Hà Nội

Bản tin dịch COVID-19 đến 14h: Truy vết kịp thời và cách ly triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng

30-08-2020 14:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh. Công tác phòng chống cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng.

Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.

Tính đến 14h00 ngày 30/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 25.170.439 người mắc; 846.792 người tử vong

*215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

* Việt Nam: 1.040 người mắc; 667 người điều trị khỏi, 32 người tử vong.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 45 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 51 ca, số ca âm tính lần 3 là 28 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 11 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/11trường hợp và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 5 trường hợp. Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 32 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì giao giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước.

Tại giao ban, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Nếu không thần tốc, quyết liệt thì dịch sẽ lây lan nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng.

ảnh minh họa

Đà Nẵng xét nghiệm COVID-19 cho người dân Phú Yên trước khi trở về nơi cư trú

Sáng 30/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 163 người dân tỉnh Phú Yên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng do dịch bệnh. Đây là những người đã đăng ký danh sách nguyện vọng trở về nơi cư trú và được tỉnh Phú Yên xác nhận.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn An cho biết: Thành phố Đà Nẵng đã thông báo cho người dân tỉnh Phú Yên bị mắc kẹt tại Đà Nẵng về kế hoạch đưa họ trở về nơi cư trú. Theo đó, đã có 163 người đăng ký có nguyện vọng được trở về quê.

Thành phố Đà Nẵng đã gửi danh sách và được tỉnh Phú Yên xác nhận đồng ý để 2 địa phương phối hợp đưa, đón người dân về và thực hiện cách ly theo quy định để phòng, chống dịch. Theo đề nghị của tỉnh Phú Yên, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho những người đã đăng ký trước khi trở về địa phương.

Các trường học tại Hà Nội đẩy mạnh công tác phun khử khuẩn tại trường lớp, sẵn sàng đón học sinh trở lại

Chỉ còn vài ngày nữa, học sinh tại các tỉnh thành trên cả nước sẽ đón lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sẵn sàng. Theo ghi nhận  trong ngày 29/8, nhiều trường học đã tiến hành công tác phun khử khuẩn để đón chào học sinh quay lại trường.

Trước đó, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã thông tin về việc tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020-2021 của học sinh toàn thành phố. Theo đó, tất cả các trường trên toàn thành phố thống nhất tổ chức lễ khai giảng vào ngày 5/9 với hình thức trực tiếp. Đối với cấp học tiểu học, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không quá 45 phút...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tổ chức chương trình khai giảng ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp; không thả bóng bay; không tập trung học sinh để tổ chức luyện tập trước ngày khai giảng.

Hơn 25 triệu người mắc COVID-19 trên toàn cầu

Tính đến 14h ngày 30/8, toàn thế giới có 25.170.439 ca mắc COVID-19, trong đó có 846.792 trường hợp tử vong và 17.510.604 bệnh nhân đã hồi phục.

Mỹ vẫn là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 6 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 186.000 bệnh nhân tử vong.

Châu Âu

Hiện nay, Đức được đánh giá là đã kiểm soát cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 tương đối tốt so với các quốc gia khác trong khu vực, giúp hạn chế số ca nhiễm bệnh và tử vong. Quốc gia này ghi nhận tổng cộng 242.824 ca mắc Covid-19 và 9.363 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, số ca dương tính hằng ngày có xu hướng tăng trở lại. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi người dân nước này cảnh giác và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Châu Á

Hàn Quốc hiện có tổng cộng 19.400 ca mắc, trong đó có 321 người đã tử vong. Ngày 29-8 đánh dấu ngày thứ 16 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức 3 con số, kéo dài làn sóng lây nhiễm thứ hai và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu giường bệnh ở thủ đô Seoul.

Phần lớn ca dương tính mới tại Hàn Quốc là ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận. Các đợt bùng phát tập trung chủ yếu tại các nhà thờ, văn phòng, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế. Báo cáo của Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, chỉ còn 4,5% số giường bệnh ở Seoul còn trống cho các ca bệnh nguy kịch, giảm mạnh so với mức 22% của tuần trước.




Minh Châu
Ý kiến của bạn