Bản tin dịch COVID-19 đến 14h: Tất cả mẫu xét nghiệm của người ở Vân Đồn tiếp xúc với BN 950 đều âm tính

16-08-2020 14:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 16/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, ông Ninh Văn Chủ cho hay: Tất cả các mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc với bệnh nhân 950, người đã có lịch trình đi du lịch ở Vân Đồn ngày 25-26/7, đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

 

Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đưa ra lời khuyên về chăm sóc phụ nữ mang thai trong mùa dịch COVID-19.

1. Bà mẹ mang thai cần được đảm bảo bữa ăn hàng ngày đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm thực phẩm dưới đây:

-Thực phẩm chứa nhiều tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn.

Đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu nhất. Đặc biệt là giai đoạn 03 tháng cuối của thai kỳ khi nhu cầu năng lượng tăng cao cho sự phát triển nhanh của thai nhi.

Thức ăn giàu đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt đậu đỗ.

Đây là các thực phẩm giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp các khoáng chất như canxi, phospho giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ. Nên chọn nguyên liệu tươi và nấu chín kỹ trước khi ăn.

-Rau tươi, trái cây tươi các loại là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của bà mẹ mang thai.

Chúng không những cung cấp khoáng chất và vitamin giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho chức năng tiêu hóa của bà mẹ.

-Cần thường xuyên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm để vừa cung cấp tốt các chất dinh dưỡng vừa tạo sự ngon miệng, nhất là khi bà mẹ bị nghén.

2. Tránh ăn các thực phẩm chế biến công nghiệp vì chúng thường chứa các chất không có lợi cho sức khỏe như nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa nhưng ít các khoáng chất, vitamin và chất xơ

3. Uống nước đầy đủ từ 2 đến 2,5 lít mỗi ngày giúp cho các chức năng chuyển hóa, miễn dịch của cơ thể mẹ.

4. Nếu dịch vụ khám thai không bị gián đoạn do dịch bệnh, các bà mẹ cần khám thai định kỳ tại cơ sở y tế để đảm bảo thai phát triển tốt. Cần uống viên sắt - acid folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng đều đặn hàng ngày theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

5. Đồng thời, các bà mẹ mang thai cần thực hành các biện pháp phòng chống mắc COVID-19 trong mùa dịch như:

- Vệ sinh cá nhân, tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý.

Thường xuyên rửa tay đúng cách với xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.Thực hiện khai báo y tế.

Kíp bác sĩ thực hiện mổ bắt con tại TTYT Hoà Vang (ảnh BSCC)

Sức khoẻ mẹ con sản phụ đã ổn định

Sáng 16/8/2020, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục QLKCB, Bộ Y tế, Phó Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng được sự ủy quyền của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đến TTYT Hòa Vang, thăm hỏi sản phụ mắc COVID-19 sinh con.


Sản phụ chính là BN 569 vừa được các thầy thuốc mổ lấy thai tối hôm qua 15/8. Ông Nguyễn Trọng Khoa đã động viên thai phụ yên tâm điều trị. Tập thể thầy thuốc tiếp tục quan tâm và theo dõi sức khỏe thai phụ và cháu bé.

Hiện tại sức khoẻ của 2 mẹ con bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiến triển tốt.

Trước đó, tối 15/8, TTYT Hòa Vang, Đà Nẵng đã can thiệp mổ bắt con thành công, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé gái sơ sinh.

Theo đó, sản phụ vừa được hỗ trợ phẫu thuật để bắt con là BN 569 (35 tuổi). Đây là 1 trong 2 thai phụ đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam nhiễm COVID-19, và đều được điều trị tại TTYT Hòa Vang.

Tất cả mẫu xét nghiệm của người tiếp xúc với bệnh nhân 950 ở Vân Đồn đều âm tính

Ngày 16/8, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, ông Ninh Văn Chủ cho hay: Tất cả các mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc với bệnh nhân 950, người đã có lịch trình đi du lịch ở Vân Đồn ngày 25-26/7, đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngay sau khi có thông tin bệnh nhân 950 ở Hải Dương có lịch trình di chuyển cùng gia đình xuống Vân Đồn du lịch, ngành Y tế Quảng Ninh đã tiến hành rà soát và điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Vân Đồn. Ban đầu đã xác định có 44 trường hợp là F1, F2 của bệnh nhân 950 tại Vân Đồn.

Các trường hợp trên lập tức được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay trong ngày 15/8. Trong đó có 25 người là đối tượng tiếp xúc gần (F1) được áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung, các đối tượng F2 được cách ly tại nhà.

Cũng trong đêm 15/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các F1, F2 của bệnh nhân 950. Đến 4 giờ 30 phút ngày 16/8, tất cả các mẫu xét nghiệm trên đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, hiện tại Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19  tại cộng đồng. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, nguy cơ phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng của Quảng Ninh là rất cao. Vì tất cả các tỉnh thành tiếp giáp với Quảng Ninh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương… đã phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng. Đặc biệt là tình hình diễn biến phức tạp khó kiểm soát tại Hải Dương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo mọi người cần đeo khẩu trang và hạn chế ra chỗ đông người khi không cần thiết.

Có 31 bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo chu kỳ nhiễm COVID-19 tại TTYT Hoà Vang

Tại Trung tâm y tế Hòa Vang, Đà Nẵng đang có 31 bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo chu kỳ nhiễm COVID-19 trên tổng số 181 bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía Bắc Quảng Nam vượt qua thử thách đầu tiên

Hôm nay 16/8 là ngày hết hạn cách ly các bệnh nhân thuộc diện F1 và nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía Bắc, Quảng Nam sau hơn 14 ngày và 3 lần làm xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất cả mọi người.

Cách đây 20 ngày, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía Bắc, Quảng Nam cũng phát hiện hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Toàn bộ khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện bị phong tỏa, các bệnh nhân khác, người nhà và cả nhân viên y tế (NVYT) của bệnh viện đều rất lo lắng.

Đúng lúc đó Ban Giám đốc của bệnh viện được đề nghị tiếp nhận 100 bệnh nhân thuộc diện F1, trong đó có nhiều bệnh nhân rất nặng, được chuyển về từ Đà Nẵng (chỉ trong vòng 1-2 ngày) nhằm giảm tải cho tâm dịch. “Ban Giám đốc và toàn bộ NVYT của bệnh viện "đứng tim luôn", mình phải mô tả như vậy mới đúng thực tế tình hình lúc đó”, BS Lương Quốc Chính của Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, người đang có mặt tại BVĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam chia sẻ.

Giảm tải cho tâm dịch có kiểm soát là chiến lược chống dịch bùng phát trong bệnh viện đúng đắn, đây là đề xuất của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Để làm được việc này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã liên tục cử nhiều đoàn công tác gấp rút từ Hà Nội vào. Tính tới nay, để chi viện cho Đà Nẵng và Quảng Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 54 cán bộ y tế và các chuyên gia thần tốc vào miền Trung chống dịch.

“Nhớ lại những ngày đầu và trong thời gian cách ly, nỗi sợ bệnh nhân F1 có thể trở thành bệnh nhân F0 bất cứ khi nào, bệnh nhân nặng có thể diễn biến xấu đi, thậm chí tử vong bất cứ lúc nào, tinh thần NVYT bị ảnh hưởng nghiêm trọng và chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới công tác chuyên môn và phòng chống lây nhiễm, ấy vậy mà mọi người đã vượt qua được tất cả, ai cũng được giữ an toàn, khỏe mạnh và chiến thắng dịch bệnh”- BS Lương Quốc Chính kể

Sau đợt cách ly thứ nhất này, Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam lại sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân thuộc diện F1 chuyển đến nhằm giảm tải cho tâm dịch mà không còn thấy lo lắng nữa. Lúc này, kinh nghiệm chống dịch và tinh thần NVYT ở đây là rất tốt.

Tạm ứng kinh phí để kịp thời xét nghiệm COIVD- 19 cho người có BHYT

BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 2539/BHXH-CSYT về việc thanh toán chi phí xét nghiệm COIVD-19 theo chế độ BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh tạm ứng kinh phí để kịp thời triển khai xét nghiệm COVID-19 cho người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh  tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Để bảo đảm thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thực hiện như sau:

- Thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng nội dung hướng dẫn tại Công văn số 2146/BYT-BH và Công văn số 2276/BYT-BH.

Đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện dã chiến mới được thành lập, BHXH tỉnh thanh toán các chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT theo hướng dẫn tại Công văn 2146 và Công văn 2276 với cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu mối quản lý, cung ứng thuốc, vật tư y tế… phục vụ công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện dã chiến đó.

- Đối với chi phí xét nghiệm COVID-19: BHXH các tỉnh phối hợp với cơ sở KCB BHYT thống kê chi phí xét nghiệm COVID-19 của các trường hợp người có thẻ BHYT thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Công văn số 4051/BYT-KHTC gồm:

Người bệnh phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại các cơ sở y tế;

Người nhiễm COVID-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT;

Các trường hợp được cơ sở khám chữa bệnh BHYT chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Mọi người dân tiếp tục cài đặt ứng dụng Bluezone

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân có điện thoại thông minh tiếp tục cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương đã tổ chức tốt, an toàn đợt đầu kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có ca nhiễm bệnh tiếp tục chuẩn bị chu đáo để tổ chức đợt tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép trong điều kiện bình thường mới, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, kiên quyết các biện pháp phòng, chống dịch song cần duy trì sự liên tục, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.


Minh Châu
Ý kiến của bạn