Hà Nội

Bản tin dịch COVID-19 trong 24h: Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh đang phát huy hiệu quả

19-08-2020 09:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã cho biết các biện pháp ứng phó với ổ dịch tại Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 19/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

*Thế giới: 22.294.620 người mắc; 783.429 người tử vong, 15.037.670 đã bình phục.

215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 155/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Tính đến 9h ngày 19/8, Việt Nam tổng cộng có 989 ca mắc COVID-19, 649 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.

-Số ca khỏi bệnh: 525 ca

-Số ca tử vong: 25 ca.

- Tính từ 18h ngày 18/8 đến 9h ngày 19/8: 0 ca mắc mới.

 

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

340

649

25.710

55.875

 

1. Tính đến 9h ngày 19/8: Việt Nam có tổng cộng 340 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 58 ca

3. Số ca tử vong trong 24h qua: 01 ca

4. Số ca tiến triển tốt:

-.Số ca âm tính lần 1: 35 ca.

-Số ca âm tính lần 2:  35 ca.

-Số ca âm tính lần 3: 30 ca.

5. Số người cách ly: 81.585

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 3.350

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 22.360

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 55.875

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 340

7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 509 ca

8. Nhận xét:

- Thế giới  có 22.294.620 người mắc; 783.429 người tử vong, 15.037.670 đã bình phục.

-Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 169.213 ca nhiễm và 2.687 ca tử vong. Philipines tiếp tục phong tỏa thủ đô Manila và 4 vùng lân cận. Indonesia, vùng dịch lớn thứ 2 Đông Nam Á đã ghi nhận 143.043 ca nhiễm, 6.277 ca tử vong, tăng 1.673 ca, tăng 70 ca tử vong trong 24h qua. Indonesia tiếp tục giãn cách xã hội đến 27/8. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 55.938 người mắc, tăng 100 ca, 27 người tử vong.

-Tại Việt Nam: Đến nay cả nước có 525/989 ca bệnh COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 53,08%  tổng số ca bệnh COVID-19 trong cả nước.

Tính đến 9h ngày 19/8, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 100 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 3 lần với virus SARS-CoV-2. Số trường hợp tử vong: 25 ca.

Về chỉ đạo điều hành:

-Cấp miễn phí hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định xuất cấp không thu tiền 02 tấn Chloramin B và 07 triệu viên Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phòng, chống COVID-19.

-Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo nguồn gốc: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng ty không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc. Thời gian gần đây, một số cơ quan thông tấn báo chí nêu nhiều vụ việc sản xuất, tập kết, vận chuyển số lượng lớn găng tay, khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ; nếu số khẩu trang, găng tay này được đưa ra thị trường tiêu thụ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng và việc phòng chống dịch bệnh.

-Nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng: Ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu các địa phương nâng cao mức cảnh báo, triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ các địa điểm xung yếu như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội,… và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.

- Ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/8, đại diện Bộ y tế cho biết các biện pháp ứng phó với ổ dịch tại Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm tại Quảng Nam. Ảnh: Anh Văn.

Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài,… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

-Đà Nẵng yêu cầu không được giảm cường độ chống dịch: Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan ban ngành, địa phương và người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan; không được phép giảm, giãn cường độ công việc phòng, chống dịch.

Về điều trị, dự phòng:

-Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng ở Hải Dương: Tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức triển khai lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm trên diện rộng, đảm bảo không bỏ sót đối tượng và an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Tất cả các trường hợp F1, F2; toàn bộ người dân trong vùng cách ly y tế; người bệnh có hội chứng cúm, viêm phổi nặng do vi rút, người có bệnh mạn tính diễn biến nặng, giai đoạn cuối (ung thư, suy tim, suy gan, suy thận…) đang điều trị tại các cơ sở y tế; người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… trong cộng đồng; người nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh; toàn bộ người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 21/7/2020 đến nay phải làm xét nghiệm Realtime-PCR sàng lọc COVID-19.

- Bệnh viện Trung ương Huế công bố khỏi bệnh COVID-19 cho 6 trường hợp, trong đó có 5 trừờng hợp mắc bênh lý nền rất nặng. 5 trường hợp còn lại là BN 476 âm tính 8 lần, BN 507 âm tính 6 lần và hai bệnh nhân BN 481, BN 483 âm tính 3 lần, BN 452 âm tính 4 lần. Các bệnh nhân này đều bị bệnh lý nền rất nặng, suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp.Sau khi được công bố khỏi bệnh, các bệnh nhân chuyển về Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng cách ly và chạy thạn nhân tạo tại Bệnh viện C.

-Một tuần thiết lập 2 phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc gia tại tâm dịch: Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã cử đội thiết lập, nâng cao năng lực và đánh giá Phòng xét nghiệm COVID-19 đền TP Đà Nẵng để thiết lập 2 phòng xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-COV-2 để kịp thời cách ly và điều trị.

-Kết quả giải trình tự gen các ca COVID-19 ở Hải Dương tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng: Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy, chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó.

-Các địa phương trong cả nước chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng phương án ứng phó khi có dịch xảy ra.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn