Theo đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chống dịch cho Quảng Nam như đã làm với Đà Nẵng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục “tăng quân” vào khu vực này, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ truy tìm các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong.
Cập nhật dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 14h hàng ngày.
Tính đến 14h00 ngày 5/8/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 18,706,376 người mắc; 704,396 người tử vong; 11,924,957 người bình phục.
* Việt Nam: 672 người mắc; 378 người điều trị khỏi, 08 người tử vong
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
*Về công tác chỉ đạo, điều hành
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các chuyên gia, nước ta với gần 100 triệu dân, đường biên giới dài hơn 4.000 km nên nguy cơ có dịch luôn thường trực trong cộng đồng. Vì vậy, phải thiết lập trạng thái bình thường mới với từng người dân, gia đình, tổ chức và toàn xã hội.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam và ghi nhận các ca mắc rải rác ở các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian tới, một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất có thể. Mặt khác cũng phải siết chặt lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết trong ngành y tế. Theo Phó Thủ tướng, “giống như bảo vệ tuyến đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất phải được canh giữ cẩn trọng nhất. Mọi rò rỉ, nhất là ở nơi xung yếu, phải được phát hiện ngay và bịt lại. Các cấp chính quyền, ngày y tế phải tập trung vào các khâu, điểm xung yếu”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi, có bệnh nền, siết lại kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện nghiêm, triệt để quy định phòng dịch đối với mọi người đến khám bệnh và nhân viên y tế. Mỗi một sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp lại”.
*Công tác chi viện, tiếp sức cho y tế địa phương
- Trước diễn biến của dịch bệnh ở một số địa phương miền Trung, nhất là ở nhóm bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã tiếp tục huy động cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam...
- Sáng nay, 33 cán bộ Y tế của Hải Phòng cũng đã “xuất quân” lên đường hỗ trợ y tế cho Đà Nẵng. Cùng với đó, UBND tỉnh Bình ĐỊnh cũng cho biết địa phương này cũng cử 25 cán bộ y tế lên đường chi viện chia sẻ cùng Đà Nẵng để phòng chống dịch.
Đoàn bác sĩ Hải Phòng vào chi viện cho Đà Nẵng
- Tại Đà Nẵng: UBND TP Đà Nẵng có kế hoạch về khử trùng và xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Tại buổi kiểm tra thực hiện quy trình phòng, chống COVID-19 tại BV 199 Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Bệnh viện 199 cần siết lại quy trình phân luồng, triển khai thêm các phòng cách ly tại các khoa.
- Còn Bệnh viện dã chiến đặt tại Cung thể thao Tiên Sơn, hiện đến nay đã cơ bản hoàn thiện phần lắp đặt, các đầu việc còn lại chủ yếu lắp đặt máy móc, thiết bị phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.
-Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, theo báo cáo của BS Trần Thanh Linh (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy), hiện nay tổ công tác đang lắp đặt trang thiết bị cho đơn nguyên điều trị tích cực (ICU). Công tác lắp đặt 24 giường ICU đã cơ bản hoàn thành, trong ngày hôm nay 5/8 sẽ đón bệnh nhân về đây điều trị.
- Đơn vị chạy thận nhân tạo được thiết lập tại TTYT huyện Hoà Vang cũng đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.
- Sáng 5/8, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Đội trưởng Đội Xét nghiệm, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng cho biết: Công suất xét nghiệm ở Đà Nẵng đã xét nghiệm được khoảng 10 nghìn mẫu/ngày.
Công tác triển khai phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương
- Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội thực hiện xét nghiệm: Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia đã giao cho các đơn vị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ ngành Y tế Hà Nội thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 trong giai đoạn trước mắt. UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế để triển khai thực hiện.
-Ngày 5/8, TP Hồ Chí Minh chính thức bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt hành chính nếu ai không tuân thủ quy định.
- Các địa phương khác tiếp túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khoanh vùng, truy vết các trường hợp đi từ Đà Nẵng về và các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID -19.
Khuyến cáo:
Trước tình hình này, Bộ Y tế xây dựng khuyến cáo phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hình mới.
1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn/ hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn/ và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.