Bản tin dịch COVID-19 trong 24h: 2 đơn vị của Việt Nam dự kiến cuối năm 2020 sẽ thử nghiệm vòng 1 vắc xin COVID-19 trên người

07-11-2020 09:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong 24h qua, Việt Nam ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19, có 01 bệnh nhân khỏi bệnh. Tuy nhiên trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn ra vô cùng căng thẳng, số ca mắc tăng nhanh chóng. Các quốc gia đang nỗ lực chống dịch và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19. Các nhà nghiên cứu sản xuất vắc xin của Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Trong 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin của Việt Nam, có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người...

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h00 ngày 7/11/2020,

*Thế giới: 49.573.632 người mắc; 1.246.955 người tử vong, 35.205.333 người khỏi bệnh.

218 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 1.213 ca mắc COVID-19.

Trong đó:

- Số ca điều trị khỏi: 1070 ca.

- Số ca tử vong: 35 ca

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

519

691

13.135

929


1. Tính đến 9h ngày 6/11: Việt Nam có tổng cộng 519 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Từ 18h ngày 6/11 – 6h sáng 7/11: ghi nhận 01ca mắc mới.

2. Số ca bình phục trong 24h qua: 1 ca

3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2:  9 ca.

- Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 11 ca.

-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 8 ca.

5. Số người cách ly: 14.064 người.

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 209 người.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.926 người.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 929 người.

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 519 ca.

7. Tính đến 9h ngày 7/11, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

8. Nhận xét:

Thế giới: Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 49.573.632 ca, trong đó có 1.246.955 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 35.205.333 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 90.749 ca và 13.121.344 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 6/11, thế giới có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Trong 24h qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (100.519 ca), Pháp (60.486 ca), Ấn Độ (49.739 ca) và Italy (37.809 ca); trong khi đó Mỹ (với 939 ca), Pháp (828 ca), Ấn Độ (576 ca) và Mexico (544 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Tại Việt Nam: Đến hiện tại số ca mắc COVID-19 được ghi nhận là 1.213. Ca mới nhất được ghi nhận là nam thanh niên 22 tuổi nhập cảnh từ Angola được cách ly ngay.

Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 66 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 81 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 98 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Các nhà khoa học của Việt Nam đang nỗ lực, tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin COVID-19

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, tại phiên chất vấn sáng 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam- trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết Chúng ta đã thực hiện kiểm soát rất chặt chẽ người nhập cảnh, không chỉ những người nhập cảnh trái phép, mà nhất là những người nhập cảnh hợp pháp.

Đến nay, chúng ta đã cho nhập cảnh khoảng 200.000 người là chuyên gia, lao động nước ngoài cần thiết cho phát triển kinh tế trong nước và người Việt Nam, chủ yếu là học sinh, sinh viên, ở các nước có dịch rất cao, phải kiểm soát rất chặt. Căn cơ hơn nữa ở bên trong chúng ta phải chung sống an toàn với dịch bệnh bằng những giải pháp rất căn bản như khuyến cáo 5K của Bộ Y tế "Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế"; tất cả các cơ sở, đầu tiên là cơ sở y tế, các nhà dưỡng lão, các trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn dịch.

“Chúng tôi đã đưa lên bản đồ số chung sống an toàn với COVID-19, như vậy sẽ có hàng triệu cơ sở như vậy phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Màu xanh thì tiếp tục được hoạt động. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần dịch còn kéo dài ít nhất đến năm 2021.”, Phó Thủ tướng nói

Về nghiên cứu, phát triển vắc xin Phó Thủ tướng cho biết thời gian nghiên cứu, phát triển một vắc xin bình thường kéo dài 5-10 năm để xem vắc xin đó có tác dụng phòng bệnh không, trong bao lâu, có tác dụng phụ gì.

Hiện nay trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu vắc xin COVID-19, trong đó có trên 150 ứng viên, Việt Nam có 4 ứng viên. Có 32 vắc xin đã tiến hành thử nghiệm trên người trong đó có 10 vắc xin đã thử nghiệm vòng 3 với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn người. Trung Quốc có 4 vắc xin, Mỹ có 4 vắc xin, Nga có 1 vắc xin, Anh có 1 vắc xin. Trong 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin của Việt Nam thì có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người, nếu thuận lợi, nhanh nhất thì cuối năm 2021 chúng ta mới sản xuất được vắc xin.

Mua vắc xin nước ngoài cũng không kém phần khó khăn. Đây là vấn đề nóng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh Vắc xin toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tham vọng có thể cung cấp vắc xin giá rẻ, nhưng hiện chưa có công ty sản xuất vắc xin nào cam kết bán cho chương trình này.

Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả các đối tác nhưng việc mua vắc xin sớm không hề dễ khi nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch...

 

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.070 bệnh nhân/1.213  bệnh nhân COVID-19. Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 9 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 11 ca, số ca âm tính lần 3 là 8 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Tại hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 6/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác điều trị cho người bệnh như vậy, điều quan trọng đầu tiên đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, luôn quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc," “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân"; sự vào cuộc của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp.

“Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban điều trị trong thời gian qua, sự nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại. Nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam rất cao.

"Để tiếp tục duy trì những thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới các Sở Y tế và bệnh viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, rà soát các nguy cơ để sớm khắc phục ngay. Đồng thời cần xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn