ sở y tế công lập được giao nhiệm vụ lấy mẫu, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 được đặt hàng tại các cơ sở y tế công lập khác, cơ sở y tế tư nhân có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR do Bộ Y tế công nhận hoặc thông báo.
Thời gian thực hiện và đơn giá đặt hàng thực hiện theo Nghị quyết số 118/NQ-CP ngày 10/8/2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.
* Về công tác điều trị, xét nghiệm:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.030 /1.124 bệnh nhân COVID-19, nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 8 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 5 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.